Ngày 16/2, khu di tích lịch sử chùa Hương chính thức mở cửa. Từ 8h sáng, hàng nghìn du khách đã có mặt để đi lễ bái. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đồng thời là ngày đi làm, lượng người đến chùa hôm nay giảm nhiều so với các năm trước đó. |
Phương tiện chính để di chuyển từ bến Đục vào chùa Hương là đò. Tuy nhiên, người sử dụng các phương tiện này không chuẩn bị áo phao cứu hộ đầy đủ cho khách. |
Nhiều thuyền được trang bị mái che hoặc có thêm dịch vụ karaoke để thu hút khách. Giá vé tham quan danh thắng là 130.000 đồng/người, trong đó 80.000 đồng là vé vào cửa và 50.000 đồng là phí thuyền đò. |
Trong sáng 16/2, cơn mưa lớn kéo dài khiến nhiều du khách phải mua thêm ô, áo mưa khi đi lễ chùa. |
Đây là năm thứ hai chị Hương (Quốc Oai, Hà Nội) đi lễ chùa Hương. Chị chia sẻ: "Năm nay không đông bằng lần trước tôi từng đi, nhưng mưa lớn nên mọi người có phần vất vả hơn. Vào chùa lễ Phật không được mặc áo mưa, đội mũ, tôi phải cởi bỏ hết, đứng lễ với đầu trần". |
Dù không xảy ra tình trạng chen chúc như mọi năm, phía trong động Hương Tích vẫn đông người vào lúc 10h. |
Bà Nguyễn Thị Giang (Bắc Giang) cùng gia đình đi lễ chùa Hương. Sau khi leo tới động Hương Tích, bà phải dừng lại nghỉ vì đau lưng và mỏi chân. |
Nhiều du khách trang bị thêm gậy để tiện đi lại. Trời mưa cũng làm những bậc đá vào chùa trơn trượt. |
Chị Phương Anh cùng chồng (trái) ngồi nghỉ chân sau khi lễ xong trong động Hương Tích. "Mệt quá nên tôi ngồi nghỉ luôn ở bậc đá. Nhưng vì mình tín tâm nên không thấy nản. Năm nào gia đình tôi cũng đi", chị Phương Anh nói. |
Theo chia sẻ của ban quản lý lễ hội, dự kiến trong những ngày đầu mở cửa trở lại, chùa Hương sẽ đón 10.000 lượt du khách tới chiêm bái, bằng 1/3 so với những năm trước đây. |
12h, các du khách tiếp tục đổ về chùa Hương. Nhiều ý kiến cho rằng, lễ hội kéo dài tới 3 tháng, mọi người thoải mái lựa chọn thời gian vãn cảnh để không bị lâm vào tình trạng quá tải. |