Trong báo cáo về thảm họa khiến ít nhất 300 tấn cá chết được vớt từ sông Oder chảy qua Đức và Ba Lan vào mùa hè này, Bộ Môi trường Đức cho biết nguyên nhân rất có thể là do "độ mặn của nước tăng đột ngột", theo AFP.
"Muối được đưa vào nước" đã dẫn đến "sự gia tăng ồ ạt của một loại tảo nước lợ gây độc cho cá".
Tuy nhiên, "do thiếu thông tin, các chuyên gia chưa rõ điều gì đã gây ra hàm lượng muối cao bất thường”, Bộ Môi trường Đức cho biết.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke cho rằng “rõ ràng hoạt động của con người” là nguyên nhân.
Hơn 300 tấn cá chết đã được vớt từ sông Oder, sau khi có báo cáo đầu tiên về vụ việc này từ các ngư dân và người câu cá Ba Lan vào ngày 28/7. Ảnh: Reuters. |
Trước đó vào ngày 29/9, giới chức Ba Lan đã công bố một báo cáo riêng biệt cũng cho rằng tảo độc gây ra cái chết cho cá.
Tuy nhiên, báo cáo của Ba Lan cho biết thảm họa rất có thể bắt nguồn từ chất lượng nước kém do nhiệt độ cao và mực nước rất thấp trong mùa hè.
Trên thực tế, Ba Lan và Đức đã luôn bất hòa về những vấn đề xung quanh thảm họa này.
Phía Berlin ban đầu cáo buộc Warsaw không thông báo về thảm họa, trong khi Ba Lan chỉ trích Đức vì đã tung "tin giả" về việc phát hiện ra chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu trong nước.
Một báo cáo trên tạp chí Der Spiegel của Đức ngày 30/9 đã cáo buộc các nhà chức trách Ba Lan không hợp tác với phía Đức để điều tra thảm họa.
Tạp chí này cho biết Lilian Busse, người đứng đầu cuộc điều tra, "ngày càng trở nên dè dặt hơn, đến mức gần như muốn giữ bí mật về điều gì đó”.
Báo cáo của Spiegel cho biết các cuộc điều tra của Tổ chức Hòa bình xanh cho thấy nồng độ muối cao tại một mỏ đồng ở thành phố Glogow, phía Tây Ba Lan có thể đã góp phần gây ra thảm họa.
Ông Ralph Lenkert, phát ngôn viên về chính sách môi trường của đảng Die Linke, Đức, nói với tạp chí: “Rõ ràng là chính phủ Ba Lan muốn che đậy những nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết ở sông Oder”.