Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền Trung Quốc tăng vị thế, tác động mạnh kinh tế Việt Nam

Chia sẻ với Zing.vn, TS Lê Đăng Doanh cho biết, đồng nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam không chỉ qua nhập siêu mà còn qua kênh tiền tệ.

- IMF đã quyết định đưa đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc vào nhóm đồng tiền thuộc Quyền rút vốn đặc biệt (SCR), cùng đôla Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật vào ngày 30/11. Theo ông, quyết định này có ý nghĩa như thế nào?

- Quyết định có hiệu lực vào tháng 10/2016, tức là không có hiệu lực ngay.

Thứ nhất, quyết định phản ánh vị thế cao hơn của đồng nhân dân tệ. Hiện nay Trung Quốc là một trong những cường quốc xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn với doanh số xuất nhập khẩu cao.

Thứ hai, từ lâu Trung Quốc đã đề nghị IMF công nhận và đưa CNY vào giỏ tiền tệ để chứng tỏ đồng tiền có giá trị chuyển đổi quốc tế và sẽ được các Ngân hàng Trung ương các nước bổ sung vào dự trữ ngoại tệ.

Với sự bổ sung trong giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế của IMF, đồng đôla chiếm vị thế cao nhất với 53%, sau đó là euro với khoảng 18%, bảng Anh chiếm khoảng 9% và yên Nhật chiếm 3%. Người ta dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ chiếm khoảng 2,8-2,9%, tức là sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với đồng yên Nhật.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, từ tháng 10/2016, nước nào giữ đồng tiền này sẽ trả giá. Ảnh: Tiền Phong.

Ngân hàng Trung ương các nước sẽ bổ sung đồng CNY vào dự trữ ngoại tệ của mình. Người ta dự đoán việc mua và bổ sung như vậy sẽ dẫn đến vị thế của Trung Quốc trên thị trường tài chính được nâng lên. Các tác động tích cực hay tiêu cực của kinh tế Trung Quốc từ việc đồng nhân dân tệ mất giá cho đến những yếu tố khác trước kia chỉ tác động chủ yếu qua kênh xuất nhập khẩu, nhưng bây giờ sẽ có tác động đến cả kênh tài chính tiền tệ.

Nếu Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, từ tháng 10/2016, nước nào giữ đồng nhân dân tệ sẽ trả giá. Hiện nay còn quá sớm để đánh giá xem vị thế của đồng nhân dân tệ được cải thiện như thế nào. Nó không có khả năng cạnh tranh với đồng euro, càng không có khả năng tranh chấp với đôla Mỹ nhưng việc đồng nhân dân tệ có mặt ở trong giỏ dự trữ đã là thay đổi rất quan trọng. Chúng ta sẽ phải xem xét thêm và đánh giá tiếp tác động này.

- CNY đã giảm 2,9% so với USD năm nay và trong một khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế cho rằng đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm 3,2% tính đến cuối năm 2016. Trung Quốc đang tăng trưởng chậm nhất trong hơn hai thập kỷ qua, có nhiều vấn đề với đồng nội tệ. Vậy sự có mặt của đồng tiền này trong giỏ dự trữ ngoại tệ sẽ mang lại thách thức gì cho nền kinh tế thế giới?

- Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Trung Quốc xin gia nhập giỏ tiền này từ năm 2008. Họ đã thay đổi cách tính toán tỷ giá. Từ 12/8/2015, họ chấp nhận rằng tỷ giá buôn bán của ngày hôm trước sẽ là tỷ giá của ngày hôm sau, tức là họ cam kết bớt can thiệp hơn và có chế độ quản lý tỷ giá gần với cơ chế thị trường hơn. Dĩ nhiên họ vẫn dùng dự trữ ngoại tệ để can thiệp, nhưng họ sẽ cân nhắc và thận trọng hơn.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại tác động như thế nào đến tỷ giá và đồng tiền Trung Quốc còn quá sớm để xem xét. Trước kia kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 10%, bây giờ tăng trưởng chậm lại là điều cần thiết vì lực lượng lao động của họ hạn chế, dân số già đi và ô nhiễm môi trường nặng nề. Việc tăng trưởng chậm lại, như họ công bố năm nay là 6,9% vẫn cao hơn nhiều nước khác.

Đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của IMF sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam không chỉ trong nhập siêu mà còn qua kênh tiền tệ. Ảnh: IbTimes.

Vì thế không nên nhầm lẫn giữa việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại với việc nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ toàn cầu. Hai chuyện có liên quan đến nhau nhưng việc kinh tế chậm lại không quyết định được vị thế của đồng nhân dân tệ. Vì Trung Quốc là một cường quốc xuất khẩu và trong mối quan hệ thanh toán quốc tế, đồng nhân dân tệ trong thực tế đã vượt đồng yên Nhật, nên chúng ta cần nhìn nhận đó là bước tiến của đồng tiền nhân dân tệ của Trung Quốc.

- Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Việc đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế của IMF có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Quyết định này có ảnh hưởng không chỉ trong nhập siêu mà còn qua kênh tiền tệ. Trung Quốc phá giá đồng tiền sẽ ảnh hưởng ngay đến đồng tiền Việt Nam. Trung Quốc từng đề xuất sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thanh toán tại Việt Nam và sức ép của đề nghị này sẽ còn tăng hơn nữa.

Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới

Nhìn chung, việc đưa đồng nhân dân tệ vào SCR phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Nó cũng phản ánh nền tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc trong kiến trúc tài chính toàn cầu cũng như dòng tài chính toàn cầu. Đây là điều được dự kiến từ lâu và nhận được hoan nghênh.

Ít nhất trong ngắn hạn, việc này sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam nhưng chỉ ở mức hạn chế. Chúng tôi không thấy có tác động trực tiếp nào đến tỷ giá hối đoái hoặc dòng thương mại của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Việc IMF đưa nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ quốc tế có thể dựa trên hai điểm: nhu cầu bổ sung đồng tiền và kết quả thực tế là sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Với quyết định này, Trung Quốc sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ đồng tiền và có các chính sách để bảo vệ đồng tiền của họ. Nhờ đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng tốt và ổn định, như vậy có lợi cho các nước khác, ngay cả Việt Nam, dù các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp giữa hai nước có thể bị ảnh hưởng.

Trung Quốc có thể sử dụng tỷ giá để tăng cạnh tranh. Họ có thể giảm giá trị đồng nhân dân tệ nhưng không nhiều. Nếu giá trị đồng đôla tăng, họ sẽ không giảm.



Lan Dung

Bạn có thể quan tâm