Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đồng minh thân cận quay lưng với ông Trump

Vị thế của ông Trump trong đảng Cộng hòa ngày càng bấp bênh, khi ngay cả thành viên từng ủng hộ ông từ những ngày đầu cũng đang kêu gọi đảng làm mọi cách "tránh xa" cựu tổng thống.

cuu tong thong donald trump anh 1

Theo New York Times, mối đe dọa lớn nhất với ông Donald Trump tại đảng Cộng hòa luôn đến từ những người ủng hộ cựu tổng thống, hơn là nhóm vốn không ưa ông. Hiện tại, một người từng ủng hộ ông Trump từ những ngày đầu đang tuyên bố quay lưng với cựu tổng thống.

Hồi tháng 2/2016, khi trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Quốc hội Mỹ tán thành ông Trump, Hạ nghị sĩ Tom Marino gọi quyết định này là “một trong những khoảnh khắc thay đổi cuộc đời”.

Vào thời điểm đó, ông Trump đang đối mặt với thách thức từ Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, cũng như gặp khó khăn thu hút sự ủng hộ từ các quan chức dân cử.

Ông Marino - cựu công tố viên đại diện cho một quận nông thôn ở phía bắc Pennsylvania - không chỉ ủng hộ ông Trump công khai, mà còn hỗ trợ chỉ đạo chiến dịch tranh cử trong tiểu bang và tham gia đội chuyển giao quyền lực tổng thống sau khi ông Trump giành chiến thắng.

Tuy nhiên, hiện tại, ông Marino không ngại chỉ trích ông Trump.

"Mỹ xứng đáng có vị lãnh đạo trưởng thành"

Ông Trump từng bày tỏ sự yêu mến với ông Marino và Lou Barletta - thành viên Quốc hội. Với tư cách là tổng thống, ông Trump bổ nhiệm ông Marino làm người đứng đầu Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia, dù sau đó ông Marino đã rút lui.

Dẫu vậy, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa cho vị trí thống đốc Pennsylvania, ông Marino đã chỉ trích gay gắt ông Trump vì không ủng hộ ông Barletta. Hiện tại, ông thúc giục các thành viên đảng Cộng hòa "bước tiếp".

“Tôi nghĩ đảng Cộng hòa phải làm mọi cách để thoát khỏi ông Trump. Tôi chắc chắn ông ấy là lý do khiến đảng thua cuộc trong cuộc bầu cử tháng 11. Tôi rất thất vọng về ông ấy”, ông nói.

Trong một bức thư chưa được công bố trước đây, ông Marino chỉ trích cựu tổng thống vì “hành động như bắt nạt trẻ con" khi công kích Thống đốc Florida Ron DeSantis.

cuu tong thong donald trump anh 2

Ông Lou Barletta (trái) và Tom Marino tại một cuộc vận động cho ông Trump ở Pennsylvania hồi tháng 12/2016. Ảnh: AP.

Ông Marino cho rằng để đảm bảo có được sự ủng hộ, ông Trump phải “trưởng thành và hành động như một vị tổng thống, đồng thời không dùng biệt danh xúc phạm những ứng viên tiềm năng”.

Ông viết thêm rằng ông Trump đã “bỏ rơi một số đồng minh thân cận nhất”, “không hiểu lòng trung thành là gì”, “thiếu hụt phẩm chất và sự chính trực”.

Bức thư còn kết luận: “Tôi sẽ không ủng hộ ông Trump. Trên thực tế, tôi sẽ vận động phản đối ông ấy. Đất nước ta xứng đáng có một người lãnh đạo trưởng thành, tôn trọng người khác và trung thực”.

Vị thế ngày càng đi xuống?

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump thất thế trong nội bộ đảng Cộng hòa, và bức thư của ông Marino chỉ là bằng chứng gần đây nhất.

Ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol hôm 19/12 khuyến nghị Bộ Tư pháp điều tra cựu Tổng thống Trump 4 tội danh hình sự, bao gồm xúi giục nổi dậy, âm mưu lừa đảo chính phủ Mỹ, âm mưu đưa ra tuyên bố sai sự thật và cản trở thủ tục tố tụng chính thức, Hill đưa tin.

Họ cho rằng cựu tổng thống đã kích động người ủng hộ tấn công Điện Capitol và hỗ trợ người bạo loạn vi phạm nhiều luật liên bang. “Nếu không có ông ấy, những sự kiện trong ngày 6/1/2021 đã không xảy ra”, bản tóm tắt báo cáo của ủy ban cho biết.

