Viễn cảnh về một cuộc xâm lược toàn diện trên mặt đất càng hiển hiện khi ngay sau nửa đêm, Israel cho biết lực lượng quân đội nước này đã tham gia một cuộc tấn công vào Gaza. Dù vậy, Israel sau đó làm rõ rằng bộ binh của họ chưa vào bên trong Gaza.
Dù chiến tranh trên bộ chưa diễn ra, cuộc chiến trên không giữa người Israel và người Palestine đã không hề suy giảm những ngày qua. Số lượng thương vong tiếp tục tăng lên trong khi tên lửa vẫn xuyên phá và thắp sáng bầu trời Trung Đông.
Trong đêm 13/5, thậm chí có hơn 200 quả tên lửa đã được Hamas bắn về phía Israel, theo Washington Post.
Bầu trời Trung Đông rực sáng vì tên lửa những ngày qua. Ảnh: Reuters. |
Bất ổn leo thang
Bạo lực cũng tiếp tục lan rộng trong nội bộ Israel. Đêm 12/5, người Ả Rập và người Do Thái tại Israel đã đụng độ với nhau và gây ra tình trạng bất ổn trên cả nước.
Các chính trị gia Israel đã lên án các cuộc tấn công, trong khi nhiều người cảnh báo rằng xung đột này còn khó ngăn chặn hơn cuộc chiến trên không giữa Israel và Hamas. Đến tối hôm 13/5, các cuộc đụng độ vẫn tiếp tục nổ ra ở một số thành phố trên toàn quốc.
Trong khi đó, cuộc chiến tên lửa giữa quân đội Israel và Hamas gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho mạng lưới giao thông vận tải lẫn các cơ sở hạ tầng khác ở Israel và Gaza.
Dưới làn mưa 1.700 tên lửa từ Gaza, sân bay Ben Gurion của Israel, cửa ngõ chủ yếu của nước này với thế giới bên ngoài, đã hoãn đón các chuyến bay đến vô thời hạn. Không chỉ vậy, truyền thông Israel còn đưa tin tên lửa tấn công cả sân bay Ramon. Tại đây, các chuyến bay cũng buộc phải chuyển hướng.
Trong khi đó, ở Gaza, vụ tấn công từ quốc gia láng giềng đã làm hư hại hệ thống đường điện ở đây. Thời gian cấp điện cho khu vực này chỉ còn khoảng 3h mỗi ngày.
Ngay trong dịp lễ tôn giáo Eid al-Fitr, thay vì niềm hứng khởi lạc quan như trước, người dân trong khu vực thức dậy mỗi sáng với khung cảnh là những cột khói bốc cao từ các địa điểm bị quân đội Israel đánh bom.
Trong khi đó, các con phố vốn thường nhộn nhịp giờ đây trở nên vắng lặng ngay giữa cuộc chiến tàn khốc.
Bộ Y tế Gaza cho biết hôm 13/5 cuộc xung đột đã làm 109 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 28 trẻ em, và 621 người khác bị thương.
Người dân nơi đây đang sống với mối đe doạ treo trên đầu. Ảnh: Shutterstock. |
Người dân khốn khổ
Tại một số khu vực, những người dân tản cư tranh thủ nhặt nhạnh phần còn lại trong đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy.
Anh Zaher Sbieh tìm được hai con cừu nhồi bông từ một tòa chung cư năm tầng ở phía bắc Gaza. Chúng sẽ là một bất ngờ thú vị cho bốn người con của anh, những đứa trẻ đang ở với gia đình tại Jabaliya.
Tòa nhà trên đã bị phá hủy trong một cuộc không kích của Israel vào chiều 12/5. Trước đó một tiếng rưỡi, anh trai của Sbieh, người sống trong căn hộ bên cạnh, đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp: Hãy ra ngoài ngay.
Anh Sbieh cho biết cuộc gọi đến từ một sĩ quan quân đội Israel. Người này nói rằng tòa nhà bên cạnh là mục tiêu trong cuộc tấn công đó. Gia đình anh đã hoảng loạn lao xuống cầu thang để thoát thân. Đến tối, khi anh quay trở lại, tòa nhà đã không còn nữa.
Còn anh Mohammad Qadada nói rằng việc Israel phá hủy tòa nhà Hanadi 13 tầng, nơi đặt văn phòng công ty anh, khiến người đàn ông này cân nhắc đi khỏi Gaza, lần đầu tiên trong cuộc đời.
"Tôi luôn nói: Tôi không thể rời khỏi đất nước của mình", anh Qadada cho biết, "nhưng bây giờ, tôi không thể ở đây được nữa".
Anh dự định lấy quốc tịch Thụy Điển thông qua người vợ anh, một công dân Thuỵ Điển. Anh cho biết: “Chúng tôi đã sống sót qua cuộc chiến đầu tiên ở Gaza vào năm 2008, đó là một trong những điều tồi tệ nhất".
"Nhưng, với tôi, hai ngày vừa qua thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi nhìn con trai khóc sau trận bom, nhìn nước mắt của vợ tôi, của mẹ tôi, (mọi thứ) thật mỏi mệt”, anh chia sẻ.
