Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Doanh nhân Việt trưởng thành, nhưng đừng tự khen nhau'

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định, hiệp định TPP mở ra một cánh cửa mới rộng, sâu hơn, buộc các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không thể dậm chân mà phải có sự thay đổi về chất.

Vào ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã trao đổi với Zing.vn những suy nghĩ, cảm xúc về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trước bước ngoặt lớn khi Việt Nam tham gia TPP.

- Năm 2015, hoàn tất đàm phán TPP được coi là một sự kiện lớn với nền kinh tế Việt Nam. Sau mỗi một hiệp định kinh tế lớn như WTO và giờ đây là TPP, bà nhìn thấy sự thay đổi gì từ các doanh nhân Việt Nam?

- Tôi nghĩ doanh nhân Việt đã có sự trưởng thành rất tốt từ khi Việt Nam đổi mới và đặc biệt là từ khi chúng ta hội nhập với các nền kinh tế khác.

Đổi mới và hội nhập mở ra chân trời mới cho doanh nhân Việt Nam để bước ra thế giới bên ngoài, hòa vào dòng chảy chung với doanh nhân các nước và đón nhận những cơ hội khi họ vào Việt Nam làm việc.

Tuy nhiên, một mặt vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân là không chỉ có thị trường mới để khai thác và sản phẩm mới làm ra, họ tiếp cận, cọ xát, cạnh tranh, học hỏi được rất nhiều từ đối tác bên ngoài. Nếu không có sự cọ xát, cạnh tranh và hợp tác đó, rất khó để các doanh nhân có thể trưởng thành như ngày nay.

Ở Việt Nam, tôi quan sát thấy nhiều người bước vào kinh doanh nhưng không qua trường lớp đào tạo. Ngay cả trước kia hay bây giờ, không ít người bước vào kinh doanh do bức bách của cuộc sống mưu sinh. Động lực của họ nhiều khi chưa phải là muốn làm giàu mà đơn giản chỉ là có việc để làm cho cá nhân và gia đình. Do khó tìm công việc khác, họ chọn kinh doanh làm con đường mưu sinh và chịu khó học hỏi dần.

Nhiều người tự đào tạo mình qua quá trình làm việc, sau đó tham gia những khóa học phát triển bản thân. Không ít người cũng đã tham gia được chương trình đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Do vậy, hội nhập sẽ tạo ra sức ép và cơ hội để doanh nhân, doanh nghiệp Việt xác định tham gia vào con đường kinh doanh một cách vững chãi hơn. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Mạnh Thắng.

- Khi hội nhập, doanh nhân cũng cần thay đổi. Họ sẽ chịu những sức ép như thế nào khi phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong khối TPP?

- Hội nhập chắc chắn đòi hỏi doanh nhân phải thay đổi. Các cơ quan Nhà nước có chậm chạp đi chăng nữa thì doanh nhân không được phép chậm chạp hoặc lần chần trong thay đổi mình để thích ứng với điều kiện mới của hội nhập.

Càng ngày, cấp độ cao hơn, phạm vi rộng hơn yêu cầu chất lượng cạnh tranh càng lớn hơn nên tham gia vào những công cuộc hội nhập lớn như TPP đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân Việt cần có bước chuyển về chất mới có thể vượt lên được.

Nếu những cuộc hội nhập trước đây như tham gia hiệp định ASEAN, WTO mở diện rộng ra nhiều thì TPP là hiệp định thay đổi rất lớn về chất lượng. Đó là lý do thế giới gọi TPP là hiệp định của thế kỷ, FTA chất lượng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam là người tham gia vào sân chơi chất lượng này buộc phải hội nhập, thay đổi.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nói về sức ép với doanh nhân khi hội nhập.

Tôi cũng mừng là với TPP, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có mối quan tâm lớn. Mặc dù họ biết đàm phán TPP trước đây là một quá trình khép kín nhưng vẫn khát khao tìm hiểu, chuẩn bị trước khi chính thức tham gia vào cuộc chơi. Đó là chuyển biến hay mà tôi nhìn thấy ở cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trước đây, với ASEAN, nhiều người còn ít nhiều hờ hững nhưng riêng với TPP thì không ai hờ hững được.

