Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đối đầu phe Dân chủ, Cộng hòa sau khi thẩm phán Tòa tối cao từ trần

Việc bà Ruth Bader Ginsburg qua đời khiến nước Mỹ đứng trước nguy cơ lún sâu vào chia rẽ do cuộc chiến giành ghế thẩm phán Tòa án tối cao vừa bị bỏ trống.

tham phan Ginsburg qua doi anh 1

Khi chỉ còn 47 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, sự ra đi của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đưa tới hệ lụy lớn, đổ thêm dầu vào lửa đối đầu chính trị tại Mỹ, làm phân cực thêm một quốc gia đang chìm trong thảm họa đại dịch, với nền kinh tế suy thoái và bất ổn dân sự ở những thành phố lớn, theo Atlantic.

Ghế thẩm phán nhiều khả năng về phe Cộng hòa

Tại Washington, cuộc chiến xung quanh vị trí bà Ginsburg để lại có thể khiến căng thẳng hai phe Dân chủ - Cộng hòa leo thang tới mức độ chưa từng có, ngay cả nếu so với nhiệm kỳ đầy xáo động của Tổng thống Trump.

Ông Trump nóng lòng muốn bổ nhiệm ngay một nhân vật mới vào ghế thẩm phán của bà Ginsburg, qua đó tập trung thêm sự ủng hộ trước thềm bầu cử, đồng thời củng cố di sản của bản thân trong trường hợp thất cử vào tháng 11.

Trường hợp kế hoạch bổ nhiệm này thành công, ông Trump cũng sẽ trở thành tổng thống đầu tiên kể từ thời Richard Nixon bổ nhiệm 3 thẩm phán Tòa tối cao trong một nhiệm kỳ 4 năm.

Thủ lĩnh phe đa số Cộng hòa tại thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã có động thái đầu tiên cho thấy phe Cộng hòa sẵn sàng cho cuộc chiến giành ghế thẩm phán Tòa tối cao vừa bị bỏ trống, dù là trước hay sau bầu cử.

tham phan Ginsburg qua doi anh 2

Bà Ruth Bader Ginsburg được thông báo qua đời hôm 18/9. Ảnh: AP.

Ngay cả khi Tổng thống Trump thất cử vào tháng 11, phe Dân chủ cũng khó lòng ngăn ông Trump bổ nhiệm một ứng viên ưa thích vào vị trí này, bởi phe Cộng hòa vẫn sẽ kiểm soát thượng viện và Nhà Trắng trong 8 tuần cho tới khi chuyển giao quyền lực diễn ra vào tháng 1/2021.

Trong những ngày cuối cùng trước khi ra đi, bà Ginsburg đã bày tỏ nguyện vọng của bản thân, theo NPR.

Nữ thẩm phán 87 tuổi để lại di thư, trong đó nói rõ "mong muốn mãnh liệt nhất" của bà là không bị thay thế "cho tới khi một tổng thống mới nhậm chức".

Hiện chưa thể nói trước liệu mong muốn của bà Ginsburg có trở thành sự thật hay không.

Đảo chiều ý thức hệ

Trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, thượng viện do phe Cộng hòa nắm đa số đã tạo tiền lệ việc để trống vị trí thẩm phán Tòa án tối cao trong gần 9 tháng trước cuộc bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ McConnell hồi tháng 5/2019 cho biết tiền lệ này sẽ không lặp lại, bởi phe Cộng hòa đang kiểm soát Nhà Trắng và đa số tại thượng viện.

Câu hỏi quan trọng hơn hiện nay là liệu đa số Cộng hòa tại thượng viện có sẵn lòng ủng hộ ứng viên do Tổng thống Trump đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa tối cao hay không, bất kể thời điểm bổ nhiệm là trước hay sau bầu cử tổng thống.

Trong số 53 thượng nghị sĩ Cộng hòa, không phải tất cả đều chắc chắn đứng về phía ứng viên mà ông Trump đề cử.

Thượng nghị sĩ bang Alaska Lisa Murkowski từng bỏ phiếu chống việc bổ nhiệm vị trí thẩm phán Tòa án tối cao cho Brett Kavanaugh, ứng viên do Tổng thống Trump đề cử, vào năm 2018.

Một thượng nghị sĩ khác là Mitt Romney thậm chí bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống Trump hồi đầu năm nay.

tham phan Ginsburg qua doi anh 3

Lãnh đạo thượng viện Mitch McConnell (trái) ưu tiên bổ nhiệm một nhân vật bảo thủ vào vị trí thẩm phán Tòa án tối cao vừa bỏ trống. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Maine, bà Susan Collins, là người ủng hộ Tổng thống Trump. Tuy nhiên, bà Collins có nguy cơ sẽ thất bại trong cuộc chạy đua ghế thượng nghị sĩ vào tháng 11, điều khiến phe Cộng hòa mất một ghế cho phe Dân chủ.

Ông McConnell sẽ cần ít nhất 50 phiếu ủng hộ của các thượng nghị sĩ, số phiếu tối thiểu cho phép áp dụng quy tắc phá vỡ thế cân bằng, với việc tính thêm một phiếu từ Phó tổng thống Mike Pence.

Trong 5 năm qua, Tòa tối cao Mỹ đã 3 lần bị bỏ trống ghế thẩm phán. Sự ra đi của bà Ginsburg không phải là kịch bản bất ngờ bởi tuổi tác và tình trạng bệnh tật của nữ thẩm phán này, tuy nhiên, nó để lại hậu quả lớn nhất.

Năm 2016, ghế thẩm phán của Tòa án tối cao bị bỏ trống sau cái chết của ông Antonin Scalia. Tuy nhiên, sự kiện này không làm thay đổi cân bằng quyền lực tại Tòa án tối cao, bởi sau đó người kế nhiệm ông Scalia là Neil Gorsuch, một nhân vật bảo thủ.

Kịch bản tương tự xảy ra khi thẩm phán Kavanaugh thay thế ông Anthony Kennedy, người được bổ nhiệm từ thời Ronald Reagan.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump đề cử ứng viên vào vị trí còn trống hiện nay sẽ tạo ra sự đảo chiều ý thức hệ về hướng bảo thủ cho ghế thẩm phán mà bà Ginsburg, một nhân vật theo đường lối tự do, để lại.

"Đây là sự đảo chiều lớn nhất đối với một ghế thẩm phán Tòa án tối cao kể từ khi thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas thay thế thẩm phán theo đường lối tự do Thurgood Marshall gần 3 thập kỷ trước. Đây là cơ hội quá hấp dẫn mà phe Cộng hòa khó có thể bỏ qua", tờ Atlantic bình luận.

Tác động lâu dài

Với sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ đồng minh, ông McConnell cho thấy quyết tâm vượt trên tất cả nhằm củng cố quyền lực về tư pháp liên bang, để có thể rộng đường giải thích thẩm quyền mà hiến pháp trao cho thượng viện trong "tư vấn và nhất trí" với các đề cử của tổng thống.

Ưu tiên lớn nhất của ông McConnell trong các công việc của thượng viện chính là bổ nhiệm các thẩm phán theo đường lối bảo thủ. Trong lịch sử, các lãnh đạo cũng như cử tri Cộng hòa cho thấy sự quan tâm lớn hơn tới nền tư pháp và Tòa án tối cao so với phe Dân chủ.

Phe Cộng hòa coi việc để trống ghế thẩm phán tại Tòa án tối cao trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử năm 2016 và 2018 là cách thúc đẩy cử tri bảo thủ đi bỏ phiếu, bao gồm cả cuộc bỏ phiếu lựa chọn chính các thành viên thượng viện.

Trong khi đó, phe Dân chủ đã không thể chuyển hóa sự tức giận của bộ phận cử tri theo đường lối tự do trước việc thượng viện, do đảng Cộng hòa chiếm đa số, bác bỏ đề cử của Tổng thống Obama thành động lực thúc đẩy người ủng hộ đi bỏ phiếu.

Điều này là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc bà Hillary Clinton thất cử, cũng như phe Cộng hòa tiếp tục nắm đa số tại thượng viện sau cuộc bỏ phiếu năm 2016.

tham phan Ginsburg qua doi anh 4

Người dân đi bỏ phiếu sớm tại Fairfax, Virginia, hôm 18/9. Ảnh: Reuters.

Đảng Cộng hòa có lẽ hy vọng việc bỏ trống vị trí mà bà Ginsburg để lại trong thời gian ngắn sẽ có tác động tương tự quá khứ trong cuộc bỏ phiếu năm nay, đặc biệt ở các bang Arizona, Bắc Carolina, Iowa, Maine và Colorado, nơi Tổng thống Trump cùng các ứng viên thượng nghị sĩ đảng này có nguy cơ thất bại.

Tuy nhiên, việc kiểm soát ghế thẩm phán vừa bị bỏ trống thậm chí còn quan trọng hơn đối với phe Dân chủ.

Đảng Dân chủ lo sợ một Tòa án tối cao với 6/9 ghế thẩm phán thuộc về phe bảo thủ sẽ đảo ngược những chính sách mà đảng này ủng hộ như quyền phá thai hay khả năng chương trình y tế Obamacare bị vô hiệu hóa.

Không dừng lại ở đó, Tòa án tối cao với ảnh hưởng của các thẩm phán bảo thủ vượt trội có thể trao quyền lực to lớn trong thi hành các chính sách cho Tổng thống Trump nếu ông tái đắc cử, hoặc ngăn cản mọi nỗ lực thực thi chính sách nếu ông Biden chiến thắng và trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Vì lẽ đó, việc bỏ trống ghế thẩm phán trước thềm tổng tuyển cử có thể tạo ra hiệu ứng thúc đẩy cử tri tự do đi bỏ phiếu cho đảng Dân chủ lớn hơn nhiều so với trước đây.

Nội bộ nước Mỹ vốn đã như một cái vạc khổng lồ đầy rẫy những vấn đề nóng bỏng, với hàng trăm người chết mỗi ngày vì dịch bệnh cùng tranh cãi và bất ổn do nạn phân biệt chủng tộc, tưởng như không thể sôi sục hơn cho tới khi bà Ginsburg qua đời.

Nay, hai phe Dân chủ - Cộng hòa tiếp tục đối đầu nhau vì vị trí thẩm phán Tòa án tối cao bỏ trống, một cuộc đối đầu mà kết quả sẽ để lại ảnh hưởng không chỉ trong 4 năm tới, mà cho cả một thế hệ người Mỹ tiếp theo.

Thẩm phán biểu tượng của Tòa tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 87

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người được nước Mỹ ví là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, đã qua đời vì ung thư.

Đối đầu tàu ngầm - tâm điểm chiến lược của Mỹ, Trung ở Biển Đông

Mỹ hé lộ chiến lược nhằm đối phó với lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc, sức mạnh chính trong năng lực răn đe của Bắc Kinh ở Biển Đông.

My va Israel 'ran nut' hinh anh

Mỹ và Israel 'rạn nứt'

0

Chiến dịch quân sự của Israel ở Lebanon đã được tiến hành bất chấp sự phản đối của Washington, đồng thời gây chia rẽ nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm