Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh thu 1 phim Mỹ bằng 1,5 triệu xe hơi Hàn, tại sao không làm phim?

Bằng việc thông qua một số luật mới và bỏ tiền nuôi dưỡng những lĩnh vực phù hợp, chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy sự sáng tạo bùng nổ và cả một thời kỳ phục hưng phim ảnh.

Giải mã Hàn Quốc sành điệu (tác giả Euny Hong, do Nguyễn Hoàng Ánh, Võ Phương Linh, Võ Huyền My dịch) là cuốn sách lý giải sự vươn lên của Hàn Quốc về kinh tế, công nghệ, giáo dục, và văn hóa đại chúng, đặc biệt phân tích sâu về công nghiệp văn hóa. Được sự đồng ý của Bloom Books - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt tác phẩm - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Phim điện ảnh Hàn Quốc: Từ rác tới Cannes

Phim ảnh cũng là một lĩnh vực khác được chính phủ đầu tư về mặt văn hóa và đã thu lời vô số. Một lần nữa, Hàn Quốc đã biểu diễn một tiết mục ảo thuật thần kỳ: Bằng việc thông qua một số luật mới và bỏ tiền nuôi dưỡng những lĩnh vực phù hợp, họ đã thúc đẩy sự sáng tạo bùng nổ và cả một thời kỳ phục hưng phim ảnh.

Han Quoc phat trien cong nghiep dien anh nhu nao anh 1
Sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu.

Những năm hậu dân chủ hóa Hàn Quốc năm 1987, nước này đã nới lỏng hạn ngạch phim nước ngoài. Tôi đã rất mừng rỡ, nhưng hệ quả trực tiếp của sự cởi mở này không tốt chút nào cho Hàn Quốc. Chính quyền đã phát hiện ra rằng cơn ác mộng tồi tệ nhất đã thành sự thật: Pop culture phương Tây đang dần xâm chiếm đất nước.

Năm 1994, một bài báo trên tờ Nhật báo JoongAng đã thống kê rằng doanh thu từ bán vé của các bộ phim không phải phim Hàn đã tăng từ 53% trên tổng số vào năm 1987 thành con số khổng lồ 97% năm 1994. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc lâm vào khó khăn, chỉ sản xuất được một nửa số phim so với thập niên trước đó.

Hàn Quốc đứng giữa ngã ba đường. Họ có thể phản ứng lại bằng cách cấm phim nước ngoài, nhưng mọi chuyện đã ra khỏi tầm kiểm soát. Làm sao cản được khi họ đã nhìn tháy người cảnh sát robot tan chảy thành kim loại lỏng trong Kẻ hủy diệt 2? Thay vì làm như vậy, Hàn Quốc tự vạch ra một chiến lược hoàn toàn khác biệt: Đánh bại - hay ít nhất là nỗ lực đánh bại - Hollywood trong chính cuộc chơi của họ.

Tháng 5/1994, Ban Cố vấn của Tổng thống về Khoa học và Công nghệ đã đưa ra một cảnh báo xác định rằng bởi lợi nhuận thu được trong một năm từ phim Công viên kỷ Jura tương đương với 1,5 triệu xe hơi Huyndai (gấp hai lần doanh số hàng năm của hãng), Hàn Quốc cũng nên làm phim bom tấn. Chính phủ nhanh chóng hành động, dỡ bỏ các lệnh kiểm duyệt hạn chế và tạo ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào làm phim.

Năm 1995, Tổng thống Kim Young-sam đã ban hành một sắc lệnh tổng thống - một sắc lệnh tổng thống để Đạo luật Xúc tiến Thương mại cho Ngành công nghiệp điện ảnh chính thức có hiệu lực. Đạo luật này đưa ra những hình phạt cứng rắn cho việc vi phạm những hệ thống hạn ngạch sẵn có (dù chưa tường được thực thi rõ ràng). Với đạo luật mới, một rạp chiếu phim không chiếu phim Hàn ít nhất 146 ngày một năm sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Han Quoc phat trien cong nghiep dien anh nhu nao anh 2
Hình ảnh trong phim Oldboy đoạt giải Grand Prix của Cannes 2004. Kịch bản này đã được Hollywood mua và remake.

Nếu không có những biện pháp mạnh tay này, có lẽ sẽ không có các phim như bộ phim báo thù Oldboy đoạt giải Grand Prix của Cannes 2004.

[...]

Người đàn ông có thể coi là đã một tay gây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc từ con số 0 không phải đạo diễn hay nhà sản xuất, mà lại là một cựu cán bộ nhà nước, Kim Dong-ho, người giữ chức Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc từ năm 1961 - 1988. [...]

Năm 1972, ông bắt đầu kế hoạch 5 năm để quảng bá văn hóa và nghệ thuật, và lập ra quỹ hiến tặng quốc gia cho nghệ thuật của Hàn Quốc. Một phần kế hoạch của ông bao gồm lấy 10% doanh thu phòng vé và đưa vào một quỹ quảng bá nghệ thuật. Ông cũng xây dựng một trường quay ở vùng nông thôn Hàn Quốc. Khi đó, Hàn Quốc không có một trường quay nào.

GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 323 USD năm 1972, nghĩa là quốc gia này khi đó còn nghèo hơn cả Guatemala và Zimbabwe; những thay đổi này hẳn cũng giống như bộ phim Fitzcarraldo của Klaus Kinski - nhân vật chính trong phim này quyết xây một nhà hát opera trong rừng Amazon bằng cách dùng một sợi dây kéo nó vào rừng.