- Thường thì sự đổi mới đến từ bên trong sẽ tốt hơn là sức ép từ bên ngoài buộc các doanh nghiệp, doanh nhân phải thay đổi. Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến cho các doanh nhân Việt cứ phải nhờ đến sức ép bên ngoài?

- Khi nói về sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, các chuyên gia thường nhìn nhận nhiều hơn về sức ép của chúng ta đối với công cuộc đổi mới nói chung, đặc biệt là đổi mới về thể chế, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn ở Việt Nam.

Đây là một sức ép rất lớn và động lực rất lớn để chúng ta làm. Vì đổi mới về thể chế bao giờ cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải thay đổi về tư duy, nhận thức của cả một hệ thống. Trong hệ thống này, có nhiều mối quan hệ, nhiều lợi ích khác nhau đan xen, phải đấu tranh rất mạnh mẽ và có sức ép lớn mới có thể đạt được.

Doanh nghiệp không phải chờ sức ép mới thay đổi bởi điều này diễn ra thường xuyên với họ. Thậm chí, sức ép này diễn ra suốt những năm vừa qua và tăng liên tục, trong bối cảnh toàn cầu hóa. Người kinh doanh nào mà không cảm thấy sức ép diễn ra hàng ngày lên mình, người đó chưa ý thức được công việc để vượt lên. 

Ngay cả trong thị trường nội địa, trước khi chúng ta có Luật Doanh nghiệp năm 1999, cả nước chỉ có khoảng hơn 40.000 công ty. Hiện tại, Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chưa kể lực lượng rất lớn các đơn vị nước ngoài vào. 

Trước đây, khi chưa mở cửa, chúng ta chưa cảm nhận được sức ép. Sau này, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào ngày càng nhiều, hàng hóa ngoại tràn vào Việt Nam, sức ép tăng lên với doanh nghiệp là hàng ngày. Nhiều đơn vị biết biến sức ép thành động lực để vượt lên trong cạnh tranh.

Đã là doanh nhân, doanh nghiệp, họ chấp nhận rủi ro, trong đó, những rủi ro, những thách thức có vấn đề cạnh tranh. Cạnh tranh luôn là vấn đề số một của doanh nghiệp và sức ép cạnh tranh là thường xuyên.

Thông thường, doanh nghiệp hay than phiền là chính sách của Việt Nam hay khác biệt với các nước trên thế giới. Vậy còn các doanh nhân Việt Nam, bà đánh giá như thế nào so với các doanh nhân thế giới?

- Rõ ràng, môi trường kinh doanh ở Việt Nam có nhiều điểm khác so với thế giới và nhìn chung kém thuận lợi hơn so với ít nhất là ở các nước trong khu vực.

Nhìn vào các nước ASEAN tiên tiến hơn Việt Nam, chúng ta thấy khoảng cách khá rõ về môi trường kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu của các tổ chức khác nhau có uy tín đánh giá về môi trường kinh doanh của các nước thường xếp hạng chỉ số này ở Việt Nam thấp hơn các nước phương Tây.

Các doanh nhân Việt cũng hiểu điều này. Doanh nhân chính là người lãnh đủ thiệt thòi bởi họ trực tiếp đương đầu thường xuyên với môi trường kinh doanh đó.

Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân vào các vấn đề về chính sách và pháp luật của nước ta sẽ thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Điều này không chỉ giúp ích trực tiếp cho doanh nghiệp, doanh nhân mà cao hơn là cho xã hội, đất nước.

 

"Đôi khi, người Việt thường chọn những lời tốt đẹp để khen, động viên nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta thẳng thắn nhìn lại mình so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Malaysia, đặc biệt là Singapore thì sẽ thấy mình làm sao bằng được họ về mức độ năng động và thích nghi".

- Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Công Thương, cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có cảnh báo là: "Doanh nghiệp Việt không nên sống quá nhiều trong cảm xúc với TPP". Bà nghĩ gì về lời cảnh báo này?

- Có lẽ ông Tuyển cũng cảm nhận được thực tế là TPP được ký kết đã tạo nên mối quan tâm, đồng thời dấy lên nhiều điều để trao đổi trong xã hội Việt Nam.

