Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 12/11. Ảnh: Quochoi. |
Sáng 12/11, tham gia chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp để giải quyết tình trạng quảng cáo không đúng sự thật trên không gian mạng, liên quan đến các sàn thương mại điện tử và các nền tảng xuyên biên giới.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói không còn cách nào khác là mọi ngành, mọi cấp "quản lý phần của nhà mình trên không gian mạng". Khi phát hiện sai phạm, Bộ TT&TT sẽ xác định danh tính để xử lý.
"Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam nếu không tuân thủ, chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tư lệnh ngành TT&TT cho rằng các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam là "chủ chợ", "phải tự làm sạch chợ của mình".
Muốn vậy, các cơ quan cần định nghĩa tường minh quảng cáo nào là vi phạm. Khi đó, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các nền tảng thiết kế công cụ tự rà quét và tháo gỡ.
Chia sẻ về chiến lược phát triển mạng xã hội Việt Nam để cạnh tranh, có sức đàm phán với mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng nhắc lại, khi giữ chức Quyền Bộ trưởng, ông có nói sức mạnh đàm phán dựa trên thực lực, khi không có thực lực, không có lực lượng thì rất khó đàm phán.
Bộ trưởng cho rằng mạng xã hội có hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực như tạo điều kiện cho người dân giao lưu, làm ăn, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận rằng việc cấm đoán là điều không khả thi. Thay vào đó, Bộ khuyến khích sự phát triển của các mạng xã hội trong nước để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và đa dạng hóa lựa chọn cho người dùng.
"Bộ đã cấp phép gần 1.000 mạng xã hội ở Việt Nam. Nhiều như vậy bởi họ chủ yếu đi vào thị trường ngách, trong khi mạng xã hội lớn chỉ khoảng 20", Bộ trưởng cho hay.
Tổng số người dùng của các mạng xã hội Việt Nam hiện nay đã tương đương, thậm chí vượt qua các nền tảng lớn như Facebook, YouTube và TikTok.
Thêm vào đó, 38 nền tảng số quốc gia khác cũng đang đóng góp vào hệ sinh thái số của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường mạng xã hội trong nước. Để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần đẩy mạnh việc làm chủ công nghệ và xây dựng các nền tảng số bản địa.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.