Với tập Truyện Tây Bắc, Tô Hoài đã khắc họa một cách chân thật, sinh động những nỗi đau thương, khổ nhục của người dân miền núi dưới ách áp bức nặng nề của thực dân phong kiến.
Đồng thời từ đó, ông ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người dân tộc thiểu số miền núi, cũng như lý giải thành công về con đường tất yếu họ phải tìm đến để thoát khỏi cuộc sống bị đọa đày áp bức.
Tập sách gồm có ba truyện: Mường Giơn, Cứu đất cứu mường, Vợ chồng A Phủ. Năm 2020, tập sách Truyện Tây Bắc của Tô Hoài tiếp tục được tái bản nhằm giúp học sinh hiểu biết về giá trị của văn học Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để người đọc tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo về con người và vùng đất Tây Bắc.
Sách Truyện Tây Bắc, sáng tác quan trọng trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Thủy Nguyệt. |
Cảm thương số phận phụ nữ
Tô Hoài viết về Tây Bắc không chỉ bằng tài năng nghệ thuật, vốn sống phong phú, mà còn bằng cả tình yêu đằm thắm tha thiết như chính quê hương mình.
Trong sách Truyện Tây Bắc, Tô Hoài đã tái hiện bức tranh miền núi đa dạng với đầy số phận đau thương, đặc biệt. Ở đó, ông lưu tâm sâu sắc đến số phận của những phụ nữ.
Qua số phận của bà Ảng trong Cứu đất cứu mường, Mát trong Mường Giơn, và Mỵ trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã cho độc giả chứng kiến chân thật nỗi khổ của phụ nữ, gợi nên lòng xót thương, bi ai.
Những phụ nữ trong xã hội vốn đã luôn thiệt thòi, sống ở miền núi, nơi nhiều tập tục bảo thủ, áp bức bất công, càng khắc nghiệt hơn. Những ngày chiến tranh ấy, phụ nữ tủi nhục, cam chịu phận làm người nhưng không được hưởng quyền lợi cơ bản nhất của con người.
Hôm nay, đọc lại những áng văn Tô Hoài viết cũng để ta có được cái nhìn chân thực, sâu đậm hơn về phụ nữ dân tộc thiểu số. Cũng để phần nào hiểu được căn cốt của việc đòi quyền lợi, quyền bình đẳng, tự do, yêu thương.
Để có được những miêu tả chi tiết chân thực trong Truyện Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài dùng nhiều thời gian sống cùng và quan sát đời sống của họ.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể về những chuyến đi thực tế của Tô Hoài: “Trong những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài luôn có tác phong vừa nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi chép lại.
Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu, tiếng chim gáy ở đồng bằng, hay như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào…
Những đoạn ghi chép ấy, ông đều đọc cho chúng tôi nghe. Mỗi cái đều có sự tinh tế khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc rất tỉ mỉ và những điều ông đưa ra làm cho chúng ta tin được”.
Hình ảnh trong bộ phim truyện thể từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: VOV. |
Tác phẩm quan trọng của văn học Việt Nam
Nhà văn Tô Hoài từng tâm sự: “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Trong đó, tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã thể hiện nổi bật những hình ảnh đó.
Ngòi bút sắc sảo và tâm hồn mến yêu da diết của nhà văn đã giúp ông cần mẫn trên mảnh đất văn chương miền núi, nơi thường ít được chú ý. Tô Hoài đi nhiều, sống gắn bó, viết chân thành. Ông viết để tri ân những người ông gặp, người dành cho ông tình cảm thật thà.
Chia sẻ về sự ra đời của Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài kể: “Câu chuyện hoàn toàn có thực, tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy, tôi đi công tác từ Tà Sùa sang Phù Yên (Sơn La).
Ở Tà Sùa, tôi gặp cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp Tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng mười một âm lịch, trước tết Nguyên Đán của ta một tháng.
Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn Tết từ bản này sang bản khác. Ăn Tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện.
Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phải đưa vợ chạy trốn đi nơi khác.
Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về đời sống người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết”.
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Vietnamnet. |
Vợ chồng A Phủ ra đời đã trở thành là tác phẩm quen thuộc với bao thế hệ học sinh Việt Nam. Hình ảnh Mỵ, A Phủ là những gợi nhắc gần gũi mỗi khi nghĩ về những con người Tây Bắc.
GS Phong Lê đã nói về vị trí quan trọng của tác phẩm này: “Nói về Vợ chồng A Phủ là nói về giá trị khởi đầu của nó trong văn học kháng chiến, nằm trong bộ ba truyện để thành Truyện Tây Bắc. Tô Hoài trong những năm đầu thâm nhập vào kháng chiến, viết được tác phẩm đầu tiên của văn học kháng chiến và xây dựng được mẫu hình của một tầng lớp người”.
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, Hà Nội).
Bút danh Tô Hoài của ông được đặt từ hai địa danh Phủ Quốc Oai và vùng ven sông Tô Lịch, nơi Tô Hoài đã gắn bó cả tuổi thơ và những năm trai trẻ. Tô Hoài đến với nghề văn ở tuổi mười bảy, mười tám.
Xuất hiện ở giai đoạn cuối của thời kỳ 1930-1945, Tô Hoài sớm khẳng định được vị trí của mình trong đội ngũ nhà văn thời kỳ này bằng loạt tác phẩm đặc sắc như Dế mèn phiêu lưu ký (1941), Quê người (1941), O chuột (1942), Trăng thề (1943), Nhà nghèo (1944).