Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dữ liệu đánh cắp giúp Trung Quốc lật tẩy tình báo Mỹ ở nước ngoài

Việc Trung Quốc phát hiện mạng lưới gián điệp của Mỹ ở các cơ quan trung ương đã châm ngòi cho cuộc chiến dữ liệu trên phạm vi toàn cầu giữa tình báo hai nước.

Trung Quoc tan cong mang My anh 1

Từ năm 2013, tình báo Mỹ bắt đầu chú ý tới một hiện tượng đáng báo động khi mật vụ nước này hoạt động tại châu Phi và châu Âu nhanh chóng bị tình báo Trung Quốc nhận diện.

Trong một số trường hợp, các hoạt động giám sát của Trung Quốc bắt đầu ngay khi nhân viên CIA nhập cảnh. Đôi lúc, phía Trung Quốc công khai tới mức như muốn đánh tiếng cho nhân viên CIA biết vỏ bọc của họ đã bị lộ. Tuy nhiên, đôi khi việc giám sát tinh vi hơn nhiều và chỉ bị phát hiện nhờ kỹ thuật phản gián của tình báo Mỹ, theo Foreign Policy.

Cạnh tranh kiểm soát dữ liệu

Các cựu quan chức Mỹ cho biết, lợi dụng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại nước ngoài, CIA mở rộng tiếp cận và chiêu mộ các nguồn tin giá trị người Hoa.

"Chúng tôi không thể tiếp cận họ ở Bắc Kinh, nhưng có thể ở Djibouti. Các hoạt động của chúng tôi diễn ra ở Vành đai, Con đường. Và họ biết điều đó", một cựu quan chức Mỹ nói, cho rằng việc Trung Quốc tiếp cận thô bạo hoạt động của tình báo Mỹ là một cách thức đáp trả.

Tại CIA, những dấu hiệu bất thường "gióng lên hồi chuông cảnh báo lãnh đạo các đơn vị", bởi việc tình báo Trung Quốc nhận biết được các mật vụ của Mỹ là điều tối kỵ. Điều này khiến các quan chức Mỹ bối rối.

Trước đây, CIA sẽ bắt đầu săn tìm kẻ phản bội đã để lộ thông tin tình báo nhạy cảm ra bên ngoài, hoặc kín đáo kiểm tra lỗ hổng thông tin liên lạc.

Tuy nhiên, các quan chức CIA cho rằng câu trả lời giờ đây nằm ở chiến dịch tấn công tình báo mạng, nhằm đánh cắp lượng lớn dữ liệu cá nhân của người Mỹ, trong đó có ghi chép về các nhân viên chính phủ.

Trung Quoc tan cong mang My anh 2

Trung Quốc coi dữ liệu như thanh gươm và tấm khiên chống lại Mỹ. Ảnh: Xinhua.

Giới chức Mỹ tin rằng tình báo Trung Quốc, thông qua rà soát và tổng hợp dữ liệu bị đánh cắp, đã nhận diện thành công các mật vụ của CIA.

Cuộc chiến về dữ liệu lớn - như ai kiểm soát, ai đánh cắp, cách sử dụng phục vụ mục tiêu kinh tế và an ninh - đang định hình cuộc xung đột toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh.

Giống như cách Trung Quốc sử dụng dữ liệu như thanh gươm và tấm khiên chống lại Mỹ, các cơ quan tình báo Mỹ đang tìm cách xâm nhập vào những dòng chảy dữ liệu của Trung Quốc, vận dụng năng lực dữ liệu lớn để tìm hiểu chính xác Trung Quốc nắm được thông tin về nhân sự và hoạt động của tình báo Mỹ ở mức độ nào.

"Trung Quốc là một trong những nước thu thập dữ liệu cá nhân toàn cầu lớn nhất thế giới, thông qua những công cụ cả hợp pháp và bất hợp pháp. Chỉ riêng hoạt động tấn công mạng cũng giúp Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của phần lớn người dân Mỹ, bao gồm dữ liệu y tế, tài chính, du lịch, và những thông tin nhạy cảm khác", William Evanina, quan chức phản gián cấp cao của Mỹ, nói.

"Trong thế giới tình báo, thông tin là vua, càng nắm được nhiều thông tin càng tốt", Steve Ryan, cựu quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ (NSA), cho biết.

Về cơ bản, các quan chức đương nhiệm và về hưu Mỹ có chung nhận định Trung Quốc coi dữ liệu như công cụ giúp bảo đảm an ninh, duy trì ổn định nội bộ, chống lại các đe dọa cả bên trong lẫn bên ngoài. Đây chính là động lực đằng sau các hoạt động gián điệp và phản gián quyết liệt nhất của Bắc Kinh nhắm vào Washington.

Mạng lưới của CIA

Năm 2010, Bắc Kinh phát hiện CIA đã xâm nhập một cách có hệ thống vào các cơ quan đầu não chính phủ Trung Quốc. Tình báo Mỹ khi đó cài cắm thành công nhiều nguồn tin trong quân đội, đảng Cộng sản, bộ máy tình báo, cùng các cơ quan khác. "Sự phẫn nộ lên tới cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc", một cựu quan chức phản gián cho biết.

Chân rết của tình báo Mỹ ở Bắc Kinh bị Iran phát hiện thông qua một lỗ hổng thông tin mà CIA sử dụng để liên lạc với các mật vụ. Nhờ manh mối này, tình báo Trung Quốc đã nhổ tận gốc mạng lưới nguồn tin của CIA, bỏ tù và tử hình hàng chục người có liên quan.

Bắc Kinh nổi giận không chỉ bởi CIA đã xâm nhập vào đầu não chính phủ, mà còn bởi vụ việc đã cho thấy mức độ tham nhũng trầm trọng trong hàng ngũ quan chức Trung Quốc.

Trong Chiến tranh Lạnh, không gì bảo đảm người của CIA có thể leo cao trong bộ máy chính phủ Liên Xô. Chính những yếu tố khiến họ được tuyển dụng - như lòng tham, ý thức hệ, thói quen xấu dẫn tới bị tống tiền - thường ngăn cản tương lai chính trị của những người này. Và hơn nữa, ở Liên Xô, việc có nhiều tiền sẽ khiến bất cứ ai cũng trở thành đối tượng bị nghi ngờ.

Ở đất nước giàu lên nhanh chóng như Trung Quốc, những khoản tiền bất chính tự do lưu thông mà không bị cản trở. Thu nhập của nhiều quan chức vượt xa mức lương chính thức của họ.

Tại Trung Quốc, một quan chức không tham nhũng sẽ bị coi là kẻ ngốc, hay thậm chí là mối đe dọa cho những quan chức khác. Tiền có thể mua được mọi thứ, bao gồm cả thăng quan tiến chức, và CIA thì có rất nhiều tiền.

"Vào những năm 2000, nếu là trưởng văn phòng tình báo, ví dụ như tại các mục tiêu khó (Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên), có thể kiếm được 1 triệu USD mỗi năm nếu làm việc cho chúng tôi", một cựu quan chức CIA cho biết.

Trong quá trình điều tra, giới chức Trung Quốc phát hiện tình báo Mỹ đã giúp các quan chức tay trong hối lộ để thăng tiến sự nghiệp chính trị, các cựu quan chức Mỹ xác nhận.

Trung Quoc tan cong mang My anh 3

CIA từng cài cắm một mạng lưới thông tin tại các cơ quan trung ương của Trung Quốc. Ảnh: AP.

"Đó là cách CIA đưa người của họ leo cao. Thủ đoạn này được thực hiện không chỉ một lần, và không chỉ ở trong quân đội Trung Quốc", một quan chức làm việc tại Quốc hội Mỹ nói.

Ngoài chi tiền hối lộ giúp quan chức tay trong thăng tiến, tình báo Mỹ đôi lúc trả tiền học phí đắt đỏ để con các quan chức du học ở nước ngoài, một nhân viên CIA cho biết.

Tình trạng hối lộ trầm trọng đã khiến giới chức Trung Quốc chú ý. Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào phải phát động kêu gọi chống tham nhũng nhằm ngăn chặn "sự sụp đổ của đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc".

Truyền thông nhà nước khi đó đưa tin về các vụ án tham nhũng gần như mỗi ngày. Giới lãnh đạo Trung Quốc phải thừa nhận trước nhân dân tham nhũng trở thành vấn nạn của đất nước.

Trong nội bộ, giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại tình trạng tham nhũng quá mức có thể tạo cơ hội để CIA thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao.

"Giới lãnh đạo (Trung Quốc) nhận ra tình trạng tham nhũng không được kiểm soát không chỉ đe dọa sự lãnh đạo của đảng, nó còn là mối đe dọa phản gián lớn, tạo cơ hội cho cơ quan tình báo nước ngoài như CIA xâm nhập", một cựu quan chức CIA nói.

Các quan chức tham nhũng Trung Quốc, dù không bị CIA chiêu dụ khi đương chức, thường tìm con đường tị nạn ở nước ngoài khi đã ngã ngựa hoặc về hưu, tạo cơ hội cho tình báo nước ngoài tiếp xúc.

Cuối năm 2012, Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng lớn, đưa hàng trăm nghìn quan chức Trung Quốc ra truy tố. Hàng nghìn cựu quan chức đã bị buộc phải trờ về nước để phối hợp điều tra.

"Động lực phía sau chiến dịch chống tham nhũng là nhằm củng cố quyền lực, nhưng cũng đồng thời nhằm đối phó hành động của Mỹ", một cựu quan chức phản gián cho biết.

Thay đổi trong nội bộ Trung Quốc

Năm 2013, Edward Snowden công bố nhiều tài liệu mật về hoạt động của giới chức tình báo Mỹ. Lúc này, Trung Quốc phát hiện NSA đã xâm nhập sâu vào hệ thống thông tin liên lạc tại Trung Quốc thông qua máy chủ của Huawei.

Các quan chức Trung Quốc bắt đầu nhận ra Internet và công nghệ đã được khai thác để chống lại họ theo cách khi đó Bắc Kinh còn chưa thể tưởng tượng ra. Ở mức độ tình báo, hệ thống Internet đang được vũ khí hóa để chống lại Trung Quốc, một cựu quan chức tình báo Mỹ nói.

Cuối thập niên 2000, giới chức tình báo Mỹ nhận thấy những dấu hiệu chuyên nghiệp hóa đáng chú ý tại Bộ An ninh quốc gia, cơ quan tình báo dân sự chính của Trung Quốc.

Tình trạng tham nhũng vặt trước đó từng rất phổ biến tại Bộ An ninh quốc gia. Nhân viên cơ quan này đôi khi "phù phép" biến chi phí hoạt động thành tài sản riêng của họ. Tin tặc hoạt động dưới sự bảo vệ của Bộ An ninh quốc gia có lúc tiến hành một số vụ tấn công mạng, sau đó chuyển một phần lợi nhuận cho các sếp lớn ở cơ quan tình báo.

Khi chiến dịch chống tham nhũng được Chủ tịch Tập Cận Bình triển khai, những hành vi "phá luật" nói trên dần trở nên khó khăn.

Việc phát hiện mạng lưới của CIA trong nội bộ đã đẩy nhanh quá trình thanh lọc bộ máy, đồng thời Bắc Kinh dành nhiều nguồn lực cho công tác chống phản gián.

"Người Trung Quốc nhận ra họ cần bắt đầu tự bảo vệ chính mình", một cựu lãnh đạo CIA nói.

Trung Quoc tan cong mang My anh 4

Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động góp phần ngăn chặn tình báo Mỹ lôi kéo quan chức Trung Quốc. Ảnh: AP.

Từ năm 2010, cơ quan tình báo Trung Quốc đã xây dựng một chương trình thông tin tinh vi, gồm cơ sở dữ liệu theo dấu các chuyến bay và hành khách, nhằm phục vụ mục đích tình báo.

"Chúng tôi xem xét chương trình đó hết sức thận trọng. Gián điệp Trung Quốc tích cực sử dụng chương trình này để thu thập thông tin và phản gián. Người Trung Quốc tận dụng tối đa hiệu quả của chương trình nói trên", hai cựu quan chức CIA nói.

Tình báo Trung Quốc cũng nhiều lần đánh cắp dữ liệu sinh học và đi lại của hành khách tại các trung tâm trung chuyển lớn, trong đó có vụ đánh cắp dữ liệu từ sân bay quốc tế Bangkok.

Trung Quốc đã bắt đầu đánh cắp lượng lớn dữ liệu trước khi phát hiện mạng lưới tình báo của CIA trong nội bộ nước này. Tuy nhiên, sự xâm nhập của CIA là động lực để Trung Quốc không chỉ tấn công những mục tiêu lớn hơn, mạo hiểm hơn, mà còn thúc đẩy các cơ quan tình báo nước này phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý lượng thông tin khổng lồ thu được.

Trong khoảng thời gian này, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã chuyển mình, từ đánh cắp thông tin đơn thuần, sang đủ khả năng nhanh chóng sàng lọc để sử dụng hiệu quả thông tin thu được.

Vụ tấn công vào OPM

Đối với giới chức tình báo Mỹ, năng lực được cải thiện thanh chóng của tình báo Trung Quốc khiến vụ tấn công Văn phòng quản lý nhân lực Mỹ (OPM) trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đáng quan ngại.

Trong vụ tấn công OPM, tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu cá nhân có độ nhạy cảm cao của 21,5 triệu viên chức đương nhiệm và về hưu của Mỹ, bao gồm dữ liệu y tế, nơi cư trú, việc làm, dấu vân tay, và tình trạng tài chính. Một số trường hợp thông tin bị đánh cắp bao gồm cả tiền sử tâm thần, lịch sử tình dục hay đánh giá khả năng tống tiền người thân ở nước ngoài.

Giới chức tình báo Mỹ nắm được thông tin vụ tấn công OPM từ năm 2012. Tuy nhiên, mãi tới năm 2015, chính phủ Mỹ mới công khai vụ tấn công. Tới nay, Mỹ chưa xác nhận thời gian xảy ra vụ tấn công vào OPM.

Khi kết hợp với chi tiết lịch sử di chuyển và những dữ liệu khác, thông tin từ vụ tấn công OPM cung cấp cho tình báo Trung Quốc nhiều manh mối về hành vi bất thường, tiểu sử, các dấu mốc trong sự nghiệp của quan chức Mỹ, từ đó tìm ra danh tính các mật vụ Mỹ.

Các quan chức Mỹ hiện lo ngại tình báo Trung Quốc có thể tìm kiếm thông tin di chuyển của những người nghi là mật vụ Mỹ, lần theo những cuộc gặp bí mật của họ với các nguồn tin ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, giới chức Mỹ lo ngại vụ tấn công vào OPM cũng gây nguy hiểm cho những người từng làm việc cho Mỹ và gia đình họ hiện sống ở Trung Quốc.

Trung Quoc tan cong mang My anh 5

Dữ liệu của 21,5 triệu người bị đánh cắp trong vụ tấn công vào OPM. Ảnh: ABC.

Cùng thời gian giới chức Mỹ nắm được thông tin vụ tấn công vào OPM, Washington cũng phát hiện tình báo Nga đã xác định được danh tính mật vụ Mỹ làm việc tại Đại sứ quán ở Moscow, nhờ phân tích sự khác biệt trong mức lương nhân viên Đại sứ quán nhận được. Vụ việc bị nghi có thể liên quan tới các tài liệu bị đánh cắp từ OPM.

Giới chức Mỹ đồng thời nghi ngờ vụ tấn công vào OPM có thể đã cung cấp thông tin giúp Bắc Kinh tăng cường chiêu mộ phiên dịch viên người Hoa làm việc trong các cơ quan tình báo Mỹ khi họ trở về nhà thăm gia đình ở Trung Quốc.

Kể từ vụ tấn công OPM, nhiều hiện tượng bất thường xuất hiện. Năm 2012, giới chức tình báo Mỹ vô cùng bối rối khi nhiều thân nhân mật vụ Mỹ bị tình báo nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, chủ động tiếp cận, lôi kéo. Thậm chí, vợ của một mật vụ Mỹ bị quấy rối và lôi kéo ngay giây phút người này hạ cánh xuống sân bay ở Trung Quốc.

Lo ngại trước thông tin Trung Quốc thu được sau sự kiện OPM cũng như các vụ tin tặc khác đã buộc cộng đồng tình báo Mỹ phải đánh giá lại thiệt hại một cách toàn diện, cựu quan chức cấp cao CIA Douglas Wise nói.

Một số quan chức tin rằng Trung Quốc có thể dựa vào dữ liệu tại OPM để xây dựng một lý lịch "lý tưởng" cho gián điệp tiềm năng xâm nhập vào chính phủ Mỹ sau này, nhờ hiểu biết về ưu tiên của Washington trong quá trình sàng lọc ứng viên cho những vị trí nhạy cảm.

Để đối phó với nguy cơ gián điệp Trung Quốc xâm nhập, các cơ quan tình báo Mỹ đã phải thay đổi thủ tục sàng lọc và kiểm tra an ninh với các ứng viên tuyển dụng.

Trung Quốc giờ đã nắm được những thông tin nội bộ chưa từng có tiền lệ về cách thức vận hành của chính phủ Mỹ. Ở phía bên kia, nước Mỹ vẫn đang đối phó với Trung Quốc trong tình trạng "mắt nhắm, mắt mở".

Trong khi mạng lưới thông tin CIA dày công xây dựng trong nội bộ Trung Quốc đã bị bóc gỡ hoàn toàn, người Mỹ vẫn tiếp tục tranh cãi cách đối phó với một Bắc Kinh đang trỗi dậy và ngày càng tham vọng.

Giám đốc tình báo Mỹ gọi Trung Quốc là ‘mối đe dọa lớn nhất’

Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe miêu tả Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump sau vụ tấn công mạng chấn động

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 22/12 phê phán chính quyền Trump không ưu tiên an ninh mạng, sau một vụ tấn công mạng diện rộng vào chính phủ Mỹ.

Chính phủ Mỹ tạm thoát nguy cơ đóng cửa

Nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có thêm 48 giờ để hoàn tất đàm phán về dự luật chi tiêu năm 2021, trước khi lần đóng cửa chính phủ tiếp theo sẽ bắt đầu sau ngày 20/12.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm