Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bụi phấn ngừng rơi, hóa ra tóc thầy đã bạc

Tóc thầy phai màu đâu phải vì bụi phấn. Chúng tôi lớn hết cả rồi, có đứa đã làm cha, làm mẹ. Thế nhưng, thầy vẫn nhớ mãi hình ảnh của những đứa nhóc mới lớn năm nào.


Trong một buổi tối đầu đông, gió rít ngoài ô kính, tôi lấy cuốn album cũ ra xem lại. Ảnh kỉ niệm của tôi, mẹ đều giữ rất cẩn thận. Từ ảnh chụp ngày Tết ở nhà bà ngoại bên bụi hoa hồng già, ảnh chụp với bạn bè mỗi lần đi chơi và cả những kỉ niệm suốt mười mấy năm cắp sách. Ký ức, như một thước phim được tua nhanh qua tâm tưởng! Quãng đường tới trường hiện ra đẹp lạ lùng…

Trường mẫu giáo của tôi nằm trong xóm nhỏ, bao quanh trường là hàng rào cây cúc tần. Ngày ấy, trẻ con ở quê phần lớn ở nhà chơi với bà, với mẹ. Khi nào được bốn, năm tuổi mới đi học cho quen trường, quen lớp để vào lớp 1. Hồi mẫu giáo, tôi học cùng cô Hạnh. Sáng sáng đi dạy, cô thường mang cho chúng tôi mấy quả trứng gà, thứ quả vàng ươm, nhìn thích mắt mà có nơi gọi là lêkima.

Bui phan ngung roi,  hoa ra toc thay da bac anh 1
Vượt qua bao khó khăn, nhiều giáo viên trên vùng cao vẫn giữ mãi tình yêu nghề.  Ảnh: Laodong.

Ở nhà, mẹ mời mọc, rồi nài ép mãi, tôi mới ăn được một hai miếng. Vì tôi thấy quả trứng gà này chẳng ngon tẹo nào, đã thế lại còn làm người ta dễ mắc nghẹn. Thế mà tới lớp, đứa nào cũng hào hứng ăn lấy, ăn để. Sau này, đến nhà cô chơi, chúng tôi mới biết cô trồng một cây trứng gà to ở trước sân.

Dạo ấy, mẹ cái Hiền hay bị đau lưng. Tôi và nó tha thẩn chạy ra hàng rào của trường hái lá cúc tần để tối về cho mẹ đắp. Vừa nghe thấy tiếng cô ở sau lưng, hai đứa đã thót cả tim, mếu máo như sắp khóc đến nơi. Lắp bắp mãi, tôi và nó mới nói được lý do vì sao hái lá cúc tần. Nghe xong, cô bật cười, xoa đầu chúng tôi rồi ba cô trò cùng hái, một chốc đã được cả túi đầy.

Ngày chia tay trường mầm non, cả cô và trò đều bịn rịn. Cô còn dặn: “Nhiều bạn trên đường đi học về phải qua đây, nhớ ghé vào chào cô nhé!”. Chúng tôi đồng thanh cất tiếng “Dạ!” thật to, vang cả lớp học.

Lên cấp I, tôi học với cô Lâm nhiều nhất. Cô dạy tôi năm lớp 2 và cả năm lớp 5. Ngày nhận lớp, những đứa đã từng học với cô năm lớp 2 đều vẫy tay, gọi cô tíu tít, xem cô có nhớ mặt, nhớ tên mình không. Cả lớp hơn 40 đứa, cô đều nhớ hết.

Thi thoảng, trong giờ ra chơi, nhìn chúng tôi nô đùa ngoài sân, mắt cô buồn buồn, có lần tôi còn thấy cô lén lau nước mắt. Sau này tôi mới biết con đầu lòng của cô bị bệnh nặng, không thể tới trường, cô bạn tội nghiệp ấy bằng tuổi chúng tôi.

Chúng tôi gọi thầy Trung dạy Tiếng Anh những năm cấp III là “Thần điêu đại hiệp” vì thầy có tài ném phấn rất chuẩn. Đứa nào buôn chuyện trong lớp kiểu gì cũng được thầy “tặng” cho vài viên phấn từ trên bục giảng. Lúc biết tin thầy bị tai nạn nặng, có thể không đi lại được, đứa nào cũng lo. Một ngày cuối tháng tư, bỗng thấy thầy đi bộ dưới sân trường, cả lớp đứng trên tầng hai, gọi tên thầy thật to.

Kỷ niệm mà chúng tôi nhớ nhất trong quãng đời học sinh có lẽ là những lần đến thăm thầy cô vào ngày Nhà giáo. Cả một đám lít nha lít nhít, hết đi bộ rồi đạp xe khắp làng trên xóm dưới để đến nhà thầy cô. Từ chiều hôm trước, cả bọn đã hẹn nhau đi sớm, nhưng đợi chờ hết đứa nọ đến đứa kia, mặt trời lên quá con sào cả đám mới xuất phát được.

Đến nhà thầy cô, thì thấy các lớp khác đã đến đông lắm rồi. Cô huy động hết cả ghế lớn, ghế nhỏ ra cũng không đủ chỗ cho đám học trò. Đứa được ngồi, đứa phải đứng nhưng ai cũng thấy vui.

Bui phan ngung roi,  hoa ra toc thay da bac anh 2
Tình cảm thầy trò thuở ấy đơn sơ mà đáng quý vô ngần. Ảnh: Dientungaynay.vn

Tôi còn nhớ năm đó cô Lân dạy Văn mới về trường. Lớp trưởng hăm hở dẫn cả lớp tới nhà thăm cô. Nhưng cả bọn thống nhất là phải giữ bí mật, vì nhà cô ở cách trường những mười mấy cây số, sợ cô không cho học trò tới thăm. Cả lớp vừa đi, vừa hỏi đường. Gần trưa cũng tìm được tới nơi. Tháng 11 năm đó nóng như mùa hè, đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi.

Thấy chúng tôi, cô đứng lặng cả người. Chồng cô là bộ đội, quanh năm đi xa. Căn nhà đang ở cô cũng mượn tạm của người họ hàng. Hôm ấy, đúng lúc con cô ốm, cũng không nghĩ học trò sẽ tới thăm nên cô thú thật chẳng kịp mua gì để đãi chúng tôi cả.

Cô khoác vội cái áo dài tay rồi bảo cả lớp trông em cho cô, cô chạy đi đằng này một tẹo. Lúc về, cô mua một túi đậu phụ lớn, cùng mấy túi táo đãi cả lớp. Nơi cô ở có nghề làm đậu phụ nổi tiếng. Vừa chóp chép ăn táo, lại được nghe cô kể bao nhiêu chuyện hay. Hóa ra, thầy chủ nhiệm của chúng tôi ngày xưa toàn đi học muộn, có lần thầy còn phải trèo tường vào lớp.

Cô bảo không muốn cho học trò tới thăm, một phần vì ngại xa xôi. Hơn nữa nhà cô lại ở gần đường quốc lộ, toàn xe tải lớn qua lại, mấy đứa đi xe đạp đến nguy hiểm lắm. Lúc ra về, cô còn dặn đi, dặn lại bạn lớp trưởng, nhớ để ý cả lớp cho cẩn thận, đừng để các bạn dàn hàng ngang. Chúng tôi chợt thấy mình thật bé bỏng. Khi tôi ngoái lại nhìn,vẫn thấy cô đứng đó với cái dáng nhỏ bé, tươi cười vẫy tay chào đám học trò.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm