Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du lịch bãi tha ma và đống đổ nát bùng nổ ở Indonesia sau sóng thần

Hàng nghìn người chết trong thảm họa kép động đất và sóng thần ở Palu, Indonesia, cuối năm 2018. Những đoàn du khách tìm đến thành phố để tận mắt xem cảnh tượng tang tóc.

"Ngay cả những bãi tha ma cũng có thể biến thành điểm thu hút khách du lịch", Nurhalis, một quan chức phụ trách quảng bá du lịch tỉnh Trung Sulawesi, cho biết.

Thành phố Palu, thủ phủ của tỉnh, gánh chịu sức tàn phá kinh hoàng của vụ động đất năm 2018. Thảm họa kép động đất - sóng thần cộng với hiện tượng lở bùn và đất lún đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.800 người tại Palu và những huyện lân cận vào tháng 10 năm đó.

Bộ trưởng Du lịch Indonesia Arief Yahya chỉ vài tháng trước thảm kịch còn đến thăm Palu và kêu gọi thúc đẩy du lịch thành phố, đề nghị sân bay địa phương tiếp nhận những chuyến bay quốc tế. Giờ đây cái tên Palu chỉ còn gắn liền với thảm kịch.

Du lich den sau song than Indonesia anh 1
Ảnh chụp từ trên không khu vực xảy ra hiện tượng đất hóa lỏng ở vùng ngoại ô Palu. Ảnh: Reuters.

Bãi biển thiên đường đã tan hoang

Palu có vị trí vô cùng đắc địa cho du lịch, với vẻ đẹp thiên nhiên hớp hồn du khách. Thành phố nằm phía cuối một vịnh hẹp với nhiều rạn san hô và là nơi lý tưởng cho lặn biển trải nghiệm. Sau lưng thành phố là những dãy núi với hệ sinh thái đa dạng.

Vào đêm định mệnh khi thảm họa diễn ra, hàng trăm người có mặt tại bãi biển Talise để ăn uống và nghe nhạc. Sóng thần gần 3 m bất ngờ ập đến, cuốn họ ra biển.

"Đó từng là nơi nhộn nhịp nhất vùng. Giờ nó không còn tồn tại nữa", Nurhalis chia sẻ.

Những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2018 là thành phố Palu, các huyện Sigi, Donggala và Parigi Moutong.

Ở 4 vùng này, hàng trăm nghìn người dân vẫn không mấy lạc quan rằng cuộc sống của mình sẽ sớm trở lại bình thường. Nỗ lực tái thiết cơ sở hạ tầng vẫn gặp nhiều khó khăn. Hàng chục nghìn hộ gia đình còn đang sống dưới những túp lều tạm bợ, trong đó phần lớn được dựng lên một tháng sau thảm họa.

Lễ hội thường niên tại bãi biển Talise, Palu Nomoni, đã được tạm hoãn tổ chức thêm một năm nữa. Người dân địa phương còn trong giai đoạn 2 năm tưởng nhớ về những người đã khuất. Chính quyền thành phố cho biết họ sẽ đổi tên lễ hội vì Palu Nomoni giờ đây đã gắn liền với những ký ức bi thương.

Du lich den sau song than Indonesia anh 2
Vô số cửa hàng cùng hàng trăm người có mặt trên bãi biển Talise vào rạng sáng 4/10/2018 đã bị sóng thần cuốn đi. Ảnh: South China Morning Post.

Bi kịch thu hút sự tò mò

Một năm trôi qua. Du lịch Palu trải qua một quá trình thay đổi ngoài mong muốn của giới chức địa phương. Trong khi người dân thành phố chật vật tìm lại cuộc sống bình thường, Palu dần trở thành một địa chỉ quen thuộc trên bản đồ của trào lưu "du lịch đen"

Du khách đã trở lại với Palu, nhưng theo cái cách mà Nurhalis không mong muốn chút nào. Khách du lịch quốc nội lẫn quốc tế thường kéo đến xem 3 địa điểm từng xảy ra hiện tượng đất lún, khi những cơn sóng thần làm cho đất hóa lỏng và nuốt chửng nhà cửa.

Lamahase và Tamsir, những người sống sót sau khi động đất và sóng thần quét qua Balaroa, dựng chòi gần bãi đất đã chôn vùi căn nhà của mình. Họ tình nguyện hướng dẫn du khách quanh khu vực đổ nát và kể lại những ký ức kinh hoàng năm trước: từ những rung lắc đầu tiên trên đường phố, khoảnh khắc nhà cửa chìm xuống nền đất, đến bức tường bùn ập xuống và nuốt chửng nhà cửa, cướp đi vô số sinh mạng.

Hai ông cho biết 40% những người mất tích vào đêm định mệnh có lẽ vẫn còn nằm dưới lòng đất. Chính quyền địa phương thông báo khu vực sẽ được cải tạo thành công viên. Việc xây nhà sinh sống tại khu vực đã bị cấm sau thảm họa.

