Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại trước công tác quản lý và xử lý các sai phạm trong xây dựng.
Sai phạm không biết gắn trách nhiệm cho ai
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự luật chưa đề cập là sự tồn tại đến thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, cùng nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: Hải Quân. |
Ông Nhân nhắc đến hai báo cáo giám sát về công tác phòng cháy chữa cháy đã dẫn ra những con số sai phạm với hàng nghìn công trình có nguy hiểm về cháy nổ, được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
"Với quy định chặt chẽ mà có những sai phạm phổ biến như vậy thì cần phải tìm nguyên nhân từ đâu. Nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, không vi phạm điều cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng, vì sao sai phạm vẫn xảy ra?", ông Nhân đặt câu hỏi.
Đại biểu tỉnh Bình Dương cũng băn khoăn: Nguyên tắc quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng nghìn chung cư sai phạm…
Ông cũng dẫn chứng vụ mới đây nhất khi xe container kéo sập cầu đường bộ ở TP.HCM, mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế.
Đại biểu Quốc hội cho rằng tòa HH Linh Đàm đang thách thức dư luận và thể chế. Ảnh: Việt Linh. |
"Như vậy, khi thẩm định dự án thì cán bộ, công chức có trách nhiệm thẩm định thế nào? Thẩm định, phê duyệt cái gì khi không có hồ sơ? Rõ ràng, thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng”, ông Nhân nói.
Đặc biệt, đại biểu Nhân băn khoăn khi các điều khoản trách nhiệm của Luật Xây dựng lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm được chỉ ra.
"Tôi bị ném đá vì đề xuất cấm đỗ xe dưới tầng hầm"
Câu chuyện này được Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương nhắc đến trong phần phát biểu của mình.
Ông Phương góp ý về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng, đề nghị bổ sung quy định đảm bảo tuyệt đối công tác PCCC, không để các sự cố xảy ra, đặc biệt các khu chung cư cao tầng đã được phê duyệt, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cần rà soát, bổ sung, hạn chế cháy nổ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: Hải Quân. |
Với các dự án mới, tùy theo từng công trình, ông Phương cho rằng nên khuyến khích có khu đỗ, đậu xe riêng, đặc biệt với khu chung cư cao tầng không quy hoạch bãi đỗ xe ở tầng ngầm. Lộ trình thực hiện đề nghị do Chính phủ quy định.
Đại biểu Quảng Bình cũng nhắc lại trước đó, ông đã đề cập nội dung này khi thảo luận về báo cáo giám sát công tác PCCC, song do truyền đạt nên nhiều người dân đã phản ứng, thậm chí ném đá ông.
“Tôi chỉ yêu cầu nếu sửa đổi quy hoạch phải quan tâm vấn đề đó chứ không phải cấm ngay việc này. Vì thực tế với những tòa chung cư cao tầng, đến 40 tầng, việc để ôtô dưới tầng hầm mà xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm”, ông Phương nhấn mạnh.
Trước đề xuất này của đại biểu Phương tại phiên thảo luận ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu về việc có sử dụng tầng hầm làm chỗ đỗ xe nữa hay không. Tổ hợp lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gọn để dễ tra cứu, dễ áp dụng, đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm PCCC nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Ông nhấn mạnh quan điểm là ưu tiên PCCC, vì tính mạng, tài sản của con người là trên hết.