Còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết. Giờ đây, có lẽ nhiều người vẫn hối hả với những ngày cuối năm bận rộn. Còn quá sớm để nghĩ về năm mới và cái Tết con chuột. Có lẽ, những điều quen thuộc sẽ được lặp lại vào dịp đặc biệt này. Nhà nhà sẽ nô nức dọn dẹp nhà cửa, mua cành đào, cây quất về trưng cho nhà cửa thêm tươi vui. Chúng ta sẽ đi thăm hỏi họ hàng, bạn hữu, đi đây đó du xuân. Suy cho cùng, được đón một cái Tết bình an và bình thường là đủ để mãn nguyện rồi.
Nhưng Tết năm nay sẽ khác, sẽ chẳng còn Táo Quân để xem. Mấy ngày nay, lang thang lên mạng đọc báo, ở đâu cũng thấy tin về Táo Quân. Lên facebook cũng thấy bạn bè than vãn, vì chẳng còn cái gì để chờ đợi vào buổi tối cuối cùng của năm cũ. Lớn rồi, cũng chẳng ai mừng tuổi để đợi lì xì. Quần áo mới thì tháng nào chẳng mua, đâu cứ khi tết nhất.
Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc vào dịp Tết. Ảnh: Tienphong.vn |
Tôi có những người bạn chỉ ở cách Hà Nội mấy chục cây số, cuối tuần họ lại về quê. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ cũng vơi đi ít nhiều. Đường xá, xe cộ giờ đây cũng thuận tiện hơn xưa, cơ hội sum họp gia đình vì thế mà không còn hiếm hoi nữa. Tất nhiên, ngày Tết vẫn là một dịp thiêng liêng và đặc biệt. Bởi vì nó là duy nhất. Táo Quân cũng vậy!
Nhiều người ngóng chờ đến tối ba mươi Tết để xem Táo Quân. Từ trước Tết cả tháng, người ta bàn tán xem Táo Quân năm nay sẽ đề cập đến vấn đề gì, có những ai tham gia… . Trong lúc chưa có Táo Quân “mới” để xem thì lên Youtube xem lại Táo Quân “cũ” cho đỡ nhớ Tết. Nói là nhớ Tết, nhưng thực tình nhớ các Táo nhiều hơn.
Bộ ba Ngọc Hoàng- Nam Tào- Bắc Đẩu của Táo Quân. Ảnh: Toquoc.vn. |
Chiều ba mươi, hễ đang quét dở cái sân, làm thịt con gà, luộc nốt nồi măng… bà tôi đều nhắc: “Làm nhanh cái tay lên, đến tối còn xem Táo Quân”. Nghe thấy thế, đứa nào cũng mong nhanh nhanh đến tối. Ngày thường, ăn cơm xong, chị em tôi còn cà kê cả chục phút mới bê mâm đi rửa, nhưng tối ba mươi thì khác. Ăn xong, hai đứa bảo nhau dọn dẹp thật nhanh, cùng nhau rửa bát để “Hễ có Táo Quân là được xem ngay”.
Bình thường, bạn bè đến rủ đi chơi, tôi cũng chơi nhiệt tình ra phết, có hôm đợi mẹ gọi mới biết lối về. Nhưng tối ba mươi thì khác, phải về xem Táo Quân với cả nhà chứ. Nó cũng như bữa cơm tất niên, cả nhà phải quây quần bên nhau, cùng xem rồi cùng cười hỉ hả mới thích.
Thế nên, nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi vào tối ba mươi Tết là mất điện. Ngày trước, điện đóm ở quê chập chờn lắm. Một tháng mất điện năm bảy lần là ít. Ngày Tết, điện đóm hay quá tải, nên chẳng có ai dám chắc có điện suốt tối ba mươi. Có năm, xem được một nửa Táo Quân thì nhà cửa tối om. Chị em tôi còn mải ôm bụng cười nên cứ ngơ ra như phỗng, mất vài phút mới ngớ người ra.
Nghệ sĩ Minh Vượng trở lại với Táo Quân sau nhiều năm vắng bóng. Ảnh: Nguoiduatin.vn. |
Lúc ấy, năm mười phút sau mà chưa có điện là nóng ruột lắm rồi. Có năm, đợi gần nửa tiếng chưa có điện, chị em tôi còn xách đèn ra khu thị trấn, cách nhà có mấy trăm mét để xem nhờ đi TV. Đi được nửa đường thì thấy cả xóm sáng trưng, nhà nhà reo hò như cổ vũ bóng đá, hai đứa nửa cười nửa mếu, lại lóc cóc xách đèn đi về. Đến nhà, kiểu gì cũng bị mẹ với bà trêu.
Tối ba mươi Tết, giữa những trận cười là những cái gật đầu tâm đắc, những màn “cá cược” vui về nội dung của Táo Quân. Sang ngày mùng Một, “cơn sốt” Táo Quân vẫn chưa hạ nhiệt, lúc bác tôi về chúc Tết ông bà, đại gia đình sum họp bên nhau, ăn bữa cơm đầu năm mới, cả nhà lại bàn về Táo Quân.
Tất nhiên, có năm ai cũng khen, có năm khen chê lẫn lộn, nhưng tiếng cười là điều ai cũng cần cho một năm mới.Trong ngày đầu năm, những câu nói vui mà giới trẻ hay gọi là “chất” hay “trend” của các Táo luôn được nhắc đi nhắc lại. Tết và Táo Quân dường như đã trở thành một bộ đôi quen thuộc trong những ngày đầu năm.
Tôi còn nhớ, thời đại học, cả tháng không gặp nhau sau kì nghỉ dài, chúng tôi vẫn thường hỏi nhau: “Năm nay ăn Tết vui không?”. Có cô bạn hồn nhiên đáp: “Hết Táo Quân nhà tao hết Tết rồi”. Giờ đây, tôi nghĩ cô bạn ấy đang buồn lắm, trong ngày cuối tuần rảnh rỗi, có lẽ đang xem lại màn chầu Ngọc Hoàng của các Táo năm nào.