Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kpop không chấp nhận 'trai hư', tối kị scandal tình dục

Công nghiệp giải trí của Hàn Quốc xây dựng hình ảnh các chàng trai cô gái đẹp và ngoan. Họ trải qua quá trình rèn giũa khắc nghiệt, đôi khi phải lao lực trước khi trở thành sao.

Giải mã Hàn Quốc sành điệu (tác giả Euny Hong, do Nguyễn Hoàng Ánh, Võ Phương Linh, Võ Huyền My dịch) là cuốn sách lý giải sự vươn lên của Hàn Quốc về kinh tế, công nghệ, giáo dục, và văn hóa đại chúng, đặc biệt phân tích sâu về công nghiệp văn hóa. Được sự đồng ý của Bloom Books - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt tác phẩm - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Bộ máy đào tạo sao hà khắc và hiệu quả

Quá trình đào tạo ra các ngôi sao Kpop đã nhận nhiều “gạch đá” từ báo chí phương Tây, thậm chí bị gọi là chế độ nô lệ thời hiện đại. Đúng là các hãng thu âm Hàn Quốc chuyên chiêu mộ các ngôi sao trẻ tiềm năng và trói buộc họ vào những bản hợp đồng có thể dài đến 13 năm. Song, cần phải hiểu rằng đây là cách duy nhất để Hàn Quốc có thể xây dựng ngành công nghiệp pop của mình.

[…]

Nếu cần đến 10.000 giờ để có một ban nhạc vĩ đại thì tiêu chuẩn bảy đến 13 năm của một bản hợp đồng trong giới Kpop hoàn toàn hợp lý, nhất là khi một nửa quãng thời gian đó được dành cho việc đào tạo các ngôi sao trước khi họ xuất hiện trước công chúng.

Kpop,  Seungri,  Giai ma Han Quoc sanh dieu,  Han luu,  Cong nghiep giai tri anh 1
Sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu.

Shin Hyung-kwan, Tổng giám đốc MNET (tương đương MTV ở Mỹ), giải thích tại sao quá trình này lại kéo dài như vậy. “Cần thời gian để tìm ra ai có tài năng tiềm ẩn. Chọn một người và bảo bạn sẽ đào tạo họ thành sao là một chuyện, nhưng cũng phải xem họ có hòa hợp được với nhau và với xã hội hay không. Nếu không cẩn thận mọi thứ se hỏng hết. Người phương Tây không hiểu. Các nghệ sĩ có thể gặp tai nạn, hay dính vào rắc rối nào đó”.

Song các hợp đồng Kpop vẫn là chủ đề gây tranh cãi, không chỉ vì thời hạn mà cả vì sự cứng nhắc của chúng. Một minh chứng gần đây là cuộc chiến pháp lý kéo dài ba năm giữa ông vua boyband một thời DBSK và công ty quản lý của họ - SM Entertainment. Vấn đề này cuối cùng cũng được giải quyết vào cuối năm 2012.

Các thành viên của nhóm muốn chấm dứt hợp đồng vì điều kiện làm việc khắc nghiệt và thời gian quá dài. Công ty đồng ý chấm dứt hợp đồng DBSK tan rã năm 2009, sau đó năm 2010, SM tái lập ban nhạc với hai trong năm thành viên ban đầu.

Một mặt, những bản hợp đồng khắc nghiệt đúng là một phần nguyên nhân Hallyu (Hàn lưu) thành công - các nghệ sĩ hát và nhảy giỏi vì họ được tuyển vào từ nhỏ và đào tạo hàng năm trời. Mặt khác, hợp đồng của DBSK cho thấy thu nhập của nhóm thật sự quá ít so với các ban nhạc hàng đầu nước Mỹ. Các thành viên không được đảm bảo phần trăm lợi nhuận từ album cho tới khi đã bán được ít nhất 50.000 bản.

Tuy nhiên, nếu những người muốn thành danh qua con đường Kpop chọn lối đi thông thường, số phận của họ vẫn là phải lao động cật lực. “Tất nhiên chúng tôi không muốn chúng phải kẹt trong hợp đồng, nhưng những đứa trẻ này thật sự rất đam mê”, Martina Stawski - một người Canada ở Seoul, đồng sở hữu video blog Eat Your Kimchi - nói.