Suốt những ngày vừa qua, trên tất cả các phương tiện truyền thông, rất nhiều ý kiến, chia sẻ từ nhà nghiên cứu, nhà chính sách đến doanh nhân về TPP được đăng tải. Trong đó, nhiều cảm xúc đan xen giữa mừng và lo, vui với những cơ hội mới, buồn với nhiều thực trạng hiện nay của chúng ta. Có người lại đặt niềm tin, hy vọng vào tương lai nhưng cũng có những lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao...

Tất cả những biểu hiện đó phần nào thể hiện cảm xúc. Có thể ông Tuyển nói điều này khi nhớ lại những cảm xúc ông đã trải nghiệm khi Việt Nam tham gia WTO. Ngày đó, cảm xúc có lẽ còn mạnh hơn bây giờ.

Đã có hàng nghìn người tụ họp để chào mừng sự kiện này. Tuy nhiên, thực tế, tham gia WTO không được như chúng ta kỳ vọng. Vì vậy, tôi nghĩ ông Tuyển cũng có ý nhắc nhở chúng ta đừng để cảm xúc nhất thời chi phối hành động trong tương lai. Chúng ta cần tỉnh táo, dùng cái đầu nhiều hơn là cảm xúc của con tim để định hướng hành động cho mình.

Thực tế, sức ép của TPP có phần còn lớn hơn so với WTO. Mặc dù WTO là sân chơi rộng hơn, lớn hơn về quy mô nhưng về trình độ, TPP cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, khoảng không về địa lý của TPP có vẻ thu hẹp hơn nhưng thực tế đây lại là hiệp định rộng hơn, sâu hơn rất nhiều ở chỗ. Đó là việc mở cửa thị trường ở mức độ cao và sâu hơn rất nhiều, phạm vi đàm phán và thỏa thuận cũng rộng hơn nhiều so với WTO. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu, học hỏi và cố gắng rất nhiều để  quyết định hành động của mình.

'Với TPP, thành công phụ thuộc vào cải cách nhanh'

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để đạt được lợi ích cao nhất với vị thế là nước yếu hơn, Việt Nam cần biết cách để mượn thế của kẻ mạnh.

Tôi hiểu ý ông Tuyển nói "bớt cảm xúc đi" là nói theo ý đó. Ông Tuyển cũng là người đã được Chính phủ cử làm đặc phái viên để hỗ trợ cho đoàn đàm phán. Trực tiếp cọ xát quá trình đàm phán, ông là người hiểu rất rõ là khó như thế nào, đòi hỏi "cái đầu lạnh" trong quá trình đàm phán cũng như quá trình thực hiện sau này. Có lẽ khi ông chia sẻ với mọi người về vấn đề cảm xúc cũng là tự nói về những trải nghiệm của mình về quá trình đó.

- Doanh nhân Việt Nam được nhận định là năng động, dễ thích nghi. Tuy nhiên, dường như số người lưu danh khu vực và thế giới lại khá khiêm tốn. Quan điểm của bà về điều này như thế nào?

- Tôi cho rằng, đôi khi, người Việt thường chọn những lời tốt đẹp để khen, động viên nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta thẳng thắn nhìn lại mình so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Malaysia, đặc biệt là Singapore thì sẽ thấy mình làm sao bằng được họ về mức độ năng động và thích nghi.

Khoảng 3 năm nay, các doanh nghiệp miền Nam đã chia sẻ với tôi về tình trạng mà họ gọi là "những cuộc đổ bộ" của doanh nghiệp ASEAN để khai thác những cơ hội của cộng đồng kinh tế ASEAN vào Việt Nam.

Hơn 260 doanh nghiệp Phillipines cùng đi trên một chuyến bay tới tìm hiểu thị trường miền Nam Việt Nam. Indonesia, Thái Lan cũng vậy. Và Thái Lan không chỉ đi theo đoàn lớn mà còn chia thành nhiều nhóm nhỏ. Thậm chí, nhiều cá nhân, ông chủ doanh nghiệp rất lớn của nước này đích thân tìm kiếm cơ hội ở thị trường Việt Nam.

