Đội quân phản ứng nhanh toàn cầu của CIA
Lực lượng GRS chủ yếu là các nhân viên hợp đồng được tuyển mộ từ cựu binh các đơn vị biệt kích hoặc đặc nhiệm trong quân đội Mỹ.
Trong vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi (Libya) vào ngày 11/9/2012 làm chết Đại sứ Christopher Stevens, những kẻ khủng bố chuẩn bị thực hiện vụ tấn công thứ 2 nhưng đã bị các nhân viên an ninh tuyệt mật của CIA ngăn chặn. Vụ việc đã làm hé lộ những thông tin đầu tiên về một lực lượng bảo vệ phản ứng nhanh được CIA tung ra khắp thế giới nhằm bảo vệ các mục tiêu, lợi ích ngoại giao của nước Mỹ. Lực lượng này có tên gọi là Đội phản ứng nhanh toàn cầu (Global Response Staff - GRS).
GRS ra đời từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Đơn vị này hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật, có nhiệm vụ huấn luyện các toán an ninh (đa số là thuê theo hợp đồng) chuyên hoạt động dưới các vỏ bọc khác nhau, tương tự như những điệp viên thực thụ, có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo đảm an toàn cho các sĩ quan tình báo của CIA tại các điểm chốt tiền tiêu nhiều rủi ro ở Yemen, Liban, Djibouti, Libya, Pakistan,… cùng các cơ quan tình báo khác như NSA (tình báo nghe lén của Mỹ).
Đa số khi đến GRS, những nhân viên này đã có sẵn kỹ năng sử dụng súng chiến đấu, nhờ thế CIA cũng không cần phải huấn luyện nhiều về các kỹ năng chiến đấu mà chủ yếu là kỹ năng hoạt động như một điệp viên ngầm, như cách thức để tránh gây chú ý nơi công cộng hoặc trên đất đối phương. Khi tác chiến, các nhân viên GRS luôn đi kèm bên cạnh các điệp viên ngầm của CIA để bảo vệ.
Theo các cựu nhân viên CIA, hiện tại bất cứ lúc nào GRS cũng có khoảng 125 nhân sự hoạt động trên khắp toàn cầu, cùng với ngần ấy nhân sự trong các khóa huấn luyện để luân phiên nhau làm nhiệm vụ. Khoảng một nửa trong số nhân viên trên là người ký hợp đồng thuê, và họ thường được trả lương khoảng 140.000 USD/năm hoặc hơn, và thường phải phục vụ một tua khoảng 3 hoặc 4 tháng ở nước ngoài, có thể được nghỉ phép nhiều tháng, nhưng khi có nhiệm vụ mới là phải lập tức có mặt. Trong khi đó, các nhân viên biên chế lâu dài của CIA phục vụ trong GRS được trả lương ít hơn nhưng bù lại được hưởng những khoản phụ cấp, bổng lộc ngoài lương và được đảm nhiệm các vị trí quản lý.
Sức hấp dẫn từ mức lương tương đối cao là lý do khiến nhiều cựu binh thay vì nghỉ ngơi cùng gia đình đã chấp nhận mạo hiểm để đến những điểm nóng an ninh với sự có mặt của CIA. Họ thường xuyên đối mặt với nguy hiểm và sẵn sàng chiến đấu để tự bảo vệ tính mạng của mình, vì nếu bị thương vong, chính họ phải tự lo liệu các khoản chi phí. CIA không hỗ trợ nhân viên hợp đồng các khoản chi phí y tế, cũng như các chế độ nuôi dưỡng cô nhi mà các điệp viên, sĩ quan, nhân viên chính thức được hưởng, mà chỉ có khoản hỗ trợ nhỏ nhoi là phí mai táng trị giá 5.000 USD.
Raymond Davis (phải) - một điệp viên thuộc lực lượng GRS của CIA từng bị bắt vì giết chết 2 người Pakistan có vũ trang. |
Có nhiều người tham gia trong các đơn vị GRS đã bỏ mạng khi thi hành nhiệm vụ. Trong vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, ngoài Đại sứ Stevens, 2 trong số 3 nạn nhân còn lại là nhân viên thuộc đội quân GRS. Năm 2009 đánh dấu sự kiện gây chú ý nhất về những cái chết khi đang làm nhiệm vụ của các nhân viên an ninh GRS và điệp viên ngầm của CIA ở nước ngoài. Đó là vụ tấn công của một điệp viên 2 mang người Jordan làm chết 7 điệp viên CIA tại một tiền đồn ở tỉnh Khost, Afghanistan. Tính từ đó đến ngày 31/12/2012, đã có tổng cộng 14 nhân viên CIA bị giết chết, trong đó có 5 người thuộc lực lượng GRS.
Raymond Davis là một nhân viên an ninh GRS điển hình hoạt động theo hợp đồng với CIA tại Pakistan. Trong vụ việc bị bắt hồi đầu năm 2012, Davis được cho là đã dùng súng bắn chết 2 người Pakistan mà ông ta cho là cướp có vũ trang. Câu chuyện thực tế được kể lại theo nhiều cách khác nhau, nhưng chung quy là Davis khi đó đang thực hiện một nhiệm vụ do CIA giao phó, nhưng trên đường thi hành thì bị đối phương "bám đuôi". Khi rơi vào thế kẹt, Davis đã nổ súng hòng thoát thân nhưng đã bị bắt ngay lập tức.
Vụ việc đó làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa 2 nước đồng minh Mỹ và Pakistan, khiến CIA rốt cuộc phải chịu chi trả tiền bồi thường cho gia đình 2 nạn nhân, đồng thời chấp nhận tạm ngưng chương trình máy bay không người lái một thời gian để đổi lấy tự do cho Davis.
Sau sự cố Raymond Davis, CIA bị dư luận chỉ trích gay gắt. Tuy nhiên, vụ việc khủng bố tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi đã phần nào cứu vớt lại danh dự nhờ toán GRS tại Libya đã kịp thời hành động để giải cứu những người còn sống sót tránh khỏi đợt tấn công thứ hai.
Vai trò ngày càng tăng của GRS trong các hoạt động an ninh toàn cầu của CIA phản ánh một phần trong toàn bộ kế hoạch mở rộng quân sự hóa CIA trong 10 năm qua. Đồng thời, nó cũng phản ánh một thực tế là CIA và các cơ quan tình báo, an ninh Mỹ nói chung, đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào các lực lượng an ninh đánh thuê theo hợp đồng. Nó làm thay đổi nhiều trong cách thức tiến hành các hoạt động tình báo truyền thống của CIA.
Ngoài việc thuê các cựu biệt kích của quân đội Mỹ, CIA còn hợp tác với các đơn vị đặc nhiệm chuyên thực hiện các sứ mệnh đặc biệt, trong đó có cả đơn vị tham gia tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng 5/2011, đồng thời sử dụng các máy bay không người lái tấn công mục tiêu chọn sẵn, giết chết hàng ngàn tay súng khủng bố lẫn dân thường.
Bài bản huấn luyện tại Vườn ươm (Farm - mật danh của Trung tâm huấn luyện của CIA đặt ở phía nam bang Virginia) cũng được thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới là huấn luyện kỹ năng tình báo cơ bản cho các nhân viên GRS.
Theo Công An Nhân Dân