Xuân Trường được kỳ vọng sẽ giúp Gangwon FC thu hút tài trợ từ những doanh nghiệp Việt Nam. |
Trong bài viết gần đây, Yonhap cho biết về thực trạng tài chính của Gangwon FC - đội bóng mà Lương Xuân Trường đang đầu quân. CLB này hy vọng sẽ không nợ lương của các cầu thủ. Ngân sách hoạt động của họ trong năm 2017 khoảng 20 tỷ won, hơn 1/3 trong số đó dùng để trả lương.
Đau đầu vì tiền
Thực tế ở K.League Classic (giải đấu cao nhất Hàn Quốc), nhiều đội bóng đều có khó khăn về tiền bạc, ngay cả đại gia như Jeonbuk Hyundai Motors. Đây là đội thành công nhất xứ kim chi những năm qua với 4 lần vô địch K.League từ năm 2009. Năm ngoái, họ cũng lên ngôi giải đấu số một châu lục AFC Champions League.
Ngay sau chiến công, họ đã để mất ngôi sao số 1 Leonardo Perreira (Brazil) vào tay Al Jazeera (UAE). Tại K.League, tiền đạo sinh năm 1986 là cầu thủ nhận lương cao nhất năm 2016 với mức 1,44 triệu USD. Tuy nhiên sang CLB mới, anh hứa hẹn sẽ nhận đãi ngộ cao hơn.
Leonardo đầu quân cho Al Jazeera sau 4 năm thành công cùng Jeonbuk. Ảnh: The National. |
Đây không còn là chuyện bất ngờ những năm qua. Thậm chí hè 2015, Jeonbuk buộc phải để ngôi sao Eduador đến Heibei ở giải hạng 2 Trung Quốc khi CLB đưa ra mức giá không thể từ chối. Theo New York Times, chủ sở hữu tại CLB hùng mạnh Hàn Quốc đã cắt giảm chi phí những năm qua.
Jeonbuk cũng không trang trải được nhiều gánh nặng từ bán vé. Trên Football Channel, cây bút Steve Han đưa ra dẫn chứng cho thấy Jeonbuk là CLB có số lượng khán giả đến sân trung bình đông nhất ở K.League 2015 với 17.418 người/trận, nhưng 1/3 số đó là miễn phí.
Đội bóng này tích cực phân phối vé thông qua những sự kiện liên kết với địa phương để tăng số lượng khán giả trung thành. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đáng là bao. Theo báo cáo tài chính của K.League, Jeonbuk chỉ thu về hơn 1,3 triệu USD tiền bán vé. Con số này chỉ đủ để trả lương cho Leonardo.
Tình hình của họ ở mùa bóng trước cũng không đột biến khi số lượng khán giả đến sân trung bình giảm 3,6%. Thậm chí tháng 9/2016, Jeonbuk còn bị trừ 9 điểm tại K.League và đóng phạt 100 triệu won vì dính đến việc dàn xếp tỷ số.
Jeonbuk hùng mạnh là thế nhưng cũng vất vả để kiếm tiền để chi trả các hoạt động. |
K.League chạy đua để kiếm tiền
Không riêng gì Jeonbuk hay Gangwon, những CLB khác của Hàn Quốc đều phải chật vật để đa dạng hóa nguồn thu. Những đội bóng Hàn Quốc vốn dẫn đầu châu lục về số lần vô địch AFC Champions League, tính cạnh tranh cao nhưng lợi ích thương mại thu được không đáng kể.
Theo thống kê, tiền bản quyền truyền hình K.League chỉ dao động ở mức 5-6 triệu USD/mùa. Con số này quá nhỏ nếu so với 250 triệu USD của Chinese Super League (Trung Quốc).
Những năm trước, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá để được nhận những ưu đãi về thuế. Tuy nhiên vài năm gần đây, tình hình kinh doanh khó khăn cộng với sự hỗ trợ không còn khiến số tiền rót cho các đội bóng ít hơn.
Sân vận động của Gangwon cũng là địa điểm tổ chức Olympic mùa đông. Họ hy vọng sân sẽ kín chỗ ở K.League 2017 khi đội chiêu mộ nhiều ngôi sao. |
Samsung Suwon Bluewings là ví dụ điển hình. Họ từng là thế lực của K.League với 4 lần VĐQG và đoạt danh hiệu châu lục năm 2002. Tuy nhiên khi chuyển giao cho một công ty con của Samsung, họ “nghèo” đi thấy rõ. Trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, đội bóng này đã lần đầu tiên ký hợp đồng với 2 đối tác ngoài Samsung.
Gangwon FC mang về Xuân Trường và hàng loạt ngôi sao khác không nằm ngoài mục đích tăng doanh thu, ngoài việc cải thiện thành tích trên sân cỏ. Trước mắt, CLB này ít nhiều thành công khi đã bán được hơn 1.000 vé mùa, so với con số 138 vé năm 2016.
Tuy nhiên để kiếm được 20 tỷ won duy trì hoạt động, Giám đốc điều hành Jo Tae-ryong sẽ phải hoạt động vất vả. Trước mắt, Gangwon FC mới nhận được 2 tỷ won tài trợ từ Kangwon Land, đồng thời có hợp đồng trang phục 2 năm với Joma.
Số tiền còn lại, Jo Tae-ryong phải vận động những doanh nghiệp đóng trên địa bàn của 7 thành phố và 11 huyện của tỉnh Gangwon - nơi đặt đại bản doanh của đội bóng. Đó là thách thức không hề nhỏ cho ông trong thời gian tới.