“WHO chỉ cần cải cách nếu có bất kỳ tranh cãi nào”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn viết trên Twitter. “Và EU (Liên minh châu Âu) phải đóng vai trò lãnh đạo và đóng góp tài chính nhiều hơn”.
Ông Spahn nói thêm rằng đây cũng sẽ là một trong những ưu tiên của Đức khi tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên của khối này vào ngày 1/7, theo AFP.
Tổng thống Trump hôm 29/5 tuyên bố cắt đứt quan hệ của Mỹ với WHO. Ông cáo buộc tổ chức này đã “làm không đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus corona từ ban đầu”.
Ông Trump lần đầu tiên tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO vào một tháng trước, cáo buộc tổ chức của Liên Hợp Quốc sai lầm trong cách xử lý khủng hoảng đại dịch toàn cầu. Sau đó, vào đầu tháng này, ông Trump cáo buộc WHO là “con rối” của Trung Quốc và tuyên bố sẽ vĩnh viễn cắt tài trợ trừ khi WHO thực hiện “những cải cách đáng kể”.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 30/5 đã kêu gọi ông Trump xem xét lại quyết định của mình và nói rằng “những hành động làm suy yếu các nỗ lực quốc tế cần phải bác bỏ” và “giờ là thời điểm để tăng cường hợp tác và đưa ra các giải pháp chung”.
“WHO cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt cách xử lý quốc tế trước đại dịch, cả trong hiện tại và tương lai”, bà Leyen nói. “Trong việc này, sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các nước là rất cần thiết”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà Merkel sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 tại Mỹ mà ông Trump đề nghị sẽ chủ trì.