Theo báo cáo, ACV được đánh giá là đang phục hồi vững chắc kết quả kinh doanh trong những năm tới. Đối với năm 2022, lợi nhuận ròng của ACV có thể tăng 1.003,7% lên 5.291 tỷ đồng nhờ sự phục hồi của lượng khách nội địa và thu nhập tài chính.
Năm 2023, nếu có được sự phục hồi mạnh mẽ dự kiến lượng khách quốc tế, lợi nhuận ròng dự phóng của ACV có thể tăng 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 8.975 tỷ đồng.
VNDirect cũng kỳ vọng lợi nhuận ròng của Teseco sẽ tăng lên 29 tỷ đồng trong năm 2022 sau khi giao thông hàng không trong nước phục hồi. Con số này có thể tăng 8,45 lần lên 274 tỷ đồng trong năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giao thông hàng không quốc tế.
Trong số các hãng hàng không, VNDirect đánh giá Vietjet Air có sự phục hồi mạnh mẽ nhất về số lượng chuyến bay với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2022 là 147,8% so với cùng kỳ. Con số này là 119,3% và 87,6% ở Vietnam Airlines và Bamboo Airways.
Trong năm 2022, nhiều hãng hàng không gặp khó khăn vì chi phí nguyên liệu tăng cao bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Giá xăng máy bay năm 2022 và 2023 duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không.
Báo cáo cho rằng các hãng hàng không giá rẻ (LCC) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không truyền thống (FSC). Máy bay của Vietjet Air đều là máy bay thân hẹp, đường ngắn nên mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình/ASK thấp hơn so với Vietnam Airlines vì khoảng 30% số máy bay của hãng này là máy bay đường dài thân rộng.
Việc đồng USD tăng giá và lãi suất USD tăng mạnh cũng có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp thâm dụng vốn như các hãng hàng không.
Đối với các hãng hàng không trong nước, Vietnam Airlines có tỷ trọng cho vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất (66,3%) với số dư vay USD là 21.815 tỷ đồng đến ngày 30/6. Tỷ trọng của Vietjet Air chỉ là 17,2% với số dư 3.227 tỷ đồng. Do đó, hãng này ít phải chịu rủi ro hơn liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng.
Chuyên gia đánh giá tỷ lệ đòn bẩy của Vietjet Air an toàn hơn Vietnam Airlines và cho phép hãng có khả năng tài trợ cho việc mở rộng đội bay nhằm phục hồi hoạt động vận tải hàng không quốc tế trong giai đoạn tới. Ngược lại, quy mô đội bay của Vietnam Airlines giảm trong khi Bamboo Airways gặp phải các vấn đề trong giai đoạn tái cơ cấu.
Các nhà phân tích của VNDirect kỳ vọng sản lượng khách nội địa của Vietjet Air tăng 245,4% so với cùng kỳ trong năm 2022. Đối với đường bay quốc tế, họ kỳ vọng sản lượng khách của hãng này có thể đạt 2,43 triệu khách trong năm 2022 và có thể tăng 223% so với cùng kỳ trong, năm 2023 đạt 7,83 triệu khách.
Chuyên gia ước tính lợi nhuận ròng của Vietjet Air có thể đạt 1.317 tỷ trong năm 2022 từ mức 175 tỷ trong năm 2021. Năm 2023, con số này là 3.533 tỷ đồng.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế