Thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên làm việc sáng 13/5 là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại phiên làm việc này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019.
Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dự Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án.
Đảng đoàn Quốc hội cũng đã hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị này. Theo đó, đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Từ đó đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.
Theo Tổng bí thư, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử. Đặc biệt, cần chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng.
Cùng với đó, lưu ý về số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử…