Du khách chụp ảnh tại Disney Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Trước khi Covid-19 xuất hiện, Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng nhất thế giới. Trong năm 2019, 155 triệu khách du lịch Trung Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD.
Lượng khách du lịch từ quốc gia đông dân nhất thế giới đã giảm mạnh trong ba năm qua khi Bắc Kinh áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào ngày 8/1 làm dấy lên hy vọng phục hồi cho ngành du lịch toàn cầu, theo CNN.
Du lịch quốc tế có thể không quay trở lại mức trước đại dịch ngay lập tức. Nhưng các nhà phân tích nhận định các công ty, ngành công nghiệp và quốc gia phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc sẽ có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2023.
Steve Saxon, một đối tác tại văn phòng Thâm Quyến của McKinsey, cho biết Trung Quốc có trung bình khoảng 12 triệu hành khách ra nước ngoài mỗi tháng trong năm 2019, nhưng con số này đã giảm 95% khi Covid-19 xuất hiện.
Ông dự đoán con số đó sẽ phục hồi lên khoảng 6 triệu người mỗi tháng vào mùa hè 2023.
Du khách Trung Quốc đeo khẩu trang bên ngoài trạm kiểm soát ở thành phố Chu Hải. Ảnh: Reuters. |
Giải phóng sự bức bối trong đại dịch
“Tôi rất vui về việc mở cửa trở lại. Vì đại dịch trong những năm qua, tôi chỉ có thể đi du lịch nội địa”, Emmy Lu, công tác tại một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh, nói với CNN.
“Tôi đã ở trong nước quá lâu. Tôi thực sự mong chờ việc dỡ bỏ các hạn chế để có thể đi đâu đó”, cô chia sẻ thêm và khẳng định muốn đến Nhật Bản và châu Âu.
Khi Trung Quốc ngừng yêu cầu khách du lịch phải cách ly từ ngày 8/1, số lượt tìm kiếm chuyến bay và phòng khách sạn quốc tế trên Trip.com ngay lập tức đạt mức cao nhất trong ba năm qua.
Theo dữ liệu từ trang web du lịch Trung Quốc, số lượng đặt chỗ du lịch nước ngoài cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng vọt 540% so với năm ngoái. Chi tiêu trên mỗi lượt đặt chỗ cũng tăng 32%.
Các điểm đến hàng đầu là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong. Mỹ và Anh cũng xếp trong top 10 quốc gia được quan tâm hàng đầu.
Một cửa hàng bán đồ Giáng sinh tại Hong Kong. Ảnh: Reuters. |
“Trong năm qua, các hộ gia đình Trung Quốc đã tích lũy lượng tiền mặt đáng kể”, Alex Loo, nhà nghiên cứu chiến lược vĩ mô của TD Securities, cho biết. Ông chia sẻ thêm rằng các hộ gia đình cũng cắt giảm chi tiêu.
Người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ chi tiêu "trả thù”, giống như những gì đã xảy ra ở nhiều thị trường phát triển khi mở cửa trở lại vào đầu năm ngoái.
“Chúng tôi ước tính Hong Kong, Thái Lan, Singapore được hưởng lợi nhiều nhất nếu du lịch Trung Quốc quay trở lại mức năm 2019”, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.
Hong Kong - thành phố được ghé thăm nhiều nhất thế giới với gần 56 triệu lượt khách vào năm 2019, được dự báo ghi nhận mức tăng 7,6% GDP khi xuất khẩu và du lịch phục hồi trong năm 2023. GDP của Thái Lan có thể tăng 2,9%, trong khi Singapore tăng 1,2%.
Hong Kong bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc đại lục. Các ngành công nghiệp trụ cột của thành phố, bao gồm du lịch và bất động sản, bị ảnh hưởng nặng nề với mức giảm GDP năm 2022 dự kiến là 3,2%.
Ngày 5/1, chính quyền thành phố thông báo sẽ có 60.000 người được phép qua biên giới mỗi ngày, bắt đầu từ 8/1.
Cơ hội phục hồi
Một số quốc gia Đông Nam Á không áp dụng biện pháp nhập cảnh chặt chẽ với du khách Trung Quốc trong những tuần gần đây. New Zealand cũng miễn yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch Trung Quốc.
“Đây là một trong những cơ hội để chúng ta đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết.
Nhưng nhiều quốc gia có cách tiếp cận thận trọng hơn với việc mở cửa của Trung Quốc.
Ngày 4/1, Liên minh châu Âu (EU) đã “khuyến khích mạnh mẽ” các quốc gia thành viên yêu cầu du khách Trung Quốc xuất trình giấy xác nhận âm tính với Covid-19 trước khi đến.
Ông Saxon nhận định có “xung đột” giữa các cơ quan quản lý du lịch với quan chức chính trị, y tế ở một số quốc gia.
Các hãng hàng không và sân bay không hài lòng với các khuyến nghị của EU. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cùng các sân bay do ACI Europe và Airlines for Europe đại diện đã đưa ra một tuyên bố chung, gọi động thái của EU là “đáng tiếc”.
Du khách tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố cho rằng biện pháp kiểm tra nước thải nên được áp dụng thay thế cho yêu cầu hành khách xét nghiệm.
Bên cạnh các hạn chế, thị trường du lịch quốc tế sẽ mất thời gian để phục hồi hoàn toàn vì nhiều người Trung Quốc phải gia hạn hộ chiếu và visa.
Emmy Lu cho biết cô vẫn đang xem xét kế hoạch du lịch vì những yêu cầu xét nghiệm và giá vé máy bay cao.
“Các hạn chế là bình thường. Mọi người đều muốn bảo vệ người dân nước mình. Tôi sẽ chờ xem một số chính sách có được nới lỏng hay không”, cô nói.
Liu Chaonan ở Thâm Quyến cho biết cô muốn đến Philippines để đón Tết Nguyên đán, nhưng không có thời gian xin visa. Vì vậy, cô chuyển sang Thái Lan, nơi cung cấp visa điện tử nhanh chóng và dễ dàng.
“Thời gian rất ngắn và tôi cần phải bay trong khoảng 10 ngày. Mọi người nên chọn một số địa điểm và quốc gia có quy định thông thoáng về visa để du lịch”, cô nói và chia sẻ thêm rằng sẽ học lặn biển và mua mỹ phẩm.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách phác thảo bối cảnh diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này; đồng thời, khám phá những tác động, phạm vi mang tính toàn cầu của sự bùng nổ kinh tế thị trường ở Trung Quốc, từ đó xây dựng một lăng kính giúp chúng ta có thể đánh giá triển vọng phát triển của Trung Quốc một cách toàn diện và đầy đủ hơn.