Hồ Yên Lập chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nam. |
Hôm 20/5, nhóm 3 thanh niên, gồm: T.T.Đ., N.Đ.K. (29 tuổi), H.H.G. (21 tuổi) đều trú TP Hạ Long, đi xe máy đến hồ Yên Lập, thuộc khu 4, phường Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, để chơi và xuống lòng hồ tắm.
Khi cả hai đang bơi thì bị đuối nước. Nghe tiếng kêu cứu, một thanh niên gần đó bơi ra hồ, dùng phao cứu được K., còn Đ. thì bị chìm xuống nước và tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan quản lý hồ Yên Lập đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng, trong đó có việc các công nhân trong lúc làm nhiệm vụ trông coi đã 3 lần đến nhắc nhở, nhưng nhóm người này vẫn cố tình tắm dẫn đến tai nạn thương tâm.
Tình trạng người dân bất chấp cảnh báo, cố tình đi vào khu vực lòng hồ Yên Lập khi được sự tiếp tay của các đơn vị vận chuyển khiến công tác bảo vệ nguồn nước ở hồ này gặp nhiều khó khăn.
Nở rộ dịch vụ du lịch trái phép
Theo ghi nhận của Zing, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết đăng bán dịch vụ tắm, cắm trại và tổ chức chèo thuyền, bơi lội trên hồ Yên Lập và tại một số đảo trên lòng hồ.
Đặc biệt vào dịp hè, khi thời tiết nắng nóng và nhu cầu du lịch trải nghiệm của người dân, một số người tổ chức hoạt động chở khách trái phép tại bến tàu Đá Gân (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) ra lòng hồ.
Các đơn vị bán tour móc nối với các chủ đò để đưa khách tham quan trái phép hoặc tự mở lối mòn băng qua rừng để đi vào lòng hồ Yên Lập. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn tàu, đò chạy không đúng tuyến, chở người ra các đảo trong lòng hồ để tổ chức cắm trại, ăn uống…
Tài khoản mạng xã hội cá nhân tên P.V.H. giới thiệu tour cắm trại kết hợp chèo thuyền trên hồ Yên Lập, với các hoạt động tắm hồ, BBQ,... có giá gần 700.000 đồng cho nhóm 4-6 người.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Hạ Long, cho biết thành phố chưa cấp phép cho đơn vị, cá nhân nào khai thác dịch vụ đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm trên hồ.
Dịch vụ tour trên hồ Yên Lập được chào bán công khai. Ảnh: Q.N. |
Đại diện UBND TP Hạ Long cho biết thêm hồ Yên Lập là nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, ngoài ra rừng xung quanh hồ đều là rừng phòng hộ nên theo nguyên tắc, không đơn vị nào được khai thác du lịch hay có hoạt động gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái lòng hồ và rừng xung quanh.
Hiện tại khu vực hồ Yên Lập, cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho bến đò Đá Gân phục vụ vận chuyển hành khách sang chùa Lôi Âm. Bến đò này gồm 19 phương tiện và trên nguyên tắc không sử dụng vào mục đích khác, từng bước giảm dần phương tiện theo niên hạn hoặc loại bỏ phương tiện không đảm bảo chất lượng, tăng cường các giải pháp bảo vệ tuyệt đối nguồn nước hồ Yên Lập.
Sau khi xuất hiện việc du lịch tham quan trái phép trên lòng hồ, cơ quan chức năng của TP Hạ Long đã ra văn bản thông báo tới người dân và các tổ chức nghiêm cấm cho du khách thực hiện hoạt động du lịch trái phép trong lòng hồ Yên Lập như bơi lội, chèo thuyền yayak, cắm trại ăn uống…Các trường hợp vi phạm tùy theo mức độ sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chính quyền yêu cầu các hộ kinh doanh khu vực chùa, các chủ đò khách tại bến Đá Gân thực hiện ký cam kết tuân thủ việc nghiêm cấm giới thiệu, thực hiện hoạt động du lịch, chuyên chở khách du lịch trái phép trên lòng hồ Yên Lập.
Nhiều lối mở tự phát dẫn vào lòng hồ
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, cho biết từ nhiều năm nay khu vực hồ Yên Lập đều được bảo vệ nghiêm để tránh tình trạng xâm phạm gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngay tại các vị trí lối vào đập nước đều lắp rào chắn và gắn biển báo người và mọi phương tiện không phận sự bị cấm vào khu vực lòng hồ Yên Lập.
Hiện nay để vào lòng hồ Yên Lập có 3 lối chính, ngoài lối từ bến đò Đá Gân còn có tại hai đầu đập thuộc thị xã Quảng Yên và TP Hạ Long. Lực lượng quản lý hồ thành lập đội 16 người phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng canh gác, nhắc nhở người dân không tự ý đi vào lòng hồ.
Người dân thản nhiên chèo thuyền trái phép trên lòng hồ Yên Lập. Ảnh: Q.N. |
Ông Tùng cho biết thêm hồ Yên Lập có diện tích rất rộng nên ngoài 3 lối chính kể trên, ven bờ hồ Yên lập có rất nhiều đường mòn, lối mở tự phát của người dân tự ý khai phá để đưa người vào lòng hồ vui chơi hoặc khai thác lâm khoáng sản trái phép… làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn cho hạng mục đập và các công trình hồ chứa nước Yên Lập.
“Chúng tôi bố trí chốt trực 24/24h, chia làm nhiều vị trí để tuần tra. Tuy nhiên, nhân lực khá mỏng và không có phương tiện tuần tra chuyên dụng trong khi địa bàn quản lý rộng. Mong rằng qua báo chí, mọi người sẽ nâng cao ý thức tự giác, tuyệt đối không tổ chức tham quan, du lịch trong lòng hồ”, ông Tùng cho biết.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, đơn vị quản lý hồ Yên Lập phát hiện 6 người đang chèo 4 thuyền giữa hồ và nhắc nhở những người này di chuyển về bờ. Những hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước do lòng hồ sâu cùng với khu vực ven bờ có độ dốc cao.
Ngoài ra, việc tổ chức ăn uống và xả thải xung quanh hồ gây ô nhiễm môi trường nước và cảnh quan của lòng hồ Yên Lập.
Hồ Yên Lập nằm trên hai địa bàn TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Hồ có dụng tích chứa nước 127,5 triệu m3 thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng trong việc cấp nước tưới cho trên 8.300 ha đất canh tác nông nghiệp, cung cấp nước ngọt cho 1.500 ha nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp với công suất 33,5 triệu m3/năm.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.