Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ năm 2022 vừa trao cho GS Trịnh Xuân Thuận. Đây là sự nối tiếp danh sách giải thưởng đã tôn vinh cống hiến của vị giáo sư gốc Việt. Các tác phẩm của ông luôn có một sức hút riêng.
Là một tín đồ đạo Phật, Trịnh Xuân Thuận thường xuyên đối chiếu những kiến thức khoa học với hiểu biết tôn giáo của mình. Chính ở điểm đó, độc giả khoa học tìm được những lập luận thú vị mới lạ.
Giáo sự Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Jean-Christophe Marmarale/Le Figaro. |
Đưa thiên văn học đến gần hơn với công chúng
GS Trịnh Xuân Thuận từng khẳng định mình sống theo triết lý Phật giáo, nhưng cách tiếp cận tôn giáo của ông là cách tiếp cận khoa học. Ông hướng tới những câu hỏi về cội nguồn của nhân loại, cái vô hạn của vũ trụ, về bản chất thực sự của ánh sáng.
“Nếu quả thật tồn tại một trật tự của thế giới, thì những cái mà vật lý lượng tử và thuyết tương đối nói với chúng ta liệu có tương thích với những điều mà đạo Phật truyền giảng? Và chúng ta có thể rút ra những kết luận gì về cuộc sống riêng của chúng ta?”, GS Trịnh Xuân Thuận đặt câu hỏi trong cuốn Vũ trụ và hoa sen.
Là người Á Đông, Trịnh Xuân Thuận giữ quan niệm về tính liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau trong vũ trụ, không có gì là mãi mãi, vạn vật luôn thay đổi. Sự vật chỉ hiện hữu ở vẻ bên ngoài mà không tồn tại đích thực. Những triết lý trên luôn sáng rõ ở những cuốn như Hỗn độn và hài hòa, Số phận của vũ trụ: Big Bang và sau đó...
Trịnh Xuân Thuận là người biết nhiều ngôn ngữ và đa văn hóa. Nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo từng nhận xét GS Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp, là công dân và làm việc tại Mỹ, viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng viết những tác phẩm về vũ trụ lại bằng tiếng Pháp.
"Điều đáng nói là những tác phẩm về vũ trụ nhưng đọc dễ hiểu, bởi chúng được viết từ một nhà khoa học giàu mỹ cảm, bằng tư duy logic của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn", nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo đánh giá.
Những kiến thức sâu rộng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, những khái niệm về thiên văn được Trịnh Xuân Thuận trình bày mềm mại. Đó cũng là phương pháp của ông để đưa thiên văn học gần gũi với mọi người.
Một số tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt. Ảnh: Quốc Lượng. |
Góc nhìn đa văn hóa, đa ngành
Có thể thấy, GS Trịnh Xuân Thuận đem trải nghiệm đa văn hóa, đa màu sắc vào trong nghiên cứu và các tác phẩm của mình. Điều đó khiến sách ông có tính phổ quát cao, dễ tiếp cận tới số đông độc giả. Ngay cả những người không chuyên, không có vốn kiến thức lớn về khoa học, kỹ thuật, tôn giáo vẫn có thể đọc được nếu họ tò mò muốn chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của vũ trụ bao la.
Vị GS người Mỹ gốc Việt giữ quan điểm rằng vũ trụ đẹp không vì những cái hào nhoáng, huy hoàng làm ta choáng ngợp như cầu vồng, cảnh hoàng hôn, những vườn ươm, các vì sao hay các thiên hà xoắn ốc, mà vì nó có vẻ gắn kết chặt chẽ và có trật tự.
Ông cho rằng vẻ đẹp đó không quá xa vời với chúng ta mà luôn hiện hữu rất gần. Ở Việt Nam cũng có nhiều cảnh quan thiên đẹp. Ông muốn qua sách mình, có thể truyền cảm hứng để mọi người có thể chú ý hơn và sẵn sàng tiếp nhận cái đẹp, tri thức quanh mình.
Ở sách khoa học của Trịnh Xuân Thuận, ta bắt gặp cả những tham chiếu tới văn hóa nước ngoài. Chẳng hạn tên cuốn sách Cái vô hạn trong lòng bàn tay được lấy cảm hứng từ bài thơ của nhà thơ triết học người Anh William Blake: “Trong hạt cát, ta thấy cả vũ trụ / Trong đóa hoa, ta thấy cả thiên đường / Nắm cái vô hạn trong lòng bàn tay / Và sự vĩnh hằng trong khoảnh khắc”. Có lẽ, bốn câu thơ này cũng nói lên một phần triết lý trong các tác phẩm vị giáo sư gốc Việt viết.
Với nguồn hiểu biết rộng từ nhiều nền văn hóa, GS Trịnh Xuân Thuận không tách rời hẳn với gốc gác, cội nguồn của mình. Ông luôn hết mực tôn trọng và viết nên những trang sách tôn vinh quê nhà.
Sách Một đêm. Ảnh: NXB Trẻ. |
GS Trịnh Xuân Thuận từng chia sẻ ông có khiếu văn từ nhỏ, nhưng vì tò mò, ông theo học tại Viện Công nghệ California - nơi thần tượng của ông, Einstein, từng sống và làm việc. Đây cũng được mệnh danh là thánh địa của thiên văn học thế giới.
Bên cạnh đó, GS Trịnh Xuân Thuận có những người bạn làm đủ ngành nghề khác nhau. Qua các cuộc trao đổi, trò chuyện, những con người với điểm nhìn từ những lĩnh vực khác nhau lại có chung sự đồng cảm về con người và vẻ đẹp hài hòa trong cái hỗn độn của vũ trụ.
Do thế, sách khoa học của GS Trịnh Xuân Thuận bàn luận tới nhiều vấn đề, như cách con người đang đối đãi hành tinh này, những hậu quả có thể xảy đến hay tại sao chuyện của cá nhân lại liên quan tới vũ trụ.
Học viện Pháp Quốc từng giành lời khen cho các tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận vì chúng thể hiện “một cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ”.
Chính mức độ phổ quát đã làm nên giá trị cho các tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận. Ông đã được trao những giải thưởng như: Giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp cho tác phẩm Du hành vào tâm ánh sáng; Giải Kalinga 2009 của UNESCO về các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học; Giải thưởng Thế giới Cino del Duca của Học viện Pháp Quốc; Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp vì những đóng góp tận tụy thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa khoa học và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Mới đây, ông nhận Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ.