Xuất hiện trước camera, Marie Kondo trông rất gọn gàng. Ánh nắng từ thành phố Los Angeles chiếu xuyên qua cửa sổ căn hộ cô.
Ngược lại, Jacobs, nhà báo của Financial Times, nói rằng cô ở trong phòng ngủ của con gái và bị bao quanh với các vật dụng in hình Harry Potter.
“Chuyên gia dọn dẹp” 35 tuổi vẫn lịch sự. “Đó là nhà riêng, không gian riêng của cô mà”, Kondo nói về đống lộn xộn sau lưng Jacobs qua người phiên dịch. Tuy nhiên, cô Kondo cũng gợi ý rằng cô phóng viên có thể sử dụng thời gian cách ly xã hội để thử phương pháp sắp xếp KonMari của cô.
Phương pháp này khuyến khích mọi người không dọn dẹp từng phòng vì điều này sẽ đảo lộn các đồ vật. Thay vào đó, chúng ta nên sắp xếp theo danh mục như sách, đồ dùng vệ sinh, vật kỷ niệm và chỉ giữ lại những đồ vật đem lại niềm vui.
“Tôi có cảm giác mơ hồ rằng đây là lúc mọi người sẽ muốn dọn dẹp nhà cửa”, Kondo nói. “Bạn nên đi dọn dẹp nếu cảm giác này ngày càng lớn”.
Chuyên gia dọn dẹp Marie Kondo. Ảnh: AP. |
Kondo đã gây chú ý trên toàn thế giới vào năm 2011 với cuốn sách The Magic-Change Magic of Tidying Up (tạm dịch Phép màu thay đổi cuộc sống từ việc dọn dẹp. Năm ngoái, Kondo đã trở thành một ngôi sao truyền hình với chương trình thực tế Tidying Up With Marie Kondo (Dọn nhà cùng Marie Kondo) trên Netflix.
Và năm nay, cô sẽ tiếp tục ra mắt chương trình Sparking Joy with Marie Kondo (Tạo niềm vui cùng Marie Kondo).
Phương pháp dọn dẹp này bắt nguồn từ đạo Shinto (Thần đạo). Việc dọn dẹp và tìm những đồ vật tạo niềm vui nên được xem là một hình thức thiền chánh niệm hơn là dọn dẹp để có phong cách sống tối giản.
Lập lại trật tự cho công việc của bạn
Trong cuốn sách mới nhất Joy at Work (tạm dịch Niềm vui trong công việc) mà cô đồng tác giả với nhà tâm lý học tổ chức và giáo sư quản lý tại Đại học Rice, ông Scott Sonenshein, Marie Kondo chuyển sự chú ý của mình sang vấn đề công việc.
“Bạn có tự hỏi mình cuộc sống chỉ như vậy thôi sao không?”, họ viết trong cuốn sách. “Chỉ làm những việc trong danh sách? Có cách nào để lập lại trật tự cho công việc, sự nghiệp, cuộc sống của tôi không?”
Giải pháp tất nhiên là dọn dẹp.
“Tôi khuyên bạn nên bắt đầu với những bước nhỏ”, cô Kondo nói với phóng viên của Financial Times trong cuộc gọi video. “Việc dọn dẹp môi trường xung quanh cũng rất có ích”.
Marie Kondo vừa cho ra mắt quyển sách mới nhất - Joy at work - vào ngày 7/4. Ảnh: KonMari Media. |
Cô Kondo không chỉ nói về việc dọn dẹp các đồ vật ở không gian làm việc. Dữ liệu điện tử, các liên hệ, các việc làm cần ưu tiên cũng là thứ cần sắp xếp.
Trong bối cảnh virus corona lan rộng khắp thế giới ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và công việc của hàng triệu người, dường như không thích hợp khi yêu cầu mọi người tìm niềm vui trong công việc. Nhiều người sẽ cảm thấy mình may mắn vì vẫn giữ được việc làm và nhiều người đang mạo hiểm sức khỏe của mình để trang trải cuộc sống.
Giáo sư Sonenshein khẳng định rằng cuốn sách vẫn áp dụng được trong thời điểm này.
“Người ta đang cố gắng hoàn thành công việc trong khi không biết tương lai thế nào. Họ cũng phải kết hợp chuyện đi làm và chăm con. Mọi người đang phải đối mặt với nhu cầu chưa từng có. Vì vậy, chúng ta cần phải phân loại công việc cần làm”, ông Sonenshein nói với Emma Jacobs.
Ông Sonenshein cũng chỉ ra khoảng thời gian đầy biến động này cũng giúp chúng ta làm rõ nhiều thứ. “Mặc dù đây là thời điểm khó khăn, không có nghĩa là chúng ta không được tìm niềm vui trong công việc”.
Ông cũng nói khủng hoảng là lúc mọi người suy nghĩ lại về “điều chúng ta thực sự muốn làm. Con người làm việc như những chiếc máy tự động. Đây là lúc chúng ta nên nghĩ liệu công việc này có đem lại niềm vui hay không. Mọi người sẽ dành thời gian cho nhiều sáng kiến và thiết lập lại mục tiêu trong công việc và cuộc sống”.
Tìm ý nghĩa của công việc
Tìm niềm vui trong công việc về cơ bản là tìm thấy ý nghĩa của công việc đó. “Hai người khác nhau sẽ không thấy niềm vui trong cùng một công việc. Đó là cảm giác hài lòng bạn có được từ công việc đang làm. Người trẻ hiểu điều này tốt hơn các thế hệ đi trước. Bạn phải tự hỏi mình một cách trung thực điều gì là có giá trị với bạn và mục tiêu cá nhân của bạn là gì. Khi bạn đạt được những thứ này, bạn sẽ có niềm vui”, ông Sonenshein chia sẻ.
Điều này rất quan trọng vì chúng ta đa phần đang làm việc từ xa và không thể gặp đồng nghiệp để thể hiện sự công nhận.
Trước khi nhận lời cộng tác, ông Sonenshein muốn thử các phương pháp dọn dẹp của cô Kondo.
“Tôi quyết định dọn dẹp văn phòng của tôi. Tôi đã có 400-500 cuốn sách. Tôi để toàn bộ chúng xuống sàn, cầm lên từng cuốn một và nghĩ cuốn sách này có đem đến niềm vui không? Có rất nhiều sách tôi giữ lại từ hồi ở trường đại học và giờ tôi không cần chúng nữa. Tôi đã ném đi khoảng một nửa số sách này”, ông Sonenshein chia sẻ.
Việc dọn dẹp cũng giúp chúng ta tìm niềm vui trong công việc. Ảnh: KonMari Media. |
“Văn phòng tôi trở nên gọn gàng. Sự thay đổi thật đáng ngạc nhiên. Tôi biết cuốn sách nào nằm ở đâu và tôi tập trung tốt hơn. Tôi cũng kiểm soát công việc tốt hơn. Việc dọn dẹp không chỉ đem lại tác dụng về môi trường”, ông nói.
“Thời gian dọn dẹp là rất quan trọng. Đây là cách hiệu quả để chúng ta kiểm soát cuộc sống. Một phần của việc dọn dẹp đem lại niềm vui nhưng một món quà khác của nó là đem lại sự kiểm soát với môi trường mà ta cảm thấy không kiểm soát được”, ông Sonenshein nói.
Nhưng việc tập trung rất khó với những người đang ở trong khủng hoảng và họ cũng phải hoàn thành trách nhiệm chăm sóc gia đình. Về việc này, ông Sonenshein nói: “Bạn cần thật sự tập trung lúc bạn làm việc. Chúng ta rất dễ bị xao nhãng”.
Với cô Kondo, cô và chồng - người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của công ty KonMari Media - trao đổi vào đầu ngày. Họ thảo luận về những việc ưu tiên và xác định khi nào là thời gian họp và khi nào chăm con.
“Tôi cố gắng dành thời gian riêng cho gia đình và công việc”, cô Kondo cho biết. Tất nhiên, họ cũng thuê bảo mẫu.
Ông Sonenshein nói rằng việc cân bằng nhu cầu của trẻ em và vợ hoặc chồng tại nhà mang lại căng thẳng là “điều tự nhiên”.
“Đây là lúc thời gian bạn có và khả năng của bạn được đưa lên bàn đàm phán”, ông nói.
Ông cũng khuyến khích mọi người nói chuyện với cấp trên và đồng nghiệp. “Hãy cho họ biết bạn đang phải dành thời gian cho việc nào và yêu cầu họ hỗ trợ cũng như chỉ ra đâu là thứ cần làm ngay trong cuộc khủng hoảng này và thứ nào có thể thực hiện sau. Bạn cũng cần làm rõ công việc nào có ràng buộc thời gian và thời hạn hoàn thành công việc đó linh hoạt như thế nào”, ông Sonenshein nói.