Ngày 21/12, Ủy ban cũng công bố toàn bộ báo cáo dài 154 trang về vụ tấn công vào Điện Capitol từng gây chấn động cả thế giới.

Dẫu vậy, đảng Cộng hòa không mấy mặn mà trước thông tin quan trọng này. Trong khi đó, ông Trump phản ứng mạnh mẽ như thường lệ.

“Những người này không hiểu khi họ cố gắng theo đuổi để trừng phạt tôi, những người yêu tự do sẽ tập hợp xung quanh tôi. Điều đó khiến tôi mạnh mẽ hơn”, ông Trump cho biết trên mạng xã hội Truth Social.

Yêu cầu của ủy ban gửi tới Bộ Tư pháp đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ đề nghị truy tố hình sự đối với một cựu tổng thống, theo Reuters.

cuu tong thong donald trump anh 3

Ông Trump xuất hiện trên màn hình trong phiên điều trần hôm 19/12 của ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều ông Trump nói sẽ xảy ra. Nhà báo Maggie Haberman gần đây đánh giá vị thế chính trị ông Trump đã thu hẹp đáng kể.

Hai ứng cử viên tổng thống tiềm năng - cựu Phó Tổng thống Mike Pence và Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson - cho rằng ông Trump đã hành động liều lĩnh vào hôm 6/1/2021, dù họ nghĩ tổng thống không nên bị truy tố hình sự.

Tại Thượng viện Mỹ, ông Trump cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ chính trị vào hôm 19/12. Chỉ có một thượng nghị sĩ, Tommy Tuberville của Alabama, tán thành kế hoạch tái tranh cử của ông.

“Cả nước biết ai phải chịu trách nhiệm cho ngày hôm đó”, Mitch McConnell - Lãnh đạo Phe thiểu số Thượng viện Mỹ - nói.

Thượng nghị sĩ John Thune từ South Dakota cho biết ủy ban đã “phỏng vấn một số nhân chứng đáng tin cậy”. Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito của West Virginia cho rằng ông Trump phần nào chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn.

Và ngay cả tại Hạ viện Mỹ - nơi ông Trump vẫn còn nhiều đồng minh - cũng không có phản ứng chi tiết. Ví dụ, Kevin McCarthy - Lãnh đạo Phe thiểu số Hạ viện Mỹ - đã im lặng. Ông McCarthy đang cần những thành viên Cộng hòa ôn hòa, cũng như cả nhóm ủng hộ ông Trump hết mình, cho cuộc đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện.

Dẫu vậy, trước đó, các thành viên đảng Cộng hòa cũng từng đứng về phía ông Trump hồi đầu năm 2021, và sau đó là cả trong đợt bầu cử năm 2022.

“Nếu đảng Cộng hòa giành được Hạ viện với tỷ số cách biệt lớn và chiếm Thượng viện nhờ các ứng viên ủng hộ ông Trump, phản ứng với những rắc rối gần đây sẽ rất khác”, Dan Pfeiffer - cựu cố vấn truyền thông của Tổng thống Barack Obama - cho hay.

Tuy nhiên, ủy ban điều tra vụ ngày 6/1 dường như cũng là nhân tố dẫn đến thất bại của đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này.

Trong khảo sát thực hiện ở 5 bang chiến trường của Protect Democracy, 46% cử tri cho biết phiên điều trần ngày 6/1 là yếu tố dẫn đến quyết định của họ. Trong khi đó, 57% tiết lộ họ ít tiếp nhận thông tin về các phiên điều trần.

Cho đến nay, lập luận mạnh mẽ nhất trong đảng Cộng hòa không liên quan tới hành vi của ông Trump khi đương chức, mà là quan điểm nỗi ám ảnh của cựu tổng thống về cuộc bầu cử năm 2020 đã khiến đảng mất nhiều ghế quan trọng trong năm nay.

John Sides - chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt - cho biết điều này có thể là lập luận chống ông Trump mạnh mẽ nhất, khi từ chối kết quả bầu cử sẽ dẫn đến thất bại chính trị.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Ông Trump thất thế sau cuộc điều tra về vụ bạo loạn Điện Capitol

Hạ nghị sĩ Liz Cheney được cho là người chiến thắng, trong khi cựu Tổng thống Trump gặp nhiều khó khăn khi ủy ban Hạ viện Mỹ sẽ công bố toàn bộ báo cáo sau 18 tháng điều tra.

Chiến thuật cực đoan của ông Trump

Sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024, ông Donald Trump đang dần tìm cách liên kết với các thành phần cực đoan nằm ngoài dòng chính thống của nền chính trị Mỹ.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm