Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dòng tiền đen Trung Quốc tuồn ra nước ngoài đạt kỷ lục

Dòng tài chính bất hợp pháp của Trung Quốc ước tính đạt gần 1,4 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, mức lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển.

Theo Bloomberg, đây là con số ước tính được Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GFI) - nhóm nghiên cứu về chuyển tiền qua biên giới có trụ sở tại Washington, Mỹ - công bố hôm nay. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và số liệu mà GFI có được về sở hữu, chuyển nhượng hoặc sử dụng tiền trái phép. 

Theo đó, Trung Quốc, Nga, Mexico, Ấn Độ, Malaysia là các nước có dòng tiền đen lớn nhất. Trong 7,8 nghìn tỷ USD thất thoát từ các quốc gia đang phát triển giai đoạn 2004 - 2013, khoảng 6,5 nghìn tỷ USD được ngụy trang dưới nhiều hình thức gian lận thương mại.

Theo GFI, nguồn tiền thất thoát khổng lồ của Trung Quốc trong năm nay đã đẩy mạnh thị trường bất động sản từ Sydney đến Vancouver, khi người giàu nước này rót tiền ra nước ngoài để đầu tư. Trong khi đó, khả năng đồng nhân dân tệ mất giá có thể khiến tiền mặt được chuyển ra hải ngoại nhiều hơn. Ngày 9/12, Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất tham chiếu mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Lượng tiền thất thoát qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm sử dụng tài liệu giả mạo trong các giao dịch thương mại. Đây cũng là phương thức nổi bật tại Trung Quốc trong năm 2013, khi chính phủ áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay các trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện giao dịch mờ ám và bóp méo số liệu. 

Theo quy định, mỗi công dân Trung Quốc chỉ được phép chuyển tối đa 50.000 USD một năm ra nước ngoài, tuy nhiên vẫn có nhiều công cụ để lách luật. 

"Nghiên cứu này cho thấy dòng tài chính bất hợp pháp là vấn đề kinh tế gây thiệt hại nhất mà các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải đối mặt", Raymond Baker, chủ tịch GFI, nói. Báo cáo này đồng thời khuyến cáo các nhà lãnh đạo trên thế giới kiểm soát những lỗ hổng trong hệ thống tài chính.

Việt Nam cũng có mặt trong danh sách ở vị trí thứ 18, với lượng tiền thất thoát là 9,29 tỷ USD mỗi năm hay 92,9 tỷ USD trong một thập kỷ.

Theo GFI, các nhà hoạch định chính sách cần siết chặt hoạt động của tập đoàn đa quốc gia, yêu cầu công bố công khai khoản thu, lợi nhuận, thua lỗ, doanh thu, thuế, công ty con và cấp bạc nhân viên.

Chính phủ các nước nên thành lập cơ quan đăng ký thông tin xác nhận về quyền sở hữu hưởng lợi, ngân hàng nên nắm thông tin về người hưởng lợi của tài khoản đã được mở tại tổ chức tài chính.

Bên cạnh đó, khuyến cáo của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) và các quy định pháp luật cần được áp dụng cũng như thực hiện một cách chặt chẽ. Các nước cần tích cực tham gia hoạt động trao đổi thông tin thuế nhằm hạn chế gia tăng vi phạm tài chính, khi thỏa thuận này đã được OECD và G20 tán thành.

Tận dụng G20, Trung Quốc muốn hạ bệ đồng USD

Nhiều năm qua, lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách quốc tế hóa đồng nội tệ, đồng thời cổ vũ cuộc tranh luận về giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm