Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước với các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
10 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bổ sung quy định quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội
Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết lần này đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính chặt chẽ, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ khóa XIV.
Theo đó, đại biểu Quốc hội phải là người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ảnh: Hải Quân. |
Ngoài ra, luật lần này cũng tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% trong tổng số đại biểu. “Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa XV sắp tới”, ông Giang nói và kỳ vọng quy định này sẽ tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đặc biệt, điểm mới đáng chú ý của luật này là việc đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng được đổi tên thành Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, còn Ủy ban về các vấn đề xã hội đổi thành Ủy ban Xã hội.
Việc đổi tên 2 Ủy ban này để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan.
Thêm tổ chức công lập giám định kỹ thuật hình sự
Giới thiệu luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề cập một trong những điểm mới của luật là quy định thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.
Theo ông Tịnh, việc này để góp phần đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.
Luật lần này cũng bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định, nhằm bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Cụ thể, Điều 23 của luật bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân hoặc người thân của họ; quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…
Sáng nay, giới thiệu về Luật Thanh niên 2020, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh lần này luật không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.
Quy định này làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, luật dành một điều quy định tháng 3 hàng năm là Tháng thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên.
Luật cũng dành một điều quy định việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thự tiễn đặt ra để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên…
Các luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.