Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào tình hình phát triển đất nước. Ước tính 9 tháng đầu năm, 12,9 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam; doanh thu ngành du lịch lữ hành đạt 33.500 tỷ đồng.
Cú hích cho thanh toán kỹ thuật số
Cùng với sự phát triển của du lịch, nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí và lưu trú tăng cao. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán phi tiếp xúc sẽ giúp du khách quốc tế thao tác dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng.
Du lịch phát triển với lượng khách quốc tế tăng cao kéo theo nhu cầu thanh toán kỹ thuật số. |
Khảo sát của Visa về hành vi tiêu dùng cũng như thói quen thanh toán khách du lịch chỉ ra, 51% du khách đến Việt Nam để tăng cường kết nối, 41% khám phá trải nghiệm và 35% khách để nghỉ dưỡng. Trong đó, 59% khách du lịch đi cùng đối tác, 28% đi cùng bạn bè, đồng nghiệp và 25% đi du lịch cùng con cái.
Trong khi lượng khách quốc tế tăng mạnh, khách Trung Quốc, quốc gia đang phát triển mạnh thanh toán không tiền mặt - chiếm tới 30,9%, việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và phổ biến rộng rãi. Nhiều điểm đến mới, thu hút du khách ưa khám phá và có tiềm năng phát triển lớn lại chưa chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt. Thực tế này khiến du khách gặp khó khăn trong việc quy đổi và thanh toán với tiền mặt ở nhiều nơi.
NPhương thức thanh toán số giúp việc thanh toán tại các khách sạn, nhà hàng hay các cửa hàng bán lẻ trở nên dễ dàng và an toàn hơn với khách quốc tế. |
Số liệu quý II từ Ngân hàng Nhà nước chỉ ra, lượng thẻ ngân hàng đã phát hành luỹ kế đạt 164 triệu thẻ, lượng giao dịch bằng thẻ đạt hơn 76,5 triệu. Lượng thẻ phát hành và giao dịch không tiền mặt ghi nhận tăng trưởng qua các năm, nhưng thẻ nội địa dùng để rút tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng cao đến 94%; nhu cầu thanh toán kỹ thuật số của du khách quốc tế vẫn chưa thực sự được đáp ứng.
Xu hướng tất yếu của chu trình phát triển
Trước sự phát triển vượt bậc của du lịch cũng như nhu cầu về các phương thức thanh toán tăng cao, thanh toán kỹ thuật số hứa hẹn trở thành mảnh đất màu mỡ giàu tiềm năng và tiếp tục phát triển trong tương lai. Thanh toán kỹ thuật số không chỉ đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, mà còn đảm bảo độ bảo mật, tốc độ và tính hiệu quả cao. Một trong những phương thức giúp quốc gia tiến đến nền kinh tế không tiền mặt được Tổ chức Liên minh không tiền mặt (Better Than Cash) đưa ra là phát triển cơ sở hạ tầng chấp nhận thanh toán đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhằm ứng dụng sâu rộng đối với khách hàng và các doanh nghiệp lớn hơn. Trong quá trình hội nhập và phát triển, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng khi đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng sử dụng tiền mặt còn dưới 10%.
Visa mong muốn triển khai những sáng kiến tăng cường thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam. |
Cơ cấu dân số trẻ với 72% đang sử dụng điện thoại thông minh và đã tiếp cận dịch vụ viễn thông đồng thời góp phần tích cực vào quá trình này. Người tiêu dùng dần trút bỏ tâm lý hoài nghi với các phương thức thanh toán mới. Cụ thể, 90% người tiêu dùng sẵn sàng thử phương thức mới và 83% trong số này khẳng định nếu có cơ hội, họ sẽ chọn thanh toán di động thay tiền mặt, theo nghiên cứu của Visa.
Bên cạnh phát triển hạ tầng, nhiều doanh nghiệp lớn cũng góp phần thúc đẩy quá trình thanh toán kỹ thuật số. Điển hình, công ty công nghệ thanh toán quốc tế Visa đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức hội thảo “Thanh toán thẻ không tiếp xúc trong giao thông công cộng” với sự tham gia của hơn 100 đại diện từ các cơ quan quản lý thành phố, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các công ty, đối tác khác trong ngành.
Qua đó, những sáng kiến về thanh toán tiền vé tiện lợi cho mạng lưới xe buýt công cộng đã được nêu lên, đặc biệt có thể ứng dụng vào hệ thống tàu điện dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2020. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đang xây dựng thẻ thanh toán điện tử tích hợp các hệ thống thu phí thông minh, áp dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV thí điểm nhằm đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, phù hợp với đề án đô thị thông minh.
Thanh toán số đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thanh toán không dùng tiền mặt và ngành du lịch. |
Tại Ireland, việc thanh toán không tiền mặt chiếm một phần ba giao dịch thanh toán trực tiếp của Visa. Trong đó, giao dịch bằng tiền mặt cho các dịch vụ khách hàng sẽ tốn kém hơn 127% so với giao dịch bằng thẻ. Với những lợi ích này, Visa mong muốn triển khai những sáng kiến tăng cường thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: “Nhu cầu du lịch ngày càng trở nên phong phú, việc gia tăng các trải nghiệm về dịch vụ du lịch, mua sắm và thanh toán ứng dụng công nghệ số cho người tiêu dùng là xu hướng đã được Visa và các ngân hàng nắm bắt. Từ đó, chúng tôi phối hợp xây dựng và cho ra đời các sản phẩm đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao. Thông qua việc kết nối trực tuyến với hệ sinh thái du lịch toàn cầu của Visa và đối tác, Visa mong muốn mang đến các trải nghiệm số vượt trội và an toàn cho người tiêu dùng khi giao dịch và đi du lịch tại Việt Nam”.
Sự bắt tay của những “ông lớn” như Visa thể hiện nỗ lực góp phần xây dựng kinh tế không tiền mặt cũng như góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.