Phi công Jordan Muath al-Kaseasbe (trái) và Sajida al-Rishawi, một nữ tù nhân Iraq đang bị giam ở Jordan. Ảnh: AP |
Đêm 28/1 (giờ Hà Nội), chính phủ Jordan bất ngờ đề nghị trao đổi nữ tử tù người Iraq từng bị bắt sống sau chiến dịch đánh bom hàng loạt ở Jordan, để đổi tính mạng của một phi công Jordan mà Nhà nước Hồi giáo (IS) đang giam giữ, Reuters đưa tin.
"Jordan sẵn sàng thả tự do cho tù nhân Sajida al-Rishawi nếu IS tha mạng và phóng thích phi công Muath al-Kasaesbeh", người phát ngôn chính phủ Jordan, ông Mohammad al-Momani, nói. Cùng ngày, Ngoại trưởng Jordan, Nasser Judeh, yêu cầu IS phải cung cấp bằng chứng rằng con tin Kasaesbeh vẫn đang bình an, nhưng họ chưa nhận được phản hồi. Phi công Kasaesbeh bị phiến quân bắt khi máy bay do anh điều khiển rơi ở đông bắc Syria vào cuối tháng 12/2014, trong chiến dịch không kích IS ở Syria và Iraq.
Hãng tin AP nhận định vụ trao đổi tù binh giữa Jordan và IS không chỉ đi ngược lại với chính sách cứng rắn, không thỏa hiệp hoặc đàm phán khủng bố của Jordan mà còn của Mỹ, đồng minh chính của nước này. Qua đó, sự việc có thể đặt ra một tiền lệ về nhượng bộ và đàm phán với phiến quân IS vốn trước đây chưa hề đưa ra yêu cầu phóng thích con tin trong những vụ hành quyết vào năm 2014.
Tuy nhiên, Jordan đang phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận trong nước. Chính phủ nước này được yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho phi công Kasaesbeh và mang anh về nhà. Việc Jordan tham gia chiến dịch không kích quốc tế do Mỹ dẫn đầu để tiêu diệt IS cũng không được người dân nước này ủng hộ.
Nhà báo Kenji Goto bị phiến quân IS bắt làm con tin. Ảnh: IBTimes |
Các quan chức Jordan không đề cập gì đến con tin người Nhật Kenji Goto cũng đang bị IS cầm tù. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Yasuhide Nakayama, cho biết vụ trao đổi đã được các bên chấp thuận và con tin Goto sẽ được thả tự do "trong vài giờ tới", hãng tin RT đưa tin.
Tuy nhiên, báo Japan Times cho biết 3 quan chức cấp cao ở Tokyo tỏ ra hoài nghi về thông tin này. Một người nói: "Tình hình không hoàn toàn như vậy. Nhà nước Hồi giáo không phải là một tổ chức dễ dối phó".
Chính phủ Nhật Bản đang trải qua sức ép trong nước tương tự như Jordan. Ngày 28/1, mẹ của con tin Goto, bà Junko Ishido, đã cầu xin chính phủ hãy cứu mạng con trai của bà. Tối cùng ngày, khi thời hạn chót do phiến quân IS dọa sát hại Goto sắp đến gần, rất đông người dân tập trung trước Văn phòng Thủ tướng tại Tokyo hối thúc chính phủ đàm phán để Goto được sống sót trở về.
Người Nhật tuần hành trước Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo để thúc giục chính quyền nỗ lực giải cứu con tin Goto trong tay IS. Ảnh: AFP |
Vụ IS hành quyết con tin đầu năm 2015 là khủng hoảng ngoại giao lớn nhất của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012 đến nay. Quan điểm từ khi tranh cử của Thủ tướng Abe là thúc đẩy vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế, hợp tác trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Do vậy, báo Wall Street Journal chỉ ra rằng, nếu Thủ tướng Abe chấp nhận yêu sách của phiến quân IS sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Tokyo và Mỹ, đồng thời dấy lên hoài nghi về những cam kết của ông Abe.
Đại diện chính phủ Mỹ, đồng minh của cả Jordan và Nhật Bản, đã tỏ rõ quan điểm của Washington là không chấp nhận việc trao đổi tù binh. "Đáp ứng nhu cầu của những kẻ bắt cóc (để thả tù nhân) cũng giống như việc chấp nhận trả tiền chuộc, và điều này chính là sự nhượng bộ với phần tử khủng bố", bà Jen Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu.