Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ tiên tiến, vốn hàng tỷ USD

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được triển khai từng bước thận trọng với công nghệ tiên tiến, tổng vốn đầu tư dự kiến hàng tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: VGP.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã cập nhật thông tin liên quan dự án phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Thứ trưởng, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết với chủ trương tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã giao các bộ ngành có liên quan và Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ. Trong đó có một số nội dung quan trọng như thể chế để triển khai, vốn đầu tư, đánh giá tác động, lợi ích…

Hoàn tất điều kiện để làm điện hạt nhân

Về thể chế, Thứ trưởng cho biết tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, trong tuần này, Chính phủ cũng đã họp và dự kiến báo cáo Quốc hội để sửa đổi Luật về năng lượng nguyên tử.

“Đây là cơ sở liên quan đến các vấn đề cơ bản như công nghệ, vấn đề an toàn trong phát triển điện hạt nhân”, Thứ trưởng Tân nói và cho biết cùng với hệ thống các luật khác như đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường… cơ bản đã đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư.

“Việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể đặc biệt tổ chức triển khai toàn bộ quá trình liên quan, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Tân cũng cho biết đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu và sớm bố trí mặt bằng sạch cho dự án cũng như tạo được sự đồng thuận của người dân.

Lựa chọn công nghệ tiên tiến theo chuẩn quốc tế

Với những điều kiện kể trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết có rất nhiều thuận lợi khi nghiên cứu đầu tư. Đặc biệt, đây là dự án đã được xem xét, có chủ trương nhưng sau đó tạm dừng vì một số lý do khách quan và bây giờ tái khởi động, do đó đã có quá trình chuẩn bị nhất định.

Tuy nhiên, để triển khai dự án cũng có một số thách thức, quan trọng trong đó là vấn đề lựa chọn công nghệ cần đảm bảo an toàn, đánh giá đầy đủ rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khuyến cáo của các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế theo tiêu chuẩn chung.

“Chúng ta sẽ từng bước thận trọng thực hiện được việc này. Hiện nay công nghệ rất tiên tiến, có rất nhiều công nghệ mới và đảm bảo an toàn ngày càng cao”, Thứ trưởng Tân chia sẻ.

dien hat nhan ninh thuan anh 1

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được phát triển theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của quốc tế. Ảnh minh họa: Reuters.

Liên quan tổng mức đầu tư, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết vốn đầu tư dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, hiện chưa thể đưa ra con số cụ thể nhưng vốn cho dự án sẽ phải ở mức "hàng tỷ USD".

Đánh giá về lợi ích trong việc phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng Tân nhấn mạnh có 3 lợi ích chính, bao gồm có được nguồn năng lượng nền, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kép hiện nay. Sự phát triển của điện hạt nhân cùng với các nguồn điện năng lượng tái tạo khác là điều kiện tốt đảm bảo lợi ích liên quan đến an ninh năng lượng cũng như đáp ứng tiêu chuẩn giảm phát thải.

Bên cạnh đó, điện hạt nhân cũng giúp nước ta có một nguồn năng lượng an toàn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, không chỉ ở Ninh Thuận mà còn trên toàn quốc. “Thậm chí, tương lai với sự phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch, chúng ta còn hướng tới xuất khẩu điện”, Thứ trưởng Tân nhấn mạnh.

Lợi ích thứ ba khi phát triển điện hạt nhân là tạo động lực để Việt Nam có một nền công nghệ khoa học cao, đặc biệt là khoa học năng lượng nguyên tử. Đây là khoa học nền tảng và tương lai còn phát triển, kéo theo cả một ngành công nghiệp cũng như nguồn nhân lực cao để phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết hiện Bộ này đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Ban chỉ đạo dự kiến do Thủ tướng làm Trưởng ban và 1 Phó thủ tướng là Phó trưởng ban. Thành viên Ban chỉ đạo sẽ bao gồm các Bộ trưởng ngành có liên quan.

Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và dự kiến gồm đại diện của các bộ ngành có liên quan cùng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng Tổ công tác sẽ là Bộ trưởng Công Thương.

Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng.

Các nước từng 'quay lưng' với điện hạt nhân nay phải quay lại

Một số quốc gia từng "nói không” với điện hạt nhân nay đã thay đổi quan điểm. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng không phát thải ngày càng cao.

Cần gì để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Theo chuyên gia, Việt Nam cần thiết nghiên cứu, khởi động lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời giúp giảm phát thải carbon.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm