Đây là số liệu được ông Satvinder Singh, Phó tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN chia sẻ tại Hội nghị đổi mới số Huawei APAC 2022. Theo ông Singh, kể từ khi bắt đầu đại dịch, đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số trong khu vực ASEAN.
Với số người dùng Internet lớn thứ ba thế giới, doanh thu kỹ thuật số trong khu vực có thể đạt 363 tỷ USD vào năm 2025. Để tiếp tục tăng trưởng, theo ông Singh, việc hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi số là rất quan trọng.
“Chuyển đổi số cần hành động hợp tác từ những đơn vị lớn, đặc biệt là lĩnh vực tư nhân để phát triển hết tiềm năng của ASEAN”, ông Singh nhận định.
Ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên Huawei. Ảnh: NH. |
Nhìn rộng hơn, châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang là khu vực có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh. Theo số liệu của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), vùng phủ sóng di động trong khu vực gần như đạt 100%.
Chỉ 10 năm trước, một số quốc gia APAC hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở hạ tầng 3G hoặc 4G nào. Giờ đây, dữ liệu ước tính của Hiệp hội GSM (GSMA) chỉ ra sẽ có 1,2 tỷ thiết bị kết nối 5G tại APAC năm 2025.
“Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực đa dạng về văn hóa và kinh tế nhất trong thế giới. Khu vực này từng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, và sẽ tiếp tục giữ vị thế trong sáng tạo số”, Ken Hu, Chủ tịch luân phiên Huawei nhận định.
Tại sự kiện, nhiều đại diện các cơ quan về chuyển đổi số trong khu vực cũng chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số. Ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo của Indonesia cho rằng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng để đổi mới các ngành như du lịch, công nghiệp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghệ và Đổi mới Adham Baba của Malaysia cho biết nước này đã thực hiện chương trình MyDIGITAL, với trọng tâm là tăng trưởng bền vững nền kinh tế số bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào phát triển cả thiết bị và phần mềm.
Theo ông Hu, ngoài vấn đề kết nối, việc tạo ứng dụng công nghệ và xây dựng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ số cũng rất quan trọng. Đến năm 2030, lực lượng lao động của APAC ước tính đạt 2,2 tỷ người, với lợi thế về độ tuổi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Korn Ferry, vào cùng thời điểm khu vực sẽ thiếu khoảng 47 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, đào tạo đội ngũ nhân sự công nghệ là yếu tố quan trọng, theo bà Yang Mee Eng, Giám đốc Quỹ ASEAN.
“Chỉ khi có được đội ngũ nhân tài về công nghệ, chúng ta mới có thể phát triển kinh tế số hiệu quả tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, bà Eng cho biết.
Ngoài ba trụ cột về kết nối, ứng dụng và nhân sự, hội nghị cũng mở ra nhiều phiên thảo luận về kế hoạch phát triển nền kinh tế xanh, nhằm đạt được các cam kết về trung hòa carbon. Đây cũng là một lĩnh vực mới mà Huawei đang nhắm tới, khi hãng này phát triển các công nghệ cho điện mặt trời.