Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thảo luận trực tuyến sáng 26/5 với nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đồng tình với quy định cần ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, ông đề nghị nghiên cứu quy định trong luật dành tỷ lệ ít nhất là 5% cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Những người này hội tụ đủ các điều kiện về sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực công tác và uy tín để tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Quốc hội.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cho rằng việc có ít nhất 40% đại biểu chuyên trách sẽ giúp tăng tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn. |
Mặt khác, ông Hoà đề nghị nghiên cứu giảm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, công an, quân sự để tăng đại biểu chuyên trách ở Trung ương, địa phương. Tỷ lệ cần thiết tối đa là 5% cho chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, năng lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
“Những người này không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đề nghị tuổi không quá 60 để đảm bảo sức khỏe hoạt động đủ một nhiệm kỳ”, ông Hoà đề xuất.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đồng tình quan điểm này. Ông Bình thậm chí muốn nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức trên 50%.
Qua nghiên cứu, tổ chức hoạt động của nghị viện các nước, ông Bình cho biết đa số hoạt động chuyên nghiệp, tất cả nghị sĩ đều hoạt động chuyên trách và tỷ lệ này góp phần giúp cho hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đánh giá quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách là điểm nhấn, điểm mới, nữ đại biểu Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa lại thấy “đáng tiếc” khi quy định về đại biểu Quốc hội là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu… chưa được đưa vào trong dự thảo luật lần này.
Theo bà Hoa, việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất từ 35% lên 40% thực sự là một cơ hội tốt nhưng việc ấn định tỷ lệ đại biểu Quốc hội là chuyên gia, các nhà khoa học thực sự rất khó.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng dù 100% đại biểu Quốc hội là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng sẽ không bảo đảm được thực chất, thực quyền. Ảnh: quochoi.vn. |
Tranh luận lại luồng ý kiến trên, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) có quan điểm khác.
Theo ông, đại biểu Quốc hội là chính trị gia. Là chính trị gia thì phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực Nhà nước, nguyên lý vận hành của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách.
“Nếu đại biểu Quốc hội là chuyên gia am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất, đó là Quốc hội”, ông Vân nói.
Đề cập đến tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội, ông Vân cho rằng không nên chú trọng đến số lượng vì “dù 100% đại biểu Quốc hội là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng sẽ không bảo đảm được thực chất, thực quyền”.