Các lãnh đạo NATO ngày 29/6 đã đưa ra tuyên bố chung về tầm nhìn mới cứng rắn, với việc xem Moscow là đối thủ chính của liên minh. Đồng thời, NATO lần đầu tiên tuyên bố Trung Quốc là “thách thức chiến lược”.
“Quan hệ chiến lược ngày càng sâu đậm giữa Trung Quốc và Nga và những nỗ lực của họ nhằm làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã đi ngược các giá trị và lợi ích của chúng tôi”, theo tuyên bố chung của các lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid.
Cũng tại thượng đỉnh ở Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo NATO cho biết sẽ phản ứng trước động thái của Moscow mà phương Tây cho là gây căng thẳng.
Trước khi đưa ra tuyên bố chung, liên minh đã chính thức mời Phần Lan, Thụy Điển gia nhập, mở đường cho sự mở rộng đáng kể nhất của NATO trong hơn một thập niên.
Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid ngày 29/6. Ảnh: AFP. |
Thượng đỉnh từ hai đầu
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo hàng nghìn binh sĩ sẽ được triển khai đến 8 quốc gia thành viên ở Đông Âu. Trong khi đó, Tổng thống Biden nói rằng Washington sẽ thiết lập một sở chỉ huy quân đội và một tiểu đoàn dã chiến ở Ba Lan - lực lượng thường trực đầu tiên của Mỹ ở cánh đông NATO.
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với những động thái của liên minh quân sự phương Tây.
"Chúng tôi phản đối một số bên đang kêu gọi NATO can dự vào châu Á - Thái Bình Dương, hoặc một phiên bản của NATO ở khu vực này dựa trên liên minh quân sự”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho biết.
Ông Trương Quân nói động thái của NATO là kịch bản Chiến tranh Lạnh lỗi thời, và không được phép xảy ra tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin tuần này hướng sự tập trung về khu vực Trung Á, nơi ông dự hội nghị thượng đỉnh cùng các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Iran, Turkmenistan và Kazakhstan ngày 29/6.
Từ phải sang, tổng thống 5 nước Kazakhstan, Nga, Turkmenistan, Iran, Azerbaijan dự hội nghị thượng đỉnh ngày 29/6. Ảnh: Sputnik. |
Trước đó một ngày, ông đã có chuyến thăm tới Tajikistan. Tuần này là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Nga công du nước ngoài kể từ sau “chiến dịch quân sự” ở Ukraine.
Trong họp báo từ thủ đô Ashgabat của Turkmenistan, Tổng thống Putin cho biết Nga cảm thấy “không có vấn đề gì” với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Tuy nhiên, "nếu lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở đó, chúng tôi có nghĩa vụ phải phản ứng tương xứng và đưa ra các mối đe dọa tương tự với những vùng lãnh thổ gây nguy hiểm cho chúng tôi”, ông nhấn mạnh.
Kịch bản giao tranh ở miền Đông chưa thay đổi
Giới chức tại Ukraine ca ngợi tuyên bố mới nhất của NATO.
“Chúng tôi hoan nghênh lập trường rõ ràng về Nga, cũng như sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết. “Một lập trường tích cực và mạnh mẽ về tình hình Ukraine sẽ giúp bảo vệ an ninh và ổn định của châu Âu - Đại Tây Dương”.
Tuy vậy, không có gì rõ ràng rằng những diễn biến trong tuần này có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế trong xung đột mà lực lượng Kyiv vẫn bị lép vế. Trong khi đó, Nga vẫn đạt những bước tiến nhờ ưu thế về pháo binh.
Hôm 29/6, các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết Moscow đang điều thêm hàng nghìn binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới miền Đông Ukraine để cố kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk.
“Giao tranh diễn ra khắp nơi”, Thống đốc Lugansk Serhiy Gaidai cho biết. “Đối phương đang cố phá vỡ tuyến phòng thủ và phá hủy nhiều ngôi nhà”.
Binh sĩ Ukraine tại Sievierodonetsk ngày 20/6. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, chiến thuật tiêu thổ - nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu - đã giúp quân đội Nga tiến gần về thành phố Lysychansk ở Lugansk. Trước đó, cả hai phía đều xác nhận quân đội Moscow đã chiếm hoàn toàn thành phố láng giềng Sievierodonetsk sau nhiều tuần giao tranh.
Avril D. Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cho rằng Nga khó có đột phá tại miền Đông trong ngắn hạn. Các cơ quan tình báo tại Mỹ đồng tình rằng chiến sự có thể sẽ kéo dài, theo bà Haines.
Khi không có dấu hiệu cho thấy sắp có lệnh ngừng bắn, Nga và Ukraine đã có đợt trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự”, với việc đổi 144 binh lính mỗi bên, theo Denis Pushilin, người đứng đầu lực lượng dân quân thân Nga ở Donetsk.
NATO đạt tiến triển
Quá trình mở rộng NATO có tiến triển sau khi Thổ Nhĩ Kỳ "bật đèn xanh" cho Thụy Điển và Phần Lan. Ankara ngày 29/6 đã bỏ quyền phủ quyết với nỗ lực gia nhập của hai nước này.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ có những quan ngại an ninh và cáo buộc Helsinki và Stockholm tài trợ cho những tổ chức người Kurd bị Ankara coi là khủng bố, khiến nước này ngăn cản việc gia nhập của hai nước Bắc Âu.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết Thụy Điển và Phần Lan đã nhất trí không hỗ trợ người Kurd hay những tổ chức có thể gây hại đến an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, bất kể là vũ khí hay các loại viện trợ khác. Nhưng Stockholm vẫn sẽ viện trợ nhân đạo cho người Kurd và những người ở miền Bắc Syria.
Cả Thụy Điển và Phần Lan cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Ankara - được áp dụng từ năm 2019 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào miền Bắc Syria. Bà Linde nói rằng hai nước có “cam kết mới với đồng minh, và điều này cũng áp dụng với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trong khi đó, Mỹ ngày 29/6 cũng mở đường cho việc bán những tiêm kích F-16 phiên bản nâng cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ - đáp ứng yêu cầu lâu nay của Ankara. Các quan chức Mỹ nói sự thay đổi này không liên quan đến việc mở rộng của khối.