Bên cạnh năng lực vượt trội, các doanh nghiệp Thái Lan còn có sự hỗ trợ rất lớn từ đại sứ quán. Những tham tán, chuyên viên của đại sứ quán Thái Lan vô cùng năng động, nắm rõ thị trường Việt Nam. Về độ năng động, thích nghi, tôi thấy ta chưa bằng họ.

Nếu chúng ta thực sự năng động, thích nghi tốt thì một số ngành, một số doanh nghiệp Việt đã không dừng quá lâu ở việc làm gia công. Làm gia công những sản phẩm tương đối đơn giản như may mặc, giày dép mà chúng ta làm tới hơn 20 năm trời thì đâu thể gọi là năng động được.

Bà Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan mong muốn doanh nhân Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, thách thức mới và coi đây là bước ngoặt tự tạo ra cho mình để vươn lên.

Ảnh: Mạnh Thắng.

Hơn 20 năm, chúng ta "cắm cổ" làm gia công, nhập nguyên liệu Trung Quốc về, than vãn khó khăn nhưng lại không hề có cố gắng để cùng nhau đầu tư vào ngành dệt và cách ngành phụ liệu. Thậm chí khi biết vào TPP, sẽ đòi hỏi muốn tận dụng được lợi ích về thuế và thị trường của TPP thì phải cố gắng làm được các sản phẩm trung gian cho ngành may chứ không thể dựa vào nguồn phụ liệu từ bên ngoài.

Điều này chúng ta biết từ khi tham gia đàm phán TPP cách đây 5 năm trời nhưng đến nay, khi TPP hoàn tất đàm phán, thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng cho sản phẩm sợi làm ở Việt Nam hay lại ngồi chờ các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ở đây?

Từng doanh nghiệp nhỏ thì không làm nổi vì đầu tư vào ngành này rất đắt đỏ. Nhưng cả một cộng đồng hơn 2.000 doanh nghiệp hợp sức chẳng nhẽ chúng ta lại không làm được hay sao mà để các doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan đặt nhà máy sản xuất sợi tại Việt Nam?

Thay vì nhập từ bên ngoài, thực tế chúng ta đang nhập khẩu tại chỗ ở thị trường trong nước nhưng không phải sản phẩm của người Việt Nam làm ra mà là sản phẩm của các nước khác. Lợi ích chúng ta vẫn phải chia sẻ cho họ.

Tôi nói ngay trong ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tham gia nhất, tôi cũng chưa thực sự thấy sự năng động, thích nghi tốt của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề chứ đừng khen nhau nhiều quá.

Mặc dù, thực tế, chúng ta cũng có nhiều doanh nghiệp làm tốt như Công ty An Phước với sản phẩm Piere Cardin sau đó phát triển ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng của mình, thực sự là "made in Vietnam". Tuy nhiên, xét chung về toàn ngành, tôi thực sự thấy yếu tố thích nghi, năng động còn rất hạn chế.

Các nước "hóa rồng" như Hàn Quốc, Đài Loan bắt đầu từ hàng may mặc nhưng không nước nào dừng tại một vị trí trong những hơn hai chục năm trời như Việt Nam.

- Hiện nay, rất nhiều đại gia của Việt Nam như Vingroup, Hòa Phát, FPT, SSI... đều đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Liệu điều này có triển vọng tốt hơn khi Việt Nam gia nhập TPP hay không?

- Tôi rất mừng vì quyết định đầu tư vào nông nghiệp của các công ty lớn, có tiềm năng và năng lực ở Việt Nam. Lâu nay Chính phủ ra sức kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đều quay lưng bởi nhiều lý do.

Đầu tư vào nông nghiệp đầy rủi ro, thách thức, đặc biệt ở Việt Nam rất khó. Nhân tố gây khó số 1 là đất đai. Chừng nào chúng ta còn duy trì thể chế đất đai như hiện nay thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.

Cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam về cơ bản vẫn manh mún, nhỏ lẻ không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài quen làm sản xuất nông nghiệp theo cách công nghiệp. Đó là tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, quy trình đồng nhất, người tham gia chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, văn hóa nông nghiệp, nông thôn chúng ta chưa phù hợp để các doanh nghiệp nước ngoài thích nghi được. 

