Không nhiều nhà văn trên thế giới có một ngày riêng của mình trong năm. Nhưng James Joyce lại rơi vào cái thiểu số đó.
Bloomsday - ngày của Bloom là ngày 16/6 hàng năm. Nó ra đời từ "sự tích" ngày 16/6/1904 trong cuộc đời của Leopold Bloom, nhân vật chính trong tác phẩm Ulysses của James Joyce.
Mặc dù được lấy theo tên nhân vật Bloom nhưng ngày 16/6 thực sự là ngày mà những người yêu văn chương vinh danh nhà văn James Joyce. Trong ngày đó, người ta tổ chức các hoạt động liên quan tới văn chương của nhà văn khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại (modernism).
Ulysses - kiệt tác vĩ đại nhất của James Joyce được lấy cảm hứng từ ngày này với không gian trung tâm là thành phố Dublin, nơi mà cứ đến ngày 16/6 hàng năm (kể từ năm 1954) trở thành thủ đô của James Joyce!
Người Dublin là tập truyện ngắn đầu tay của James Joyce, một trong những nhà văn vĩ đại và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, được viết bằng bút pháp chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt nhằm phản ánh một xã hội đầy tăm tối và ngột ngạt, nơi mọi cá nhân bị kiệt quệ không lối thoát, ở thành phố thuộc địa Dublin đầu thế kỷ 20.
Dù đã ra đời 103 năm, Người Dublin vẫn luôn được đọc và diễn giải dưới nhiều góc nhìn mới, bởi những ý tưởng sâu sắc ẩn chứa trong văn bản ra đời khi cuộc giao tranh giữa các tư tưởng diễn ra gay gắt, khi chủ nghĩa dân tộc yêu nước của Ireland lên cao, trong cuộc đấu tranh với thực dân Anh. Người Dublin còn đem lại một trải nghiệm đọc thú vị với những độc giả say mê Joyce, khi đặt nó trong thế đối sánh với các tác phẩm cách tân táo bạo sau này.
Những giai đoạn đời người đầy mục ruỗng và chết chóc
Tập truyện bao gồm 15 truyện ngắn và có thể được chia thành 4 nhóm nhỏ, như chính Joyce trình bày ý tưởng này với em trai mình Stanislaus, mô phỏng các giai đoạn phát triển của một cuộc đời con người: đó là Ấu thơ gồm 3 truyện đầu tiên, Niên thiếu gồm 4 truyện tiếp theo, Trưởng thành bao gồm 4 truyện và cuối cùng Đời sống cộng đồng, gồm 4 truyện cuối.
Mỗi câu chuyện mà Joyce xây dựng đều tương đối ngắn ngủi, luôn dao động trong khoảng 15-20 trang, (riêng ở nhóm Đời sống cộng đồng, tác giả nới rộng biên độ lên 35-45 trang), và được cấu trúc như những cắt lát trong đời sống.
Tránh xa phương thức dàn trải, kể lể dông dài, Joyce chọn một lối kể chuyện tập trung vào những khoảnh khoắc nhất định, những câu chuyện đang diễn ra, từ đó triển khai mà làm bật lên tinh thần của toàn bộ câu chuyện.
James Joyce - nhà văn đã khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại trong văn chương (modernism). |
Đó có thể là những hồi tưởng xa xăm diễn ra trong đầu óc Eveline trong Eveline, hay bữa tiệc Giáng sinh của vợ chồng Gabriel ở nhà mấy bà cô già Morkan trong Người chết, hay chuyện một bà chủ quán trọ ép khách phải lấy con gái mình sau khi hai người trải qua một cú tình ái mập mờ trong Nhà trọ. Ngòi bút của Joyce khai thác những câu chuyện nhỏ, để phơi bày rằng, ở giai đoạn nào của đời người, cả đời sống riêng tư lẫn cộng đồng, dân Dublin và cả cái thành phố ấy, luôn bị những thế lực đen tối ngự trị.
