Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Iran làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh tại Trung Đông, quân đội Mỹ tiếp tục khẳng định Iran là mối đe dọa nguy hiểm với các lợi ích của nước này và đồng minh, dù tuyên bố này vấp phải sự nghi ngờ.
Sự hoài nghi của các đồng minh được thể hiện khi một chỉ huy cấp cao của quân đội Anh hôm 14/5 đưa ra tuyên bố trái ngược với chính quyền Trump, động thái được xem là khác thường, theo AP.
"Không, không có mối đe dọa gia tăng từ các lực lượng thân Iran ở Iraq và Syria", Thiếu tướng Chris Ghika, sĩ quan chỉ huy trong liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu, cho biết. Từ sở chỉ huy của lực lượng này tại Baghdad, thủ đô Iraq, ông Ghika có cuộc gọi video với các phóng viên tại Lầu Năm Góc và cho biết liên quân theo dõi sát sao hoạt động của các nhóm thân Iran.
"Có một lượng đáng kể các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria, nhưng chúng tôi không phát hiện mối đe dọa gia tăng nào từ họ trong giai đoạn này", tướng Ghika chia sẻ.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ đi qua kênh đào Suez trên đường đến vịnh Ba Tư hôm 9/5. Ảnh: AP. |
Đến cuối ngày, Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), cơ quan điều hành các hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, cho rằng những phát biểu của ông Ghika là "trái ngược với những mối đe dọa được xác định" từ lực lượng do Iran hậu thuẫn ở khu vực. Cơ quan cũng cho biết liên quân ở Baghdad đã gia tăng mức độ sẵn sàng với tất cả binh sĩ ở Iraq và Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lên tiếng phủ nhận thông tin từ New York Times về việc chính quyền Mỹ có kế hoạch mới, gửi hơn 100.000 quân đến Trung Đông để đối phó Iran nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông gây thêm tranh cãi khi tuyên bố: "Liệu tôi có làm thế không? Chắc chắn rồi".
"Chúng tôi không có kế hoạch cho điều đó. Hy vọng là chúng tôi sẽ không phải lên kế hoạch cho điều đó. Nhưng nếu chúng tôi phải làm, chúng tôi sẽ gửi nhiều binh sĩ hơn thế", ông Trump phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng.
Tổng thống Trump phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 14/5. Ảnh: AP. |
Tại Nga, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận lập trường của ông Trump. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ông Pompeo cho biết: "Về cơ bản chúng tôi không mưu cầu chiến tranh với Iran".
Ông Lavrov cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải tập trung giải quyết vấn đề Iran bằng con đường ngoại giao, bao gồm cả vấn đề về chương trình hạt nhân của nước này, vốn đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2015.
Dù vậy tại châu Âu, một số đồng minh của Mỹ bày tỏ sự không đồng tình với cách tiếp cận hiếu chiến của Washington với Tehran.
"Chúng tôi quan ngại về nguy cơ một cuộc xung đột vô tình xảy ra, với mức độ leo thang không lường trước được ở cả hai bên, và kết thúc bằng một cuộc xung đột", Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt phát biểu trước các phóng viên tại Brussels, Bỉ.
"Những gì chúng ta cần là một giai đoạn bình tĩnh để đảm bảo tất cả hiểu được phía bên kia đang nghĩ gì", ông Hunt cho biết.