Trong báo cáo triển vọng về ngành chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam do Kirin Capital công bố, đơn vị phân tích cho biết quy mô thị trường của ngành này đang gia tăng nhanh chóng.
Điều này thể hiện ở tổng chi tiêu cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ 16,1 tỷ USD lên đến 22 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2022. Ngoài ra, chi tiêu cho y tế/GDP của Việt Nam cũng tăng từ 4,52% hồi năm 2016 lên khoảng 6,5% năm 2022.
Quy mô ngành chăm sóc sức khỏe của Việt Nam giai đoạn 2017-2022. Nguồn: Fitch Solution. |
Triển vọng lớn
Thống kê của Bộ Y tế cho biết trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng chi tiêu y tế trên đầu người của Việt Nam đã tăng bình quân 11%/năm. Số lượt đến bệnh viện khám chữa bệnh trung bình của mỗi người dân Việt Nam cũng đã tăng từ 1,89 lượt/năm trong năm 2010 lên 2,95 lượt/năm trong năm 2020.
Tuy nhiên, số lượt khám chữa bệnh của người Việt vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (3,5 lượt/năm), Trung Quốc (4,9 lượt/năm) và một số nước cao đáng kể như Nhật (12,2 lượt/năm). Do đó, sẽ còn nhiều dư địa cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới.
Trong khi đó, cơ sở vật chất ngành chăm sóc sức khỏe đã thay đổi rất nhiều trong vài năm trở lại đây.
Năm 2010, toàn thị trường mới có khoảng 1.189 bệnh viện với trung bình 22 giường bệnh/10.000 người thì con số này năm 2021 đã là 1.580 bệnh viện và 29 giường bệnh/10.000 người.
Ngoài ra, thời gian lưu trú trung bình ở bệnh viện đã giảm dần từ bình quân 11 ngày trong năm 2014 xuống còn 6 ngày năm 2021, đồng thời chênh lệch giữa số lượng bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú ngày càng gia tăng.
Trong cuộc khảo sát vào cuối năm 2022, Vietnam Report đánh giá chăm sóc sức khỏe là 1 trong 3 ngành (cùng với công nghệ thông tin, viễn thông và vận tải - logistics) có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 2-3 năm tới.
Điều này là nhờ cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe với những biến cố về ô nhiễm môi trường, thiên tai và dịch bệnh, dẫn đến mức chi tiêu cho y tế gia tăng.
Dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng ngành chăm sóc sức khỏe mạnh và ổn định nhất thế giới.
Cùng với đó, Kirin Capital dự báo ngành chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong những năm tới với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2023-2025 là 15%/năm.
Còn Công ty kiểm toán PwC dự báo ngành y tế sẽ là một trong số ít lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam, trong bối cảnh chung các doanh nghiệp rơi vào "mùa đông" gọi vốn. Quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe trong nước sẽ tăng dần qua từng năm khi tổng chi tiêu y tế ở Việt Nam ước đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025.
Khối bệnh viện tư nhân và dịch vụ E-health còn nhiều dư địa tăng trưởng trong vài năm tới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tiềm năng tăng trưởng ở các bệnh viện tư nhân
Theo Công ty đầu tư Kirin Capital, xu hướng dịch chuyển từ khám chữa bệnh tại bệnh viện công sang bệnh viện tư sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới khi thu nhập người dân tăng, và việc khám bệnh tại đây có ưu điểm là nhanh chóng về mặt thời gian.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, tính tới hết năm 2022, toàn thị trường trong nước có gần 320 bệnh viện tư với hơn 22.000 giường bệnh và 38.000 phòng khám tư, đáp ứng gần 20% tổng số bệnh viện và hơn 8% tổng số giường bệnh.
Tại châu Á, y tế tư nhân bình quân chiếm 20-30% trong hệ thống y tế. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân chỉ chiếm 5,4%. Đó là lý do dòng vốn tư nhân sẽ còn tiếp tục đổ vào lĩnh vực y tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 20 về việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân thì đến năm 2025 phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10% và đạt 15% vào năm 2030. Hiện tại, tỷ lệ giường bệnh của nhóm bệnh viện tư nhân chỉ chiếm hơn 5% tổng số giường bệnh cả nước. Do đó, dư địa phát triển và mở rộng của nhóm bệnh viện tư nhân là rất lớn trong những năm tới.
Chưa kể, Việt Nam có tốc độ tăng dân số lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Thu nhập tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến việc tăng cường chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong y tế tư nhân. Chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người tại Việt Nam được dự kiến tăng 12,4% hàng năm.
Với thị trường sức khỏe số (eHealth) của Việt Nam, đây được đánh giá là thị trường đang ở giai đoạn sơ khai và thử nghiệm. Quy mô thị trường năm 2022 là hơn 800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2017-2022 lên tới 38,4%. Dự báo quy mô thị trường này sẽ đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2027 cho thấy dư địa ngành này rất lớn và là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Hiện hoạt động startup trong mảng E-health ở Việt Nam đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các quỹ đầu tư. Thực tế có rất nhiều dự án startup đã kêu gọi vốn thành công.
Các dự án tập trung chủ yếu các lĩnh vực như y tế từ xa như Jio Health gọi vốn thành công 27,7 triệu USD, Wellcare gọi vốn thành công 0,534 triệu USD; app chăm sóc sức khoẻ Edoctor được rót 1,2 triệu USD, Doctor Anywhere gọi vốn thành công 27 triệu USD; chuỗi bán lẻ dược phẩm với Pharmacity gọi vốn thành công gần 32 triệu USD, BuyMed gọi vốn thành công 12 triệu USD...
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.