"Đã hơn 100 ngày rồi, mảnh đất này không còn bị ám nữa. Người đã khuất cũng được tưởng nhớ đàng hoàng rồi", Lamahase nói về những người hàng xóm của mình.

Câu chuyện bị cắt ngang bởi những tiếng ồn của một đoàn du khách đến từ Makassar, thành phố lớn nhất đảo Sulawesi. Họ đến Palu tham dự một sự kiện và quyết định ghé thăm Balaroa để tận mắt chứng kiến cảnh tang tóc. Lamahase và Tamir đề nghị giúp đỡ nhưng nhóm du khách không mấy hứng thú. Họ chụp ảnh tự sướng với những đống đổ nát rồi bỏ đi.

Nhiều người đang lên án kiểu du lịch dựa trên nỗi khổ tại Palu. Những thông điệp như "Đây không phải điểm tham quan. Đây là nhà của chúng tôi", hay "Trả 100.000 rupiah (khoảng 7 USD) cho mỗi tấm ảnh", được viết trên tường vài căn nhà bỏ hoang.

Du lich den sau song than Indonesia anh 3
Tamsir (trái) và Lamahase dựng chòi cạnh bên những đống đổ nát, tình nguyện hướng dẫn và kể cho du khách nghe về đêm định mệnh. Ảnh: South China Morning Post.

Lời cảnh báo sau thảm kịch

Neni Muhidin, người điều hành một trung tâm cộng đồng địa phương, lại có một cách nhìn nhận khác. Vào ngày kỷ niệm tròn một năm thảm họa, ông sẽ dẫn đoàn du khách khoảng 20 người, có cả khách quốc nội lẫn quốc tế, tham quan và tìm hiểu về Palu trong 2 ngày. Đây sẽ là đoàn du khách thứ 6 ông dẫn trong gần 1 năm qua.

Muhidin nói chuyến tham quan không phải để chụp ảnh giải trí mà nhằm mục đích giáo dục. Ông gọi đây là "du lịch địa lý".

Tham gia dẫn đoàn còn có một chuyên gia địa lý và một nhà khảo cổ. Họ sẽ giải thích cho du khách đường đứt gãy địa chất Palu-Koro năm 2018 đã dịch chuyển đột ngột đến mức làm toàn bộ cộng đồng khoa học bất ngờ. Chuyển động này tạo ra sóng thần chỉ 3-4 phút sau khi động đất diễn ra, nhanh hơn mọi ước đoán và không ai kịp trở tay.

Iksam, nhà khảo cổ tham gia dẫn đoàn, sống gần khu vực đường đứt gãy địa chất Palu-Koro. Khoảng 3 tuần sau thảm họa, ông cùng các đồng nghiệp tại viện bảo tàng tỉnh đã tìm đến vùng xảy ra hiện tượng đất hóa lỏng để thu thập hiện vật. Những bộ quần áo lấm lem bùn lầy, album ảnh và đồ dùng gia đình các nạn nhân sẽ được trưng bày tại một sự kiện đặc biệt vào lễ kỷ niệm 1 năm thiên tai.

"Chúng tôi đã tìm những hiện vật mang tính cá nhân nhất, những thứ mà người xem có thể đồng cảm", Iksam cho biết.

Đội ngũ của Iksam còn vô tình tìm thấy một chiếc đồng hồ dừng chạy vào đúng thời khắc thảm họa xảy ra. Họ thu thập được cả bài luận đại học trong đống đổ nát với tên tác giả vẫn còn nguyên. Iksam hy vọng người nữ sinh đó sống sót qua thảm họa và sẽ nhận lại những bài viết của mình khi đến xem buổi triển lãm.

"Những món đồ này như một lời nhắc nhở rằng động đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thảm họa ở Palu cho thấy chúng ta thường quên mất điều này", Iksam chia sẻ.

Du lich den sau song than Indonesia anh 4
Tàu cá bị bị sóng đánh dạt lên bờ tại làng Wani, bờ biển phía tây huyện Donggala, tỉnh Trung Sulawesi, sau thảm họa động đất - sóng thần ngày 4/10/2018. Ảnh: Anadolu.

Bầu trời ở Indonesia biến thành màu đỏ do khói mù dày đặc

Bầu trời tỉnh Jambi của Indonesia cuối tuần qua đã chuyển sang màu đỏ khi khói mù từ các đám cháy rừng bao phủ dày đặc.

Tổng thống Indonesia quyết xây tường cứu thủ đô không chìm xuống biển

Tổng thống Joko Widodo cho biết kế hoạch xây bức tường nhằm cứu thủ đô Jakarta khỏi nguy cơ chìm xuống biển cần sớm được triển khai.




Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm