Sáng 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ cấu đại biểu Quốc hội, tỷ lệ đại biểu chuyên trách hoạt động trong cơ quan lập pháp này.
Đề xuất tăng đại biểu chuyên trách lên 200 người
Trình bày báo cáo tóm tắt về nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết hiện còn 2 phương án đề xuất về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Toàn cảnh một kỳ họp Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phương án 1 là giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội (khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Phương án 2 quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội (khoảng 200 đại biểu).
Thường trực Ủy ban Pháp luật và ban soạn thảo tán thành phương án 1 nhưng vẫn xin trình cả 2 phương án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
100 đại biểu chuyên trách ở Trung ương trách nhiệm rất nặng nề
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết mục tiêu đạt 40% số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là điều mong muốn và được bàn từ Đại hội XI.
Bà đề xuất có cơ chế thu hút chuyên gia từng công tác tại các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành. “Họ không giữ chức vụ gì cả, chỉ làm đại biểu Quốc hội thôi. Như vậy sẽ thu hút chất xám và kinh nghiệm công tác, trí tuệ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của Quốc hội”, bà Phòng nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh: Quochoi.vn. |
Bà cũng đề nghị cùng với việc ghi 40% đại biểu chuyên trách vào luật, nên ghi rõ 3-5% dành cho các chuyên gia và những người có kinh nghiệm.
Trước đó, báo cáo về cơ cấu đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị có chính sách thu hút cán bộ, công chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Đồng thời, không khống chế độ tuổi tối đa của đại biểu; hoặc kéo dài tuổi làm việc của đại biểu chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động.
Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nhận định đây là một đề xuất có tính tích cực cao, cần được xem xét.
Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng) cũng nhất trí với phương án nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%.
“Nếu tính 35% nhưng hết 60 đồng chí ở địa phương, còn Trung ương có 100 đồng chí mà gánh phần việc lập pháp của Trung ương thì thực sự rất nặng nề”, ông Bình lý giải cho lựa chọn của mình.
Về chính sách dành cho đại biểu chuyên trách, ông Bình đề nghị hệ số lương sẽ không nằm trong hệ thống lương của công chức mà “ăn lương Quốc hội”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế tỷ lệ 35% đại biểu Quốc hội quy định trong luật hiện hành nhưng “chưa bao giờ đạt được mức này”. Thậm chí như khóa vừa rồi, do nhiều đại biểu Quốc hội bị kỷ luật nên số lượng đại biểu giảm xuống, chia ra vẫn chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 35% đại biểu Quốc hội chuyên trách.
“Mức 35% đã là tốt rồi. Bây giờ ghi cao hơn nữa thì tôi nghĩ khó đạt được lắm”, ông Phúc nêu quan điểm.