Cứ nhập một phim ngoại thì phải sản xuất một phim trong nước

Theo Kim, năm 1998 là bước ngoặt của phim ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế. Kim nói rằng: “Trong vòng 50 năm trước 1997, chỉ có bốn bộ phim Hàn Quốc được chiếu ở Liên hoan phim Cannes” và ngay cả những phim đó cũng chỉ chiếu ngoài cuộc thi. “Nhưng năm 1998, có bốn phim Hàn được mời tham gia Cannes”.

Điều gì đã tạo nên mức tăng đột biến này? Chính Liên hoan Phim Quốc tế Busan do Kim thành lập năm 1996. Những người đứng đầu chương trình Cannes đã xem phim Hàn ở Busan và mời họ đến Cannes. Từ 1998, hàng năm, có khoảng bốn đến mười phim Hàn được chiếu ở Cannes. Trên thực tế, 1998 chính là một năm đáng nhớ với ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, không chỉ về nghệ thuật mà còn về thương mại.

Han Quoc phat trien cong nghiep dien anh nhu nao anh 3
Hình ảnh tại liên hoan phim Busan 2016.

Đó là năm người Hàn bắt đầu thực sự có hứng thú với nền điện ảnh nước nhà. Năm 1998, theo Kim, phim Hàn chỉ chiếm 24% tổng thị phần, còn lại hầu hết thuộc về phim Hollywood. Với bộ phim hành động điệp viên ấn tượng năm 1999 Shiri (Kim Yunjin, vai Sun trong series phim truyền hình Mất tích của đài AbC, đóng vai chính) và bộ phim truyền hình ra mắt năm 2000 mà tôi đã nhắc đến trước đó của Park Chan-wook, Joint Security Area, thị phần cho phim nội địa đã lên đến 50%.

Sự bùng nổ phim ảnh này, cũng tương tự như nhiều câu chuyện thành công trong pop culture ở Hàn Quốc, cho thấy một sự kết hợp đầy nghịch lý giữa ràng buộc và tự do. Một lần nữa, Chính phủ Hàn Quốc dùng quyền lực của mình để thúc đẩy ngành công nghiệp bản địa.

Hàn Quốc từng luôn chiếu rất nhiều phim nước ngoài, nhưng những phim này cũng cần phải được các công ty sản xuất Hàn Quốc phân phối. Vào những năm 90, số các công ty này chỉ tầm 20. Nhưng kể cả lúc đó, phim nước ngoài cũng không được công chiếu tùy tiện. Các công ty phim buộc phải sản xuất một phim Hàn cho mỗi một phim nước ngoài họ nhập về. Quả thật có thể nói rằng ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có lợi từ biện pháp bảo hộ này.

Pháp cũng đã làm tương tự như vậy nhiều năm liền; điều này khiến cho ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng của họ phát triển. Giữa năm 1984 và 1987, luật phim truyện dần được sửa đổi và các nhà phân phối phim nước ngoài đã được phép phân phối phim của mình ở Hàn Quốc mà không cần thông qua nhà phân phối nội địa. Thời điểm này không phải là ngẫu nhiên: Năm 1987, Hàn Quốc thực sự trở thành nước dân chủ tự do; và năm 1988, Seoul tổ chức Thế vận hội Olympic Mùa hè. Vì thế, chính quyền, các ngành và con người Hàn Quốc buộc phải cởi mở hơn với cộng đồng kinh doanh quốc tế.

Khi đó, Kim nói, rất nhiều nhà làm phim Hàn Quốc lo lắng rằng sự mở cửa này sẽ xóa sổ họ, rằng họ sẽ bị các phim bom tấn Hollywood nghiền nát. May mắn thay, điều này đã không xảy ra vì nhiều lý do.

Đầu tiên, phim Hàn Quốc bắt đầu thay đổi rõ rệt, một phần là vì rất nhiều đạo diễn và nhà sản xuất Hàn đã bắt đầu học nghề ở Mỹ và châu Âu; đồng thời, sau hai thập kỷ, chính phủ bắt đầu gỡ bỏ dần các luật kiểm duyệt. Thay vì cấm phim, chính quyền cho phép phim được chiếu với giới hạn tuổi, tương tự như xếp hạng G, PG, PG-13 và R của Mỹ. Tự do mới đã khiến các nhà làm phim Hàn Quốc có cơ hội thử nghiệm và mở rộng chân trời sáng tạo.

Han Quoc phat trien cong nghiep dien anh nhu nao anh 4
Train to Busan - bom tấn của Hàn Quốc năm 2016.

Một lý do thiết yếu khác cho thành công mới của phim Hàn chính là hỗ trợ tài chính trực tiếp của chính phủ tới các nhà làm phim...

Năm 2009, đế chế truyền thông Hàn Quốc CJ Group đã cho ra mắt rạp chiếu phim 4D đầu tiên trên thế giới, cũng giống như rạp chiếu phim 3D nhưng có thêm mùi và các yếu tố xúc giác. Ví dụ, khi phim Avatar được chiếu ở rạp phim 4D của Hàn Quốc, trong vài cảnh trên hành tinh Pandora có phun mưa nhẹ và sương mù. Tôi không biết có bao nhiêu phim cần được chiếu kiểu này, nhưng đó thực sự là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, vô cùng chân thật.

Kpop - con gà đẻ trứng vàng của công nghiệp Hàn Quốc

Kpop sinh lời, quyền lực tới mức tất cả các công ty lớn ở Hàn Quốc đều muốn đầu tư vào lĩnh vực này, kể cả chính phủ.



Trích sách "Giải mã Hàn Quốc sành điệu"

Bạn có thể quan tâm