Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội đặc nhiệm Taliban chỉ sử dụng vũ khí Mỹ

Lực lượng đặc biệt của Taliban được trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong cuộc lật đổ chính quyền Afghanistan.

Lực lượng đặc biệt của Taliban có tên "Badri 313". Những hình ảnh về lực lượng này đã được Taliban đăng tải trên Internet nhằm mục đích tuyên truyền, rằng Taliban ngày nay đã được trang bị và huấn luyện tốt hơn trước, theo AFP.

Đơn vị Badri 313

Các tay súng Taliban trong hình ảnh đăng tải mặc đồng phục, đi ủng, đội mũ trùm, giáp thân, tương tự những lực lượng đặc nhiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Những trang phục này trái ngược với hình ảnh mặc áo dài, quấn khăn và đi dép của những tay súng Taliban thông thường.

Thay vì trang bị những khẩu súng trường Kalashnikov trên vai, các thành viên của lực lượng Badri 313 cầm trên tay súng trường đời mới do Mỹ sản xuất. Một số được trang bị cả kính nhìn ban đêm và kính ngắm bắn tiên tiến.

"Badrid 313 dường như đại diện cho những tay súng được đào tạo và huấn luyện bài bản nhất trong hàng ngũ Taliban nói chung, mặc dù có một mức độ đưa tin giật gân nhằm tuyên truyền về đơn vị này trong cách truyền thông của Taliban", Matt Henman, chuyên gia từ tập đoàn tư vấn quốc phòng Janes, cho biết.

taliban afghanistan anh 1

Các tay súng đơn vị đặc biệt Badri 313 của Taliban. Ảnh: Badri 313.

Các chuyên gia vũ khí phương Tây có chung nhận định lực lượng đặc biệt của Taliban không thể so sánh với khả năng chiến đấu của các đơn vị biệt kích phương Tây, Ấn Độ hay Pakistan.

"Tuy nhiên, những tay súng này nguy hiểm hơn các phần tử Taliban phổ thông, và chắc chắn là hơn hẳn các binh sĩ quân đội chính phủ Afghanistan đã đầu hàng vài tuần trước", một chuyên gia bình luận, theo AFP.

Cái tên Badri 313 được lấy theo sự kiện trận đánh Badri từ năm 624, khi nhà tiên tri Mohammed cùng 313 binh sĩ dưới quyền được cho là đã đánh bại kẻ thù.

Đơn vị đặc biệt của Taliban có thể có quân số đến hàng nghìn người.

Hiện chưa rõ số lượng trang thiết bị hiện đại nằm trong tay của đơn vị Badri 313. Tuy nhiên, nhiều bức ảnh được công bố cho thấy các tay súng Taliban tạo dáng bên cạnh những khí tài hiện đại mà Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan như xe Humvee, trực thăng.

Các chuyên gia cho biết Taliban sẽ khó có thể vận hành đa phần các trang thiết bị phức tạp, tối tân, đặc biệt là trực thăng. Việc bảo dưỡng những thiết bị này gần như bất khả thi nếu không có linh kiện của Mỹ.

"Chắc chắn là có một mức độ tuyên truyền nhất định. Nhưng chúng ta đã thấy trong chiến dịch quân sự cuối cùng từ tháng 5, lực lượng đặc biệt của Taliban đóng vai trò quan trọng giúp Taliban chiếm được Afghanistan", Bill Roggio, tổng biên tập tạp chí Long War Journal, bình luận.

"Khi Taliban bắt đầu áp đảo lực lượng chính phủ, họ đã dần thu thập trang thiết bị của phương Tây. Thực tế, vũ khí của Mỹ đã giúp trang bị cho đội quân của Taliban", ông Roggio nói thêm.

Một phần chiến lược đánh bóng của Taliban

Badri 313 được đào tạo bởi mạng lưới Haqqani, nhánh vũ trang tàn bạo và đáng sợ nhất của Taliban từng tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố nhắm vào dân thường.

Mạng lưới Haqqani đóng căn cứ ở khu vực đồi núi phía đông Afghanistan, thậm chí vươn sang cả khu vực tây bắc của Pakistan. Những năm qua, đại diện của Haqqani ngày càng nổi trội trong hàng ngũ lãnh đạo Taliban.

Mạng lưới Haqqani từ lâu bị nghi ngờ có liên hệ với phe quân đội Pakistan. Đô đốc Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cáo buộc Haqqani là "cánh tay đắc lực" của tình báo Pakistan.

Pakistan bác bỏ cáo buộc này, cũng như mọi liên hệ với mạng lưới Haqqani.

"Rất có khả năng Pakistan đã giúp, ít nhất là một phần, trong quá trình huấn luyện đơn vị Badri 313", chuyên gia Matt Henman của tập đoàn tư vấn quốc phòng Janes cho biết.

taliban afghanistan anh 2

Hình ảnh đơn vị Badri 313 tập luyện. Ảnh: Badri 313.

Giáo sư Gilles Dorronsoro, chuyên gia về Afghanistan từ Đại học Sorbonne của Pháp, nói rằng việc Taliban công khai hình ảnh lực lượng đặc biệt của tổ chức này là một phần trong chiến lược đánh bóng hình ảnh.

"Chúng ta đã thấy một Taliban chuyên nghiệp hơn nhiều nếu so với thời gian giữa thập niên 2000", ông Dorronsoro nhận định.

Những tháng gần đây, Taliban liên tục khẳng định lực lượng này đã thay đổi, ôn hòa và chuyên nghiệp hơn so với lần gần nhất nắm quyền cuối thập niên 1990.

Mục tiêu cuối cùng của Taliban là giành được sự ủng hộ của người dân trong nước cũng như được cộng đồng quốc tế công nhận.

"Cuộc chiến tranh họ đang tham gia lúc này không giống với cuộc chiến mà thế hệ cha mẹ họ từng chiến đấu trong thập niên 1980", chuyên gia của Đại học Sorbonne cho biết.

Những ngày qua, các đơn vị Badri 313 phụ trách bảo đảm an ninh bên ngoài sân bay quốc tế Kabul. Điều này đồng nghĩa họ gần như mặt đối mặt với binh sĩ Mỹ - những người giám sát chiến dịch không vận di tản.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Taliban đã chế nhạo người Mỹ bằng cách tái hiện lại hình ảnh lịch sử khi các binh sĩ Mỹ dựng lên lá quốc kỳ trên đảo Iwo Jima năm 1945. Trong phiên bản của Taliban, các tay súng mặc đồng phục quân đội Mỹ dựng lên lá cờ đen trắng của tổ chức Hồi giáo này.

Những bất ổn nào xảy đến khi Taliban hoàn toàn kiểm soát Afghanistan?

Việc Taliban kiểm soát Afghanistan có nguy cơ thổi bùng làn sóng bất ổn và sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan, từ đó đe dọa hàng loạt quốc gia trong khu vực.

Thủ tướng Đức lo Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của khủng bố

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Afghanistan có nguy cơ trở thành nơi để các tổ chức khủng bố ẩn náu và phát triển như trong thời gian Taliban nắm quyền trước đây.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm