Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa vải Việt Nam sang Australia: 2 việc cần sớm giải quyết

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Australia đã thông qua quyết định nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải.

Australia cũng là một quốc gia trồng vải và đang có kế hoạch xuất khẩu mặt hàng này đi các nước trên thế giới. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề trên Đài ABC, ông Derek Foley - người đứng đầu Hiệp hội trồng vải Australia ở khu vực Electra, bang Queensland cho biết, ông không lo ngại về việc hàng nhập khẩu của Việt Nam cạnh tranh với hoa quả địa phương.

Ông Derek Foley nhấn mạnh: “Chúng tôi không chống lại việc nhập khẩu vải quả, chúng trái mùa so với vụ vải quả ở đây, thường là vào thời điểm Giáng sinh. Người trồng vải thiều Australia muốn được thấy sản phẩm vải quả chất lượng tốt được nhập vào Australia".

Được biết, mùa thu hoạch vải của Australia từ giữa tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau. Ngành công nghiệp vải quả của Australia mang lại giá trị 20 triệu USD mỗi năm, xuất khẩu sản phẩm đã được chiếu xạ đến New Zealand và gần đây đã được chấp thuận vào thị trường Mỹ.

Chia sẻ về sự kiện trên, bà Nguyễn Hoàng Thúy – Đại diện Thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết: "Việc trái vải được cấp phép nhập khẩu vào Australia sẽ là cơ hội rất lớn cho mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Bởi lẽ, Chính phủ Australia chỉ cấp phép cho từng loại quả một và vải là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam. Nếu không “thông” được trái vải thì các loại trái cây khác sẽ bị tắc. 

Ngược lại, nếu trái vải “dẫn đường” thành công thì các loại trái khác của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn… sẽ có cơ hội rất lớn thâm nhập vào thị trường này. Do vậy, dù không kỳ vọng xuất khẩu nhiều vải sang thị trường Australia ngay lập tức nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm làm để mở cửa dần cho mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam vào thị trường có sức mua vào loại tốt nhất thế giới này".

Thêm vào đó, trái vải của Australia có chi phí sản xuất khá cao nên vải Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng có nhiều thách thức, bà Hoàng Thúy cũng đưa ra hai vấn đề các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý:

Thứ nhất, để xuất khẩu trái vải sang Australia, Việt Nam cần có nguồn cung ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và sẽ phải vượt qua các quy trình về vệ sinh kiểm dịch khá ngặt nghèo của Australia.

Đặc biệt, lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Australia và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp trong đó có ghi rõ: “Lô quả này được sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện nhập khẩu vải tươi vào Australia và tuân thủ quy định tại Chương trình xuất khẩu quả vải đã được chiếu xạ từ Việt Nam sang Australia”.

Khó khăn đặt ra hiện nay là các cơ sở chiếu xạ và cơ sở đóng gói được cấp mã số ở nước ta đều nằm trong khu vực phía Nam trong khi khu vực trồng vải xuất khẩu nằm ở phía Bắc.

Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu phải vận chuyển xa, tốn thời gian trong khi trái vải là loại trái cây rất nhanh hỏng, hơn nữa giá thành đội lên cao cũng sẽ khó cạnh tranh trên thị trường Australia.

Thứ hai, để giúp trái vải tươi của Việt Nam nhanh chóng đi vào thị trường, các doanh nghiệp cần quảng bá sản phẩm nhiều hơn nữa để người tiêu dùng tại Australia có thể tiếp cận được thông tin.

Trước mắt, các doanh nghiệp có thể lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào bộ thông tin chuẩn, từ đó in ấn thành các tờ rơi phát cho các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phát trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các chợ Á Đông hoặc siêu thị lớn tại Australia. Ý tưởng xây dựng phim ngắn để quảng bá trên các phương tiện truyền thông cũng là một kênh tiếp cận khá hữu ích, theo bà Thúy.

Bà Thúy cũng cho biết, sắp tới Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ phối hợp với Hội Doanh nhân Việt kiều Australia tổ chức hội thảo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm trước mắt là vận động các doanh nghiệp Việt kiều đưa trái vải Việt Nam tiêu thụ trong cộng đồng người Việt và người Á Đông tại Australia, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Australia nói chung để hỗ trợ cho trái vải của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường sở tại.

Vải thiều đi Mỹ: Cơ hội đổi đời

Năm 2014, Mỹ chính thức đồng ý cho quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường nước này, mở ra cơ hội mới cho người trồng vải.

http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/dua-trai-vai-viet-nam-sang-australia-2-viec-can-som-giai-quyet/1088579/

Theo Vân Thảo/Doanh Nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm