Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài TS Phan Hữu Thắng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - Foreign Direct Investment) là một trong những nguồn lực phát triển quan trọng bậc nhất ngày nay, đặc biệt là đối với các nền kinh tế “đi sau”. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về FDI ở Việt Nam, TS Phan Hữu Thắng đúc rút kiến thức, kinh nghiệm của mình trong sách FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới.
Cuốn sách cho thấy những đóng góp to lớn của FDI trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong hơn 30 năm qua, FDI đã vượt qua nhiều thách thức, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
TS Phan Hữu Thắng nhận định nhiệm vụ kép "vừa thu hút FDI phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vừa xây dựng nền kinh tế tự cường" thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới của Việt Nam được đặt ra để đáp ứng đòi hỏi về tính tự chủ của đất nước.
Sách FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới. Ảnh: Thành Đông. |
Thu hẹp khoảng cách tụt hậu
Đặt trong bối cảnh phức tạp như hiện nay: cạnh tranh quốc tế giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu toàn cầu, đại dịch Covid-19… tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại đầu tư quốc tế có xu hướng giảm, cho thấy yếu tố tự cường - tính tự chủ của nền kinh tế sẽ quyết định tương lai của quốc gia. FDI cung cấp những lợi thế giúp vực dậy nền kinh tế, sao cho đất nước ta tự chủ được về kinh tế.
Trong bước chuyển mang tính cách mạng của nền kinh tế - từ hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống kinh tế thị trường - cùng mở cửa thương mại, FDI đóng vai trò là một trong hai động lực phát triển bên ngoài quan trọng nhất, tạo thành “đôi cánh” giúp nền kinh tế Việt Nam chuyển mình và bay lên, trong quỹ đạo thị trường mở cửa và hội nhập quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế tận dụng “lợi thế đi sau” thành công khi biết cách thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là dòng FDI, để giải quyết các vấn đề tồn đọng và thu hẹp khoảng cách tụt hậu phát triển với các quốc gia khác.
Nhờ có FDI, Việt Nam đã lập được những thành tích phát triển: nhập vào quỹ đạo phát triển mới, đóng góp không nhỏ, thậm chí ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm cho người lao động, là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Chặng đường còn nhiều gập ghềnh
Là một công cụ kinh tế hữu dụng, có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả “người cho” lẫn “người nhận”, trong thế giới cạnh tranh - đua tranh, thậm chí đối kháng, FDI còn là một vũ khí sắc bén, nghĩa là chứa đựng cả nguy cơ mang rủi ro đến cho cả bên “cho” lẫn bên “nhận” nó.
Bên cạnh những đóng góp phát triển to lớn, FDI cũng phát sinh những hậu quả, tiềm ẩn những rủi ro tầm chiến lược: Trình độ công nghệ không cao, tạo giá trị gia tăng thấp, gây tác động môi trường xấu, ít liên kết phát triển với khu vực kinh tế bản địa, thậm chí tranh chấp, chèn ép các doanh nghiệp nội, hình thành nên khu vực kinh tế cận “biệt lập”.
TS Phan Hữu Thắng. Ảnh: VnEconomy. |
Nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong đường lối phát triển kinh tế không được thực hiện một cách đầy đủ, dẫn tới việc xem nhẹ cải tạo kỹ thuật và công nghệ, không chú trọng liên kết và thúc đẩy kinh tế bản địa, mặc cho đây là những chức năng quan trọng của dòng vốn FDI.
Thay vì thế, người ta ưu tiên những mục tiêu nặng về thành tích số lượng như đóng góp GDP, đóng góp xuất khẩu, đóng góp tạo việc làm nói chung. Trong khi đó, những tiêu chuẩn chất lượng trong sự đóng góp của khu vực như chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, trình độ công nghệ, lao động kỹ năng, tác động môi trường lại không mấy được quan tâm.
Cách tiếp cận này kéo dài trong nhiều năm để lại những hậu quả không nhỏ. Cuộc tranh luận dường như không có hồi kết. Cuốn sách FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới của TS Phan Hữu Thắng cung cấp những khía cạnh lý luận và thực tiễn mới mẻ, được viết với mục tiêu góp phần làm sáng tỏ vấn đề, và nêu các đề xuất, gợi ý giúp giải quyết vấn đề.
Qua cuốn sách, TS Phan Hữu Thắng khảo sát “sứ mệnh kép” của FDI - một mặt, là nguồn lực quan trọng giúp nền kinh tế của nước nhận đầu tư phát triển độc lập và tự cường; mặt khác, có khả năng trở thành một công cụ kìm hãm phát triển đối với nước nhận đầu tư, đặt họ vào tình trạng bị lệ thuộc, bị chèn ép - trên thực tế được thực hiện như thế nào ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua.
Từ đó, sách nêu gợi ý để giải đáp câu hỏi: “Việt Nam cần triển khai một chiến lược FDI thế nào để thu được hiệu quả phát triển cao, đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong tương lai, khi thời thế và các điều kiện thực thi đã thay đổi mạnh mẽ?”.