Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1996, khi làm biên tập Tủ sách vàng cho nhi đồng, tôi có đến gặp nhà văn Kim Lân để xin ông bản thảo làm tái bản truyện Ông Cản Ngũ.
Trong căn nhà cổ kính ở Ngõ Hạ Hồi, vừa pha ấm trà mời tôi uống, nhà văn Kim Lân vừa chậm rãi nói: "Này cô ạ, tôi có một truyện mà tôi thích hơn truyện Ông Cản Ngũ!". Tôi háo hức hỏi: "Dạ, truyện gì ạ?". Ông cười: "Truyện Anh chàng hiệp sĩ gỗ, dạo năm 1957, 1958 in lần đầu tiên, sau rồi lại bị phê phán, người ta hiểu nhầm tôi đấy, thực ra truyện đó có ý nghĩa với thiếu nhi còn hơn Ông Cản Ngũ!"
Thế là dịp tái bản lại năm ấy, cuốn sách của nhà văn Kim Lân trong bộ Tủ sách vàng cho nhi đồng đã có hai truyện: Ông Cản Ngũ và Anh chàng hiệp sĩ gỗ.
Khi đọc Anh chàng hiệp sĩ gỗ, ta như bước vào một thế giới vừa quen vừa lạ. Thật là quen thuộc khi mở truyện tác giả đưa ta về một bến sông quê, một cái chợ bên sông với những tiếng rao mời, với âm thanh xôn xao mua bán quen thuộc.
Ta lại được trở về với một cảnh xưa khi những ông cụ làm nghề múa rối rong còn đi biểu diễn khắp chợ cùng quê… Có lẽ rạp múa rối rong là rất lạ với trẻ em hôm nay, lạ hơn nữa khi các em được làm quen với một nhân vật "hiệp sĩ"! Tuy lạ mà là quen!
Giờ đây trẻ em hàng ngày chơi những đồ chơi "siêu nhân" xuất phát từ loạt các phim hoạt hình của điện ảnh Mỹ, Nhật… miêu tả các nhân vật có những khả năng đặc biệt chuyên làm những việc diệt gian trừ bạo. "Anh chàng hiệp sĩ gỗ" của nhà văn Kim Lân ra đời trước các "siêu nhân" hình dáng tuy khác nhau, nhưng đời sống tâm tư hình như cùng một dòng tráng sĩ nghĩa cử hành hiệp.
Tác phẩm Anh chàng hiệp sĩ gỗ của nhà văn Kim Lân với ấn bản năm 2017 do chính ái nữ của ông là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ bìa và minh họa. |
Câu chuyện đưa chúng ta vào một thế giới tưởng tượng trong một đêm giao thừa tại bến chợ bên sông. Nào chúng ta hãy cùng tưởng tượng, cùng hòa nhập vào vai anh chàng hiệp sĩ gỗ, đang muốn biến thành người thật để ra tay làm việc nghĩa.
Đọc sách là một việc mở trí tưởng tượng của mình như mở một kênh truyền hình, để ta nhập vào vai nhân vật. Từng câu chữ sẽ hòa vào từng nhịp tim nhịp thở của chúng ta, để chúng ta hiểu ra vì sao anh chàng hiệp sĩ gỗ đã từ chối giết cô gái nhỏ, trong đêm giao thừa hành động cuối cùng của anh là ra tay với mụ phù thủy…
Thế là chàng hiệp sĩ muốn đi diệt ác trừ bạo để cứu người yếu đuối, hóa ra anh đã phải dùng đến võ thuật cao cường nhất để giải thoát chính mình ra khỏi kiếp người gỗ.
Nhà văn Kim Lân - người con của làng quê Bắc Ninh cổ truyền đã để lại cho người đọc chúng ta một truyện ngắn lưu giữ những câu chữ như một bộ sưu tập đồ cổ mà vẫn đủ sức gợi mở những cảnh tượng sống động, giúp cho trẻ em hiện đại được hiểu sâu sắc hơn văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, NXB Kim Đồng đã in lại nhiều tác phẩm quý, trong đó có Anh chàng hiệp sĩ gỗ của nhà văn Kim Lân, thiết nghĩ rằng đây không chỉ là một dịp tri ân các nhà văn tiền bối mà còn là một dịp giúp bạn đọc tìm về cội nguồn bản sắc của văn học thiếu nhi Việt Nam.