Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Động nào ở Ninh Bình được vua Minh Mệnh ngự giá

Truyền rằng khi trước đức Minh Mệnh đã ngự giá qua động này, cho động này là đệ tam động sau Hương Tích và Bích Động.

Truyền rằng khi trước đức Minh Mệnh đã ngự giá qua động này, cho động này là động thứ ba, mà Hương Tích là đệ nhất động, Bích Động 碧峒 (thuộc huyện Yên Mô) là đệ nhị động, thế thì động này cũng từng có giá trị trong các nơi danh sơn thắng cảnh.

Nhà sư thấy có du khách đến vãn cảnh thì sai tiểu sắp đuốc đưa lên động. Đường đi lên động cứ một bậc lại một bậc cao dần lên, chừng độ 80 bậc, truyền rằng những bậc đá này xây từ khi vua Minh Mệnh ngự giá qua chơi đây vào khoảng năm 1821.

Du ky anh 1

Ảnh minh hoạ.

Khi trèo lên đến cửa động, thì thấy đề là: “岩山峒古庵寺 Nham Sơn động Cổ Am tự”, thế thì chùa Cổ Am này là nhân động núi mà làm thành ra, động sâu cho nên chùa càng rộng; tượng Phật cũng cổ, trên có ba tượng đá giữa ba tượng đồng, chế tạo ra từ năm Minh Mệnh, nhưng nay còn có ba tượng đá là cổ mà thôi. Ngoài cửa động lại có hai cái miếu con có đề câu đối rằng:

景致天然西湖風月 英奇地迥南國山河

Tạm lược “Bản đồ đường đi Địch Lộng, Hoa Lư và Phát Diệm” (NHS chú).

Cảnh trí thiên nhiên, Tây hồ phong nguyệt

Anh kỳ địa quýnh, Nam quốc sơn hà

Câu này cũng là câu đối mới, nhưng xem qua câu ấy cũng đủ biết rằng cái non sông chốn này, cái trăng gió trốn này vẫn là cái cảnh trí thiên nhiên của nước Nam ta đó. Xem qua đàng trước động rồi cùng nhau theo ven chùa ra đàng sau động, lối đi ngoắt ngoéo cheo leo, bước cao bước thấp, càng vào càng sâu, lại thấy mở ra một động nữa, trong động đá mọc lô xô trông từa tựa như hình các con giống, nào là kỳ lân, sư tử, cá chép, rùa rùa, ai trông giống hình gì thì gọi nó là hình ấy.

Bên sườn động cheo leo lại có những phiến đá nho nhỏ, hình như miếng khánh, miếng dầy miếng mỏng, miếng khuyết miếng tròn, chú tiểu bảo ta rằng: “Đó là bộ bát âm”. Trèo lên lấy dùi gõ thử cho ta nghe thì mỗi tiếng đá kêu một thứ tiếng khác nhau, hoặc thùng thùng như tiếng trống, boong boong như tiếng chuông, canh canh như tiếng khánh, tiếng to tiếng nhỏ, tiếng đục tiếng trong nghe ra đủ tiếng ngũ âm, hoảng nhiên như một khúc nhạc thiên nhiên ở trong tiên động.

Ra quá mé ngoài thì lại mở ra một cửa động thênh thang, ánh mặt trời sáng sủa, trông ra một cánh đồng bát ngát. Thợ trời bày đặt ra nghĩ cũng kỳ! Có phải để những nơi danh lam thắng cảnh này làm chỗ trụ trì riêng cho các vị cao tăng ẩn sĩ chăng? Hay là để làm chỗ thưởng ngoạn chung cho cả các bậc tao nhân mặc khách chăng?

Chung quanh vẫn nước non nhà, ai tri âm đó mặn mà với ai? Ấy cái non sông gấm vóc của nước Nam mình bày ra đó, trời vẫn để riêng cho người Nam mình, ai biết mà đăng lâm thưởng ngoạn thì được hưởng thụ cái thú thanh cao phiêu dật; ai không biết mà chỉ lăn lộn ở trong đám bụi hồng mạch tía, thì sao hay hưởng được cái thú trăng trong trên khoảng núi, gió mát giữa dòng sông, kho vô tận của trời đất vẫn để riêng cho ta đó.

Động này khi xưa Trịnh Tĩnh Vương đã qua chơi, ông Lê Quế Đường (Lê Quý Đôn) khi theo Trịnh Tĩnh Vương lên đó đã có câu thơ tả cảnh rằng:

岩窗半唘青成慔 石乳全柔碧作球 潮水千年常上下 溪花终古自春秋

Nham song bán khải thanh thành mạc,

Thạch nhũ toàn nhu bích tác cầu.

Trào thủy thiên niên thường thướng há,

Khê hoa chung cổ tự xuân thu.

Nghĩa là: Cửa núi hé ra xanh xanh như cánh màn che, Nhũ đá mềm mại biêng biếc như quả cầu tròn, Nước thủy trào thường nghìn năm lên xuống, Hoa khe núi trải bao thuở xuân thu.

Nay đọc câu thơ ấy thật là như vẽ ra cảnh động Địch Lộng. Khi xem trên động xong rồi, rủ nhau xuống núi, người xuống trước kẻ xuống sau, trèo leo cũng ra chiều khó nhọc mà đều có vẻ vui thú. Xuống đến chân núi qua sau vườn chùa có thấy ba cái bia đá: một cái đề là: “明命九年 Minh mệnh cửu niên”, một cái đề là: “嗣德七 年 Tự Đức thất niên”, còn một cái mới lập năm Khải Định, cũng đều nói về việc sửa sang chùa động ở đây mà thôi.

Mặt trời xế chiều, anh em lại tự Địch Lộng đi ô tô trở về bến Gián, rồi theo con sông Hoàng Giang 黄 江 đi thuyền đến Tràng An, Hoàng Giang là một con sông lớn, chỗ ngã ba thông với con sông Hát, thường khi nước triều lên xuống, sông nước mênh mông.

Qua bến Gián này mà đi xuyên sơn về phía tây có thể đi vào Thanh Hóa được, nay ta đến đây lại sực nhớ đến ông Nguyễn Trãi 阮廌, cùng ông Trần Nguyên Hãn 陳元扞, khi xưa đã từng qua bến Gián này đi vào Lam Sơn để tìm vua Lê Lợi. Tưởng đương khi ấy trời làm thảo muội, đất rắc chông gai, quân Minh sang chiếm cứ nước ta, những người anh hùng hào kiệt có lòng cứu dân tế thế, còn lẩn lút ở trong rừng xanh núi đỏ ấy còn biết đâu mà tìm.

Thế mà hai ông hay chẳng từ gian lao hiểm trở, kết bạn đồng chí cùng đi hỏi đò thăm bến qua tới bến này, lặn ngòi noi nước đi mãi vào Lam Sơn, tìm thấy một vị chân nhân áo vàng xưng trẫm ở trong chốn nước biếc non xanh là vua Lê Thái Tổ ra để bình định quân Minh, hai ông thực là có công với non nước này vậy.

Vả lại con đường sông Hoàng sông Hát này khi xưa Lê, Mạc giao binh, khi quân Lê kéo ra đường ngoài đánh Mạc, khi quân Mạc lẻn vào đường trong cướp Lê, cũng tất lấy những con sông này làm “tất do chi lộ”. Nay trông thấy giang sơn như cũ, sông bằng nước phẳng, lại đưa con thuyền chúng ta đi tới Tràng An để thăm nơi cổ tích một vị đế vương mới dựng ra nền đế thống, thì trong lòng ngao ngán biết chừng nào!

Nguyễn Hữu Sơn biên soạn/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY