Tuy nhiên, Đức không non kém như Bosnia. Họ đến Brazil với khát khao vô địch cùng 1 dàn sao trẻ, tài năng và luôn hừng hực khí thế. Thách thức cho Ronaldo cùng các đồng đội vì thế sẽ là vô cùng lớn.
Một tập thể của những cá nhân xuất sắc
Trước đến nay, người Đức luôn sở hữu sức mạnh tập thể đáng ngưỡng mộ. Tuyển Đức hiện tại cũng vậy, dù sở hữu nhiều cá nhân nổi trội, thậm chí có những người là trụ cột không thể thay thế ở các CLB chủ quản. Nhưng khi tập hợp lại với nhau, họ gạt bỏ cái "tôi" cá nhân, và trở thành 1 tập thể rất khó đánh bại.
Đó là lý do mà khi Marco Reus chấn thương và không thể đến Brazil như dự kiến, Joachim Loew chẳng chút mảy may lo sợ. Đơn giản bởi lẽ, Die Mannschaft chưa bao giờ phải lệ thuộc vào một cá nhân nào đến mức "sống dở chết dở" khi ngôi sao đó bỗng thi đấu dưới phong độ hay không thể góp mặt. Những Lahm, Schweinsteiger, Oezil, Gotze hay bất cứ ai cũng chỉ là một mắt xích trong "cỗ xe tăng". Và khi mắt xích nào hư hỏng, nó sẽ bị cắt bỏ để thay thế bằng cái khác đảm bảo chiếc "xe tăng" ấy vẫn lăn bánh đều, và nghiền nát mọi chướng ngại vật trên đường đi của nó.
Trong lịch sử, không ít lần người Đức đã khắc phục sự cố 1 cách hoàn hảo. Chức vô địch gần nhất của họ EURO 96 được quyết định bởi 1 cá nhân dự bị Oliver Bierhoff. Cựu tiền đạo AC Milan khi đó vào sân thay Mehmet Scholl, và anh đã mang về chức vô địch châu Âu lần thứ ba cho đội nhà bằng 1 cú đúp.
Trong thành phần tuyển Đức hiện không có ai từng giành Quả bóng vàng, thậm chí lọt vào top 3 cũng không. Nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể, chứ không phải của những cá nhân. Mặc dù, khoảnh khắc lóe sáng của 1 cá nhân kiệt xuất sẽ quyết định trận đấu. Song để có được giây phút ấy, tập thể bên cạnh anh ta phải chiến đấu để giành lấy cơ hội, điều kỳ diệu chỉ đến khi đội ngũ ấy luôn vững bền.
Một cá nhân xuất sắc trong một tập thể rời rạc
Ronaldo sẵn sàng ra sân trong trận gặp ĐT Đức. |
Nếu đặt trên bàn cân tính toán, Bồ Đào Nha không hề yếu thế so với người Đức. Thậm chí, họ còn nổi trội hơn đối phương ở 1 số vị trí. Người Đức không sở hữu cỗ máy đều đặn ghi 50 bàn/ năm như Ronaldo. Nhưng cũng chính vầng hào quang ấy của CR7 đã che mờ đi phần còn lại của "Brazil châu Âu".
Bài học đội bóng mất cân bằng có lẽ người Bồ thấu hiểu hơn ai hết. Họ đã từng sở hữu một thế hệ vàng với những tiền vệ hàng đầu như Figo, Rui Costa, Paulo Sousa, Sergio Conseisao... nhưng việc thiếu vắng 1 chân sút ở tuyến đầu đã khiến thế hệ ấy mãi mãi không thể đăng quang, dù cho đã từng 2 lần vô địch U20 thế giới.
Ronaldo xuất hiện và bài toàn ghi bàn được giải quyết, nhưng điều đó vô hình chung tạo ra cho mỗi tuyển thủ Bồ Đào Nha suy nghĩ rằng cứ đưa bóng cho CR7 là hết nhiệm vụ. Đó là tâm lý ỷ lại không được phép tồn tại trong 1 nhà vô địch. Nên nhớ, dù được đánh giá cao nhưng trong những giải đấu gần đây, Bồ Đào Nha thường xuyên phải giành vé vớt để dự vòng chung kết.
Tất cả những thành viên còn lại vô tình trở thành kẻ ăn bám. Nếu siêu sao của Real thăng hoa, Bồ Đào Nha có được chiến thắng, và ngược lại. Chiến thắng trước Thụy Điển tại 2 lượt play-off thực chất là show diễn riêng của Ronaldo. Nếu không có cú "poker" ấy chưa chắc Bồ Đào Nha đã vượt qua khe cửa hẹp để tới Brazil dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Vì thế sẽ không ngạc nhiên, nếu khi Ronaldo bị phong tỏa, "ngọn hải đăng" Bồ Đào Nha cũng sẽ tắt lim trước trước cơn cuồng phong của người Đức.