Thống đốc NHNN cho biết hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để thành lập sàn giao dịch vàng. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Sáng 11/11, chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đại biểu tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh nêu vấn đề hiện nay trên thế giới có rất nhiều nước phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước.
Từ bối cảnh chung, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về việc thành lập sàn giao dịch vàng tại Việt Nam.
Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc cho biết tình hình một số nước trên thế giới hiện đã thành lập sàn giao dịch vàng. Trong đó, Trung Quốc là một ví dụ. Quốc gia này đã có sàn vàng đặt tại Thượng Hải, được đánh giá có quy mô lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, trong khu vực cũng có những quốc gia không thành lập sàn giao dịch vàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc lập sàn giao dịch vàng có cả ưu và nhược điểm. Ưu điểm là các giao dịch trên sàn sẽ được minh bạch, nhu cầu mua bán của doanh nghiệp, người dân và chủ thể khác được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập được sàn giao dịch vàng lại đi kèm đòi hỏi đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Một yếu tố khác cần quan tâm là Việt Nam không phải nước sản xuất vàng. Trong khi Trung Quốc đã là quốc gia sản xuất vàng rất lớn trên thị trường. Do đó, theo lãnh đạo NHNN, đối với Việt Nam, khi giao dịch vàng giữa các chủ thể trên thị trường có thể cần thêm bước nhập vàng từ thị trường quốc tế.
“Vì thế để thành lập sàn vàng, đòi hỏi NHNN phối hợp với Bộ, ngành phải nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp và cũng phải phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam”, Thống đốc nói thêm.
Liên quan thị trường vàng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng do nhiều Bộ, ngành cùng quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết mỗi lĩnh vực, mỗi ngành đều có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý, và có các bộ ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ.
Thời gian qua, NHNN đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an. Trước khi NHNN can thiệp thị trường vàng, NHNN cũng đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp.
"NHNN cũng đã thực hiện vai trò chủ trì, đầu mối để phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan hữu quan để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, từ đó kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành nghị định để khắc phục những hạn chế, khó khăn, quản lý chặt chẽ thị trường này", Thống đốc cho biết.
Trước đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong bối cảnh hiện nay NHNN cần có đánh giá và nhìn nhận tổng thể về việc sửa đổi Nghị định 24/2012 cho phù hợp với thị trường. Theo ông, Nhà nước vẫn cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời đưa nguồn vàng và ngoại tệ hướng vào mục tiêu phát triển sản xuất kinh tế.
“Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang rất cần ngoại tệ, trong đó vàng là loại ngoại tệ đặc biệt, quan trọng hơn cả USD. Vì thế, NHNN cần phải cẩn trọng trong nghiệp vụ quản lý”, ông Thịnh nhận định.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.