Chủ đề chính mà Joyce luôn hướng đến là sự tù đọng, mục ruỗng, và cái chết trong cuộc sống con người. Bóng tối của thoái hóa và chết chóc bao trùm lên khắp nơi, ngay từ những dòng đầu tiên của truyện ngắn đầu tiên Chị em gái, khi vị linh mục bị đột quỵ lần thứ ba và không qua khỏi; nó lẩn quất trong các câu chuyện từ ấu thơ đến tận đời sống công cộng; nó là chủ đề trung tâm câu chuyện cuối cùng nổi tiếng nhất, Người chết: khi cái chết của người yêu cũ của Gretta phủ bóng lên cuộc hôn nhân của bà và Gabriel, và đặc biệt ở hình ảnh tuyết rơi lên cả người sống lẫn người chết ở phần kết câu chuyện.
Joyce tạo nên cái ấn tượng chung không thể nhầm lẫn được về đời sống con người Dublin: bị kìm cặp bởi kinh tế, chính trị, và cả không gian sống, họ trở nên ù lỳ, và dần mục ruỗng tự bên trong. Họ vẫn duy trì cuộc sống thường nhật, với bạo lực, lừa đảo, với tự lừa dối chính mình và người khác, với chuốc rượu cho say mà quên đi hiện thực và càng ngày càng tha hóa.
Những cuộc đời của người dân Dublin giai cấp lao động và trung lưu được Joyce khắc họa tỉ mỉ, rõ nét, bằng một thứ văn chương sắc sảo, lạnh lùng, trưng ra toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của dân tộc Ireland khi sống dưới sự cai trị của thực dân Anh.
Phút mặc khải cho những con người kiệt quệ
Ý tưởng chủ đạo của Joyce khi viết Người Dublin là khái niệm tương đối phức tạp và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tôn giáo: “epiphany”, có thể được tạm dịch thành “hiển lộ,” “đốn ngộ,” hay “mặc khải”. Đó chính là khoảnh khắc hiếm hoi trong câu chuyện khi nhân vật trải qua cảm giác “ngộ”: nó soi rọi và làm thay đổi tất thảy những nhìn nhận từ trước tới nay về ý nghĩa cuộc đời.
Joyce thường đặt giây phút “mặc khải” này ở cuối các câu chuyện, để từ đó nhân vật và độc giả đoái trông mà hiểu ra toàn bộ chuyện đời: đó là Eveline với ước mơ trốn khỏi cha mình và gia đình ở Dublin nhưng cuối cùng lại ngộp trong lớp sóng người và tê liệt cùng quẫn không dấn nổi chân trên bến North Wall trong Eveline; đó là giây phút Farrington nhận ra cuộc đời bị kìm hãm khôn kham bởi khốn quẫn nơi sở làm và giải quyết bằng trận đánh con ở nhà trong Những bản sao.
Người Dublin là một trong rất hiếm tác phẩm của James Joyce đã chuyển ngữ thành công sang tiếng Việt. |
Giây phút đốn ngộ đặc biệt nhất trong tập Người Dublin có lẽ đến từ truyện Người chết: Vốn là giáo viên và là người cộng tác điểm sách, Gabriel có cái vẻ ngạo mạn trí thức và chỉ chăm chăm chú ý vào bản thân nhưng chính trong cái bữa tiệc lộn xộn, thông qua tiếp xúc và va chạm, lòng tự tôn của Gabriel dần suy sụp và đỉnh cao nhất là lúc tiệc tàn, khi ngắm vợ mình lắng nghe một bản nhạc, và cuối cùng biết được quá khứ của vợ.
Những tưởng mình là trí thức cấp tiến, lại bị một nhà dân tộc chủ nghĩa phê phán là thân Anh chỉ mải lo cái bài diễn văn sáo rỗng, những tưởng mình được vợ chú ý và toàn tâm, để rồi biết Gretta từng có một mối tình khác và chàng trai trẻ đã từng chết vì cô, Gabriel ngộ ra cuộc đời Gretta có những góc khuất mà anh chưa bao giờ biết đến.