“Với chúng đây là một cơ hội lớn. Chúng có thể phải cố gắng đến cùng cực (để trở thành sao), nhưng làm việc ở một chaebol (một doanh nghiệp lớn) thì cũng thế, chúng vẫn phải lao lực. Quyết định là của chúng, ‘Liệu mình muốn tối nào cũng vật vã ở hakwon đến một giờ sáng để thi đại học, hay trở thành sao?’”.

[…]

Nền giải trí không được phép có trai hư

Theo Lee Moon-won - nhà phê bình văn hóa, người điều hành một tuần san tên là Media Watch (Theo dõi Truyền thông) - ngòi bút của ông không tác động đến doanh số.

“Fan hâm mộ không quan tâm đến lời phê bình, họ chỉ mua nhạc. Giá MP3 rẻ đến mức chẳng ai để ý. (Lời bình của tôi) không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh doanh. Nhưng nếu nghệ sĩ có tiếng xấu về nghệ thuật, nó sẽ ảnh hưởng đến việc họ có thể xuất hiện trên TV hay radio không”.

Điều này cho thấy một điểm khác biệt cốt yếu giữa văn hóa Hàn Quốc và phương Tây. Lee nói ngắn gọn: “Hình mẫu ‘trai hư’ không tồn tại ở Hàn Quốc. Ai cũng đều chak han (ngoan) cả”.

Một đứa trẻ chak han là một đứa trẻ tốt, với hàm ý có sự trong sáng. Nó khác với "tốt" thông thường. Một nhà hảo tâm quyên góp hàng triệu đô cho quỹ từ thiện đang làm một việc tốt, nhưng việc đó không chak han. Một đứa trẻ giúp bà dọn dẹp mới là chak han. Nó nhỏ nhặt hơn một việc tốt và thường tuân theo giá trị xã hội truyền thống, chứ không phải tốt về mặt tâm linh hay trừu tượng.

Kpop,  Seungri,  Giai ma Han Quoc sanh dieu,  Han luu,  Cong nghiep giai tri anh 2
Hình ảnh Jung Joon Young trong một MV 18+, mới đây Jung Joon Young bị phát hiện có tên trong một nhóm chat khiêu dâm gây rúng động Hàn Quốc. 

“Người Hàn xây dựng hình ảnh các chàng trai hay cô gái ngoan”, Lee nói thêm. “Nên nếu một nghệ sĩ sử dụng ma túy, mọi người sẽ thất vọng - đấy là một vấn đề lớn. (Một sự việc kiểu đó) có thể hủy hoại cả sự nghiệp, nhất là scandal tình dục”.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự gợi cảm vẫn đầy rẫy trên sân khấu, ví dụ như ngôi sao nữ HyunA - nhưng khi được phỏng vấn hay xuất hiện trước công chúng, cô ấy rất nhẹ nhàng và dễ thương.

Dù những luật cấm chặt chẽ dưới thời độc tài Park Chung-hee không còn nữa, các hãng thu âm và nghệ sĩ vẫn phải đối phó với bộ luật bảo vệ thanh thiếu niên, được Hàn Quốc ban bố vào những năm 1990 để trấn áp nạn lạm dụng tình dục trẻ em, và phần nào bảo vệ trẻ em khỏi các ấn phẩm “đồi bại” - vế này có nhiều cách hiểu.

Đáp lại bộ luật, các hãng thu âm đặt ra giới hạn tuổi nghiêm ngặt với các album, nhiều khi vì những lý do kỳ lạ. Mirotic, bài hát của nhóm DBSK, ban đầu chỉ được bán cho những ai trên 18 tuổi vì lời bài hát “I’ve got you under my skin”, có thể hiểu là sự động chạm thể xác, sau đó phải đổi thành “I’ve got you under my sky” (Anh có em dưới bầu trời của mình).

Cái giá phải trả cho việc gắn mác 19+ rất cao: bài hát đó sẽ không được phát trên TV hay radio. Tour Born This Way của Lady Gaga ở Seoul chỉ dành cho đối tượng khán giả trên 19 tuổi, ai nhỏ tuổi hơn đều không được vào kể cả có người lớn đi kèm.

Giải mã lý do Hàn Quốc chọn công nghiệp giải trí thay vì các tập đoàn

Nền công nghiệp giải trí mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Hàn Quốc, không những thế Hàn lưu giờ đây đã trở thành một quyền lực mềm, chinh phục, lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới.



Trích sách "Giải mã Hàn Quốc sành điệu"

Bạn có thể quan tâm