Ngày 15/5, quán cà phê Monkey in Black khai trương chi nhánh mới trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM), khi quay lại hoạt động sau giai đoạn cách ly xã hội. Chỉ hơn 2 tháng sau, địa điểm này đã mang tên thương hiệu khác.
Doanh thu không đủ cầm cự giá thuê mặt bằng
Thời điểm sau giãn cách, mặt bằng này được sang nhượng với giá 250 triệu đồng. Chi phí thuê hàng tháng là 25 triệu đồng.
"Chi phí mặt bằng khi đó rất rẻ, tôi nghĩ sẽ là cơ hội lớn. Với năng lực của đội ngũ marketing, tôi tự tin sẽ kinh doanh tốt. Nhưng một thời gian sau, dịch bùng phát lần hai", ông Trần Thanh Tùng - người sáng lập Monkey in Black kể lại.
Chi nhánh đem về khoảng 30 triệu đồng lợi nhuận mỗi tháng. Tuy nhiên, xét chung hệ thống chuỗi cà phê này và một số lĩnh vực kinh doanh khác mà ông đồng thời sở hữu, tổng lợi nhuận không đáng kể. Trong khi đó, vị trí khá xa kèm rủi ro dịch bệnh có thể kéo dài gây lo ngại lớn.
Ông Trần Thanh Tùng quyết định đóng cửa chi nhánh này, chỉ sau 2 tháng hoạt động. "Chi phí sang nhượng tương đương, nhưng lúc đó chúng tôi đã đầu tư 100 triệu đồng rồi, nên coi như lỗ 100 triệu đồng trong vòng 2 tháng", ông chia sẻ.
Nhìn lại hoạt động kinh doanh từ đầu năm đến nay, ông cho biết "không kịp trở tay" với lần xuất hiện đột ngột của Covid-19 hồi cuối tháng 1. Doanh số gần như bằng 0, quán cà phê cầm cự nhờ lợi nhuận các mảng khác, như bán nước rửa tay. Khi dịch quay lại mới đây, kết quả kinh doanh giảm 70% so với giai đoạn bình thường.
Một cửa hàng ABC Bakery gần Ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TP.HCM) vừa đóng cửa. Ảnh: Chí Hùng. |
Dưới tác động của dịch bệnh, chuỗi cửa hàng bánh mì ABC Bakery cũng dừng hoạt động 4 chi nhánh. "Đó là những địa điểm vắng khách, và chủ nhà không đồng ý hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng, dù chỉ nửa đồng", bà Kao Huy Minh - đại diện doanh nghiệp - lý giải.
Đơn cử, một trong những mặt bằng đắt đỏ nhất là cửa hàng nằm trên đường Đề Thám (quận 1, TP.HCM), với giá thuê hơn 100 triệu đồng/tháng. Khi khu vực "phố Tây" không còn khách du lịch, con số doanh thu ít ỏi không thể đảm đương khoản phí này.
Nhìn chung, tình trạng trả mặt bằng F&B diễn ra hàng loạt trên nhiều địa bàn tại TP.HCM, tiêu biểu là các khu vực đông người nước ngoài như Phú Mỹ Hưng (quận 7), Lê Thánh Tôn, Bùi Viện (quận 1). Thậm chí, những nơi vốn được xem là "thiên đường ẩm thực" như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) nay cũng xuất hiện chi chít bảng thông báo sang nhượng mặt bằng.
Trái với một số trường hợp cá biệt, khó thương lượng với chủ nhà như ABC Bakery, không ít mặt bằng hiện đã giảm 10-20% giá thuê, nhưng hơn 6 tháng qua vẫn chưa tìm được khách thuê mới.
Một căn nhà 2 mặt tiền trên đường Lê Thị Riêng (quận 1) từng được thuê để kinh doanh trà sữa đã vắng khách thuê từ đợt dịch thứ nhất. Nhiều người đến xem ở mức giá 6.000 USD/tháng nhưng chưa chốt thuê lại. Sau này, chủ nhà đồng ý giảm giá còn 5.500 USD/tháng nhưng dịch bùng phát trở lại khiến mặt bằng tiếp tục bị bỏ trống.
Chủ mặt bằng - khách thuê là quan hệ đối tác
Chia sẻ với Zing, ông Hoàng Tùng - CEO chuỗi Pizza Home cho rằng quá trình thương lượng chi phí mặt bằng cần dựa trên mối quan hệ đối tác giữa chủ mặt bằng và khách thuê, hoàn toàn không phải xin - cho.
"Xác định được điều này thì việc yêu cầu hỗ trợ là hết sức bình thường, và những chủ nhà hiểu chuyện cũng sẵn sàng giảm giá thuê từ 30-100%. Chúng tôi được một số chủ nhà miễn phí 3 tháng và giảm 50% giá thuê cho đến hết năm nay. Tôi rất biết ơn và xem họ là đối tác gắn bó lâu dài", ông chia sẻ.
Giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Pizza Home trả lại những mặt bằng kinh doanh không tốt và không được giảm giá thuê, đồng thời chấp nhận mất tiền cọc cũng như chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, song song đó, chuỗi tìm kiếm địa điểm thay thế.
Tổng kết lại, Covid-19 buộc doanh nghiệp trả lại và cho ngủ đông 8 mặt bằng trong số 16 điểm bán ban đầu. Nhưng đến nay, chuỗi đã mở lại 9 cửa hàng mới và dự tính khai trương thêm 3 cơ sở trong thời gian tới.
Cũng may mắn gặp được chủ nhà biết sẻ chia, ông Bùi Tú - chủ thương hiệu Tibon Milktea cho biết vừa tìm được một mặt bằng ưng ý trong hẻm Công Trường Quốc Tế (quận 3) hồi cuối tháng 7. Mức giá thuê ban đầu là 25 triệu đồng/tháng, nhưng ông được chủ nhà đồng ý giảm còn 15 triệu đồng trong 5 tháng đầu kinh doanh, và 20 triệu đồng cho 7 tháng sau đó.
"Phải nghỉ bán 2-3 tháng do đợt dịch đầu năm, tôi rất nản, nghĩ sẽ khó quay lại kinh doanh. Nhưng đến đợt dịch thứ 2, tôi nhận thấy xu hướng trả mặt bằng nhiều hơn nên tìm cách tận dụng. Tôi tin nhu cầu ăn uống luôn có, bất chấp dịch bệnh, vậy nên các quán khác đóng cửa sẽ là cơ hội về cả lượng khách lẫn mặt bằng giá rẻ", ông nói.
Thực tế, cửa hàng này vẫn thu hút lượng lớn khách hàng trong giai đoạn khó khăn chung của ngành F&B.
Chủ mặt bằng và khách thuê là đối tác, do đó cần thương lượng trên cơ sở cân bằng lợi ích đôi bên. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Theo ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Marketing của The Coffee House, một trong những cách để giúp cân bằng lợi ích giữa chủ mặt bằng và khách thuê trong thời điểm này là chính sách hỗ trợ chủ mặt bằng từ phía Chính phủ. Khi đó, chủ mặt bằng sẽ có cơ sở để chia sẻ khó khăn với khách thuê.
Tuy nhiên, sau cùng, mỗi doanh nghiệp đều cần tự nỗ lực, có thể bằng cách thay đổi chiến lược kinh doanh để không phụ thuộc quá nhiều vào mặt bằng, hoặc tận dụng mặt bằng hiệu quả hơn.
Tại Pizza Home, ông Hoàng Tùng cho biết đang kết hợp với một số nhãn hàng khác để san sẻ mặt bằng nhằm cắt giảm chi phí thuê. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động đổi mới sản phẩm và dịch chuyển phân phối qua các nền tảng vận chuyển như GrabFood, GoFood, Baemin, Now và Loship.
"Tháng 8 chắc chắn lỗ, nhưng tôi tin tháng 9 có thể khôi phục lại khi người dân quen hơn với cuộc sống bình thường mới. Tôi vẫn lạc quan với tình hình sắp tới, bởi rủi ro luôn đi kèm với cơ hội", ông Trần Thanh Tùng nhận định.