Anh ý thức được được mình là một gã “đần độn” và hiểu ra ý nghĩa cuộc đời, nơi người chết ngự trị trong ký ức quan trọng không kém gì người sống, nơi con người phải biết chấp nhận cả cái sống lẫn cái chết, nơi lần đầu anh nghĩ tới chuyện phải đi về phía Tây, đi tìm hiểu đất nước dân tộc mình chứ không phải nghỉ hè ở châu Âu.
Những giây phút “mặc khải” ấy có tác dụng khác nhau ở các phần kết chuyện: khi làm sự chua chát tăng lên gấp bội, bởi các nhân vật từ đó ý thức được mình đã sống trong tăm tối như thế nào, nhưng lại hoàn toàn bất lực không có khả năng vượt ra khỏi đời mình, khi thì lại khiến con người hướng thiện, tìm cách thay đổi, dù nhỏ bé, cái đời sống đầy tuyệt vọng hiện tại.
Người Dublin cũng là nơi Joyce lần đầu thể nghiệm phương pháp cấy ngôn ngữ nhân vật vào trong lời kể của người kể chuyện ngôn thứ ba, kéo gần độc giả đến trải nghiệm và những hoàn cảnh éo le của nhân vật.
Không gian đô thị ngột ngạt và những khao khát vượt thoát
Ở tập truyện này, James Joyce tập trung xây dựng một không gian đô thị tối tăm mà ông coi là trung tâm của kiệt quệ, lạc hậu, kém cỏi, so với các thành phố châu Âu khác.
Như chính Joyce tâm sự với em trai Stanislaus, “dẫu Dublin đã là thủ đô hàng ngàn năm, chỉ đứng sau London trong Đế quốc Anh, và to gấp ba lần Venice,” nhưng chưa từng một nghệ sĩ nào khắc họa nó trong văn chương. Ao ước của Joyce chính là làm việc đó: đưa Dublin ra mắt độc giả thế giới.
Trong cái thế giới đầy những mảng màu đối lập tối sáng nơi ánh sáng thường bị bóng tối lấn át ấy, có một sự liên hệ rõ rệt giữa không gian sống và đời sống của nhân vật.
Đó là hội chợ Araby khi cậu bé muốn thoát khỏi cái không khí tù túng của ngõ cụt North Richmond trong Araby, đó là Buenos Ayres tận Argentina một miền đấy xa xôi mà cô bé Eveline muốn trốn khỏi căn nhà bụi bặm trong mơ mộng ban chiều trong Eveline; đó là London phồn hoa mơ ước của Chandler bé nhỏ với mộng ước làm thơ và làm báo để thoát khỏi Dublin lụp xụp và tiêu điều trong Đám mây nhỏ; đó là đỉnh đồi Margazine cho Mr James Duffy khi tình yêu và cuộc đời trong thoáng chốc tan rã trong Một trường hợp đau lòng.
Dẫu sống trong những không gian chật hẹp, các nhân vật của Joyce vẫn không ngừng mơ ước chạy trốn khỏi những giới hạn của Dublin. Bằng những nỗ lực lặng lẽ, họ mơ tới những vùng đất mới, làm một chuyến phiêu lưu, hay đơn giản chỉ để leo lên một ngọn đồi mà nhìn ra bao quát thành phố, như một cách để giải thoát khỏi nỗi đau của chính mình. Các nhân vật của Người Dublin chung nhau không gian sống, hoàn cảnh lịch sử của đất nước và dân tộc, và chung nhau cả cái trải nghiệm đô thị ngạt thở và giấc mộng chạy trốn.
Kể từ lúc rời bỏ quê hương để sống đời lưu vong tự nguyện, Joyce liên tục về thăm quê nhà bằng những chuyến đi tinh thần khi xây dựng lại thành phố Dublin nơi ông lớn lên trong tác phẩm của mình.
Tất cả các tác phẩm của ông đều xoay quanh thành phố Dublin bé nhỏ, nhưng mỗi tác phẩm lại lóng lánh ẩn hiện những phong cách và nội dung khác nhau. Nhờ thế, Dublin hào hùng sánh vai cùng Paris, London, New York và trở thành thánh địa cho các cuộc hành hương văn chương của độc giả hâm mộ James Joyce.
Ngòi bút chống lại những quy ước xã hội
Truyện ngắn đầu tiên của Người Dublin đươc Joyce viết khi ông mới 22 tuổi vào năm 1904 và trải qua 10 năm ròng rã, đến tận năm 1914 tập truyện mới được ra mắt độc giả. Cuộc đấu tranh đầy cam go với các nhà xuất bản và thợ lắp chữ của James Joyce trong suốt ngần ấy năm có nguồn gốc từ phương pháp sáng tác của nhà văn với ý thức lớn lao về phong cách và vai trò đạo đức của văn chương.
Cương quyết viết một chương lịch sử đạo đức của đất nước mình, với niềm tin rằng “phải là một kẻ trơ tráo liều lĩnh mới dám thay đổi sự khắc họa những gì mà hắn nhìn thấy và nghe thấy”, Joyce vận dụng thủ pháp hiện thực nghiêm ngặt rất gần với chủ nghĩa tự nhiên khi viết về những thứ mà mình tin tưởng, thứ ông gọi là sự thật đời sống.
Không thể nào viết mà không làm cho người khác cảm thấy bị xúc phạm, Joyce đấu tranh với các nhà xuất bản khi họ liên tục đề nghị ông thay đổi các từ ngữ tục tĩu, các tên địa danh và con người có thật trong tập truyện ngắn của mình.
Người Dublin chính vì thế là một tập hợp những mẩu chuyện thực hơn cả đời thực với các nhân vật lịch sử có thật bước đi trên đường phố Dublin, với sự tái hiện đầy đủ hệ thống bưu điện, bệnh viện, quán ăn…
Trong Bloomsday, người ta thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới tác phẩm của James Joyce như đọc và bình sách, diễn kịch... |
Cảm thức chung mà những công dân thành phố Dublin chia sẻ cùng với chủ nghĩa hiện thực sát sao này sẽ bị Joyce bỏ lại, tuy không hoàn toàn, khi bước sang Ulysses, kiệt tác của chủ nghĩa hiện đại. Ở Ulysses, Dublin trở thành một sàn diễn nơi các phong cách văn chương được Joyce dàn trận thi thố, và cũng chính ở Ulysses, Dublin trở thành một thực thể bao chứa cả thực lẫn siêu thực.
James Joyce thể hiện ý chí mạnh mẽ của một nhà văn dám dùng ngòi bút để đấu tranh chống lại những quy ước xã hội trong sáng tác văn chương. Bằng cách viết và xuất bản Người Dublin, ông thể hiện vai trò lớn lao của một nhà văn kiêm nhà đạo đức: Joyce vạch trần những mảng tối trong đời sống xã hội dân tộc mình, tố cáo sự kìm cặp về tư tưởng mà thực dân Anh lẫn tôn giáo phủ bóng lên thuộc địa Ireland, phê phán sự kiệt quệ của các cá nhân không dám vùng lên mà đấu tranh, nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự cảm thông đầy nhân văn với số phận của những con người cùng khổ bị mắc kẹt trong nan đề của đời sống.
Với văn phong hiện thực tối giản, phong cách văn chương kiểm soát cao độ trong Người Dublin gợi nhớ đến nhà văn Gustave Flaubert mà chính James Joyce bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy đây có thể coi là bước đà để Joyce chạy khi thừa hưởng những cách thức kể chuyện truyền thống, để rồi tiến hành cách tân ở các tác phẩm sau.
Với sự chú tâm đặc biệt vào các chi tiết của cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô Ireland, kết hợp với lối văn uyển chuyển nên thơ song cũng thấm đẫm nỗi buồn tuyệt vọng sâu lắng, lại tràn ngập những ẩn dụ tượng trưng sâu sắc, nhưng cũng đầy rẫy những mơ hồ cài cắm, Người Dublin là những câu chuyện buồn nhân bản ẩn chứa những vỉa tầng ý nghĩa không bao giờ cạn.