Chính quyền đã yêu cầu người dân trong phạm vi bán kính 1,8 km ở thành phố Augsburg phía nam nước Đức ra khỏi nhà vào sáng Giáng sinh 25/12.
Theo AP, một nhóm chuyên gia sẽ xử lý một quả bom nặng 1,8 tấn được thả xuống thành phố này từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu là quận trung tâm của thành phố, với nhiều di tích lịch sử như nhà thờ, nhà hát.
Khoảng 4.000 cảnh sát, lính cứu hỏa và lực lượng cứu hộ tham gia vào quá trình đưa các cư dân ra khỏi thành phố. Những người không có chỗ ở trong thời gian này sẽ được cung cấp chỗ nghỉ trong các trường học địa phương.
Thành phố Augsburg cho sơ tán 54.000 dân để di dời và xử lý một quả bom từ thời Thế chiến thứ hai. Ảnh: DW. |
Trước đó một ngày, hôm 24/12, một số bệnh nhân trong các bệnh viện đã được chuyển tới bệnh viện gần đó, số khác được đưa về nhà. Đây là cuộc sơ tán lớn nhất ở Đức trong những năm gần đây. Năm 2011, chính quyền thành phố Koblenz cũng yêu cầu 45.000 người sơ tán khi di dời một quả bom.
Năm 2010, một quả bom đã phát nổ ở Gottinghen, khiến 3 người thiệt mạng. Trước đó, một công nhân cũng thiệt mạng do vô tình cắt phải một quả bom trên đường cao tốc ở Frankfurt năm 2006.
Hơn bảy mươi năm sau cuộc chiến dữ dội và gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, việc tìm thấy bom mìn do các nước Đồng minh ném xuống đã không còn là chuyện hiếm ở Đức. Khoảng 2,7 triệu tấn bom đã được dùng để tấn công phát xít Đức, một nửa trong số đó tới từ Anh và Mỹ.
Mỗi năm, hàng trăm tấn bom chưa phát nổ được tìm thấy tại Đức. Chính phủ nước này dành rất nhiều nguồn lực và công sức để tìm và xử lý các mối nguy hiểm này.
"Cứ khoảng hai tuần, chúng tôi lại tìm ra một quả bom mới", một thành viên của nhóm gia xử lý bom mìn KMBD cho biết.