Được gọi lên đội Olympic (U23) khi mới 12 tuổi, đổi tên để tiếp tục chơi cho đội trẻ hay những con số phi logic trên giấy khai sinh là bằng chứng cho tình trạng gian lận tuổi ở Iraq. Những vụ scandal như thế cứ tiếp diễn trong thời gian dài và trở thành vết nhơ khó gột rửa trong lịch sử bóng đá nước này.
Cha ruột sinh con khi đã qua đời?
Năm 2005, thủ môn Mohammed Hameed Farhan được HLV đội Olympic Iraq Yahya Alwan triệu tập lên thành phần U23. Khi ấy, anh mới 12 tuổi. Mấy ai tin được một cầu thủ ở tuổi đó lại được gọi lên đội U23 quốc gia? Đó chưa phải câu chuyện kỳ lạ nhất về nghi án gian lận tuổi của bóng đá trẻ Iraq.
Thủ môn Farhan của Iraq từng dính nghi án gian lận tuổi. |
Tài liệu của Nilesports chỉ ra một thành viên trong đội Iraq được sinh năm 1993, nhưng cha ruột trên giấy khai sinh của anh này lại qua đời từ cách đó 3 năm.
Để tiếp tục chơi cho những đội trẻ, một số cầu thủ không ngại thay đổi tên họ. Năm 2011, cầu thủ trẻ hay nhất châu Á Mohannad Abdul-Rahman quyết định đổi tên thành Mohannad Abdul-Rahim. Lý do vì tiền đạo này muốn gia nhập vào đội trẻ và chơi cùng lứa cầu thủ sinh năm 1992, 1993.
Ngoài ra, một số cầu thủ tên tuổi của bóng đá Iraq như Mustafa Nadhim, Saif Salman, Jawad Kadhim... từng bị tố cáo gian lận tuổi khi giấy khai sinh chỉ ra họ đá ở giải Vô địch quốc gia lúc mới 15 hay 16 tuổi.
Đội trẻ Iraq trong quá khứ gặt hái những thành tựu to lớn ở đấu trường khu vực. Thế hệ vô địch giải U20 châu Á năm 2000 được xem là lứa tốt nhất Iraq sản sinh với nhiều gương mặt như Nour Sabri, Bassim Abbas và Nashat Akram. Họ giành hạng 4 Olympic Athens 2004 và đăng quang Asian Cup 2007.
Tài liệu chỉ ra một số gương mặt trong đội trẻ Iraq dự giải U20 World Cup 2013 có ngày sinh rất đáng hoài nghi. |
Song, đại diện Tây Á lại nhiều lần dính vào nghi án gian lận tuổi. Tại U20 World Cup 2001, sau khi hạ Canada 3-0 ở vòng bảng, nhiều cầu thủ Iraq bị đối thủ nghi ngờ gian lận tuổi vì quá già. Ngoài ra, việc số đông thành viên của họ có ngày sinh 1/7 trong lý lịch cũng dấy lên những nghi vấn ăn gian tuổi.
Tình trạng gian lận tuổi trong bóng đá trẻ Iraq được cho rằng xuất phát từ năm 1975. Rồi khi Uday Hussein, con trai cố Tổng thống Saddam Hussein, ngồi ghế Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này vào năm 1988, ông còn tạo điều kiện cho những cầu thủ quá tuổi gian lận ở các sân chơi lớn.
Chiêu trò này diễn ra nhiều năm liền và chỉ đến khi thủ thành Emad Hashim bị phát hiện gian lận tuổi vì có hai ngày sinh khác nhau trong lúc dự Olympic và vòng chung kết U20 World Cup, ánh sáng mới được phơi bày. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã yêu cầu một lời giải thích từ LĐBĐ Iraq, tuy nhiên đã không có câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra.
Kết quả khiến đại diện Tây Á bị cấm tham dự các giải trẻ sau đó. Và một chi tiết đáng lưu ý khác, thủ quân đội Iraq vào thời điểm dự Olympic và U20 World Cup thực chất sinh năm 1965, tức đã 24 tuổi, trong khi giấy tờ lại ghi năm sinh là 1969. Vết nhơ từ scandal gian lận tuổi ở bóng đá Iraq không có dấu hiệu dừng lại tới sau này.
Tại giải U23 châu Á, các cầu thủ Iraq sẽ chạm trán Việt Nam ở tứ kết. |
Năm 2008, Iraq cùng CHDCND Triều Tiên và Tajikistan bị Liên đoàn bóng đá châu Á loại khỏi giải U16 châu Á vì sử dụng cầu thủ trên tuổi quy định. Gần nhất vào tháng 9/2012, 9 thành viên trong đội trẻ Iraq không thể lên máy bay tới Amman dự giải giao hữu vì làm giả hộ chiếu, trong đó họ toàn thay đổi năm sinh.
AFC bất lực trước tình trạng gian lận tuổi?
Tại giải U23 châu Á 2018 đang diễn ra ở Trung Quốc, truyền thông Australia bày tỏ sự hoài nghi về một số cầu thủ U23 Syria có dấu hiệu gian lận tuổi. Theo đó, thành phần đội tuyển này xuất hiện 8 gương mặt sinh ngày 1/1/1995, một sự trùng hợp rất khó hiểu. Sự việc trên cũng được thông báo đến AFC.
Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá châu Á cho biết chỉ có thể xác minh tuổi tác cầu thủ dự giải qua công văn được Liên đoàn bóng đá ở quốc gia đó gửi tới. Ngoài ra, họ chỉ biết tin vào độ xác thực của chính phủ những quốc gia có đội tuyển dự giải.
Trước truyền thông, người đại diện của AFC giải thích vấn đề xác minh tuổi tác cầu thủ rất phức tạp vì điều luật ở một số quốc gia. Song, Liên đoàn luôn nỗ lực làm mọi cách để giữ tính minh bạch, từ đó tạo ra công bằng cho giải đấu.
Ở Syria, rất nhiều người chọn ngày sinh 1/1, đặc biệt với những ai sinh sống ở các khu vực hẻo lánh vốn không câu nệ chuyện giấy tờ. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng sử dụng 1/1 như ngày khai sinh hợp pháp cho dân tị nạn Syria lạc mất giấy tờ hoặc không nhớ ngày sinh.
Trong khi đó, chính quyền Iraq cũng chưa có những động thái điều tra quyết liệt vấn đề gian lận tuổi trong thi đấu bóng đá. Từ thực tế trên, dễ nhận thấy tình trạng ăn gian tuổi ở những sân chơi bóng đá trẻ sẽ tiếp tục trở thành vấn đề nhức nhối với không chỉ riêng các đội dự giải, mà cả với Ban tổ chức.