Cảnh quay từ camera trực tiếp vào thời điểm trận động đất xảy ra cho thấy tòa tháp chọc trời hầu như không di chuyển. Ảnh: Wikipedia. |
Khi một trận động đất mạnh 7,4 độ richter làm rung chuyển Đài Loan hôm 3/4, người dân bên trong siêu tháp Taipei (Đài Bắc) 101 - một trong những tòa nhà cao nhất thế giới - đã được bảo vệ an toàn, nhờ một con lắc lớn màu vàng ở trung tâm giúp hấp thụ năng lượng địa chấn.
Được gọi là "bộ giảm chấn khối lượng", quả cầu thép nặng đến 730 tấn. Nó được dùng trong các tòa nhà cao tầng, giúp chúng ổn định trước các rung lắc khi có gió mạnh hay bão. Trong siêu tháp Taipei 101, quả cầu treo lơ lửng từ tầng 87 đến tầng 92 của tòa nhà. Nguyên nhân nó được đặt ở vị trí này là vì khi gió mạnh tấn công, các tầng trên cùng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Đây cũng là khối cầu giảm chấn lớn nhất trên thế giới. Bất cứ ai bên trong cũng có thể nhìn thấy quả cầu thép khổng lồ này. Nhờ đó, nó trở thành điểm thu hút du khách khi đến Đài Bắc.
Trên lý thuyết, quả cầu sẽ di chuyển qua lại trong các trận động đất hoặc bão để hấp thụ lực của các dao động dữ dội, theo website tòa tháp. Các kỹ sư phụ trách bộ giảm chấn khối lượng cho biết nó có thể hạn chế 40% rung chấn của tòa tháp, đồng thời giảm cảm giác buồn nôn của người bên trong.
Cảnh quay từ camera trực tiếp vào thời điểm trận động đất xảy ra cho thấy tòa tháp chọc trời hầu như không di chuyển. Trong khi đó, camera an ninh, được gắn trên một tòa nhà khác, lại rung lắc dữ dội.
Theo Washington Post, Taipei 101 từng là tòa tháp cao nhất thế giới khi hoàn thành xây dựng vào năm 2004. Giống với cái tên, tòa tháp cao 101 tầng, đạt chiều cao 508 m tính cả ngọn tháp.
Với 380 cây cọc được đóng sâu vào lòng đất, tòa nhà còn có khả năng phục hồi tốt hơn sau thiên tai. Cọc sâu nhất được đâm khoảng 30 mét vào nền đá. Theo mô tả của tòa nhà, quá trình này “tương tự như đóng đinh toàn bộ tòa nhà vào một mảng kiến tạo rắn”. Điện được cung cấp cho tòa nhà thông qua 2 trạm biến áp, giảm nguy cơ mất điện.
CCTV quay lại cảnh động đất ở Đài Loan. Ảnh: Washington Post. |
Những người lập kế hoạch thiết kế Taipei 101 cho biết tòa nhà có thể chịu được gió có tốc độ 216 km/h, cũng như các trận động đất lớn nhất trong chu kỳ 2.500 năm. Nhờ đó, Taipei 101 được xem là một trong những tòa nhà ổn định nhất từng được xây dựng.
Trước đó, năm 2015, cơn bão được cho là một trong những thiên tai lớn nhất thế giới đã càn quét Đài Loan. Nhưng một video trên trang web của Taipei 101 cho thấy quả cầu thép của tòa nhà chỉ rung chuyển nhẹ nhàng.
Năm 2002, khi tòa nhà đang được xây dựng, Đài Bắc cũng hứng chịu một trận động đất mạnh 6,8 độ richter. Song, sau khi kiểm tra, các chuyên gia kết luận tòa nhà không có thiệt hại về mặt cấu trúc.
Theo Washington Post, Đài Loan dễ gặp động đất vì nằm trong khu vực hoạt động địa chấn sôi động nhất thế giới, được gọi là Vành đai lửa. 9 người đã thiệt mạng và hơn 900 người bị thương trong trận động đất hôm 3/4. Đây cũng là trận động đất mạnh nhất tấn công hòn đảo này trong 25 năm. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter đã xảy ra ở miền trung Đài Loan vào năm 1999, giết chết hơn 2.400 người.
Trên thực tế, Taipei 101 không phải là tòa nhà duy nhất sử dụng hệ thống giảm chấn để ổn định khi động đất. Năm 1970, một lỗi thiết kế đã làm hỏng tòa nhà chọc trời ở New York, mặc dù nó có lắp đặt một bộ giảm chấn khối lượng và được coi là một thiết kế cấp tiến vào thời điểm đó. Kỹ sư của tòa nhà đã phải gấp rút giải quyết vấn đề khi mùa bão sắp tới.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.