Trong khi đó, tại Israel, 7 người, trong đó có 6 dân thường và một binh sĩ, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công từ hôm 10/5. Trong số các nạn nhân, có hai đứa trẻ qua đời khi một quả tên lửa rơi vào hầm trú bom của gia đình ở Sderot, gần biên giới với Gaza.
Bầu trời Israel và Gaza với tông màu quen thuộc những ngày qua. Ảnh: Reuters. |
Tương lai nào cho Israel và Gaza?
Tối ngày 13/5, truyền thông Lebanon đưa tin có thêm ba quả tên lửa được bắn từ miền nam nước này về phía Israel. Các quả tên lửa sau đó đã đáp xuống Địa Trung Hải.
Phản ứng trước vụ việc, đại diện của Hezbollah, kẻ thù của Israel tại Lebanon, nói rằng nhóm Hồi giáo này không liên quan đến vụ không kích. Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin các tên lửa do người Palestine ở Lebanon bắn đi.
Trước khi thông báo tấn công được đưa ra, ngày 13/5, Trung tá Jonathan Conricus, người phát ngôn quân đội Israel, nói rằng viễn cảnh giao tranh có thể còn khốc liệt hơn khi hai lữ đoàn bộ binh và một lữ đoàn thiết giáp của Israel đã sẵn sàng cho các chiến dịch trên bộ.
Đáp lại, ông Abu Obaida, đại diện của Hamas, khẳng định hùng hồn: “Chúng tôi vẫn còn nhiều thứ khác. Quyết định tấn công vào Tel Aviv, Dimona và Jerusalem với chúng tôi còn dễ hơn uống nước".
Lần cuối cùng quân đội Israel tiến vào Gaza là vào năm 2014, trong cuộc chiến kéo dài hai tháng tại đây. Cuộc chiến khiến hơn 2.200 người dân ở Gaza tử nạn.
Khung cảnh đổ nát sau một vụ không khích. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, các nhà ngoại giao từ Trung Đông, châu Âu và Mỹ đều lên tiếng kêu gọi một lệnh ngừng bắn trước khi cuộc xung đột trở nên tàn khốc hơn.
Một phái đoàn Ai Cập đã đến Tel Aviv hôm 13/5 với mong muốn hỗ trợ đàm phán. Còn ông Hady Amr, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Israel và Palestine, cũng đang trên đường tới đây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lỗi lớn hơn thuộc về phía Hamas, rằng có "sự khác biệt cơ bản giữa một tổ chức khủng bố ở Hamas, vốn đang tấn công bừa bãi vào dân thường, và Israel, một lực lượng chỉ đang tự vệ".
Cách phản ứng của chính quyền Biden về xung đột ở Israel, về quyền tự vệ của Israel, đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nghị sĩ ở Mỹ.
Ngay cả khi quân đội Israel sẵn sàng hành động ở Gaza, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng sẽ triển khai quân đội tại các thị trấn đang có xung đột trong nước để dập tắt “tình trạng vô chính phủ” ở đó.
Trước cuộc xung đột tôn giáo tồi tệ nhất tại Israel trong nhiều thập kỷ, ông Netanyahu ra lệnh cho cảnh sát có thể áp dụng "quyền hạn khẩn cấp" và dự định điều động quân đội "theo luật hiện hành". Đồng thời, chính phủ của ông sẽ " thông qua các điều luật bổ sung nếu cần thiết".
“Những gì đang diễn ra ở các thành phố của Israel trong vài ngày qua là không thể chấp nhận được”, ông Netanyahu cho biết, “những kẻ bạo loạn người Arab phóng hỏa các giáo đường Do Thái, tấn công các sĩ quan cảnh sát và những người vô tội".
Không lâu sau khi vị thủ tướng phát biểu, một vụ xả súng ở Lod đã làm hai người bị thương, theo AP.
Nằm ở miền Trung Israel, thành phố có sự pha trộn giữa người Arab và Do Thái đã trở thành trung tâm của tình trạng bất ổn. Trước đó, một người đàn ông Israel gốc Ả Rập đã bị bắn chết tại đây. Cảnh sát hiện vẫn tuần tra dày đặc và áp lệnh phong tỏa vào ban đêm.
Ông Micky Rosenfeld, đại diện cảnh sát Israel, cho biết trên cả nước, lực lượng này đã bắt giữ 400 người vào đêm 12/5. Có khoảng 36 sĩ quan bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ.
Các quan chức lo ngại rằng các cuộc đụng độ sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 14/5, khi hàng nghìn tín đồ Hồi giáo sẽ có mặt tại Nhà thờ Al-Aqsa ở Jerusalem để hành lễ Eid al-Fitr.
Trước đó, cũng tại Al-Aqsa, hàng trăm người Palestine bị thương sau khi cảnh sát Israel xông vào nhà thờ này. Để đáp trả, lực lượng Hamas đã bắn một loạt tên lửa vào Israel hôm 11/5, mở đầu cho cuộc không kích.
Không chỉ vậy, căng thẳng này còn gia tăng một phần do cư dân Israel muốn đuổi người Palestine ra khỏi nơi họ sinh sống. Những người này đang cư trú ở khu Sheikh Jarrah, thuộc vùng Đông Jerusalem.