Trước kia, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa cũng đã đầu tư vào nông nghiệp trong nước nhưng chỉ dừng ở công đoạn thu mua, phân phối. Và phải nói, đầu tư vào nông nghiệp là quá trình vô cùng gian nan, vất vả.

Tôi nói ví dụ như Vinamit của ông Nguyễn Lâm Viên đầu tư vào lĩnh vực trái cây. Mảnh đất miền Nam màu mỡ, là vựa trái cây khổng lồ như vậy nhưng khi ông Viên vào thu mua để chế biến thành những sản phẩm khác nhau cho thị trường trong nước và xuất khẩu thành công đòi hỏi nỗ lực khủng khiếp của ông và công ty.

'Việt Nam đủ sức vào cuộc chơi mới'

Trở về từ bàn đàm phán TPP, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trả lời Zing.vn ngay tại sân bay Nội Bài.

 Chứng kiến sức khỏe của ông bị tàn phá khiến bản thân tôi thấy thương những doanh nhân tâm huyết với ngành như vậy. Chính sự gian nan, vất vả của những người tiên phong khiến chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cũng cảm thấy chờn, khó có thể làm được.

Hay như trường hợp thành công khác sau này với quy mô lớn hơn là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang của ông Huỳnh Văn Thòn làm cánh đồng mẫu lớn. Đây cũng là quá trình vô cùng gian nan. Nhưng may mắn của ông Thòn là có sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền An Giang đã thúc đẩy nhiều hộ nông gom góp đất lại thành cánh đồng mẫu lớn để cùng tham gia sản xuất, phát triển nông nghiệp.

Trong hoàn cảnh đó, sự tham gia đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam là cực kỳ ý nghĩa. Tôi tin, với những tiềm năng của các doanh nghiệp này, họ sẽ thành công. Với TPP, sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn sẽ giúp tăng cường thêm năng lực của Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta đừng chỉ tập trung vào sức ép lên nông nghiệp từ TPP mà quên đi sức ép từ cộng đồng kinh tế ASEAN. Nếu như TPP là sức ép lớn nhất vào lĩnh vực chăn nuôi thì sức ép từ ASEAN vào lĩnh vực trồng trọt cũng không mấy thua kém.

Thái Lan, Indonesia, Phillipines đều có những dòng sản phẩm cạnh tranh trực tiếp rất mạnh với Việt Nam. Thậm chí, họ có rất nhiều dòng sản phẩm tốt hơn Việt Nam. Duy chỉ có lúa gạo họ thua Việt Nam do địa hình và điều kiện sản xuất hạn chế.

Tuy nhiên, ngay cả với lúa gạo, nếu mang lại lợi ích kinh tế tốt hơn hiện nay, họ vẫn có thể làm tốt hơn Việt Nam. Chúng ta nên nhớ, trung tâm nghiên cứu lúa gạo lớn nhất hiện nay vẫn đặt ở Phillipines chứ không phải Việt Nam.

Đối với các sản phẩm khác, tất cả những nông sản Việt Nam có thì hầu như Thái Lan cũng có với chất lượng vượt trội hơn, tính ổn định cao hơn. Do vậy, hàng nông sản Thái tạo được niềm tin ở người tiêu dùng Việt tới mức về đồng bằng Sông Cửu Long, người dân vẫn ăn hoa quả Thái, gạo Thái. Điều đó cho chúng ta thấy sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực lên chúng ta lớn đến thế nào.

- Trong thời gian qua, bà ấn tượng với doanh nhân nào nhất? Vì sao vậy?

- Nếu nói một thì có lẽ rất khó bởi Việt Nam ta có nhiều doanh nhân đáng ngưỡng mộ. Thời gian qua, nhiều doanh nhân Việt để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ.

Truyền thông thường tập trung ca ngợi những doanh nhân lớn. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại dành sự quan tâm nhiều hơn tới các doanh nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Và tôi thấy truyền thông cũng như chúng ta, cần nhắc đến họ, quan tâm đến họ nhiều hơn.

Tôi thường nghĩ đến nhiều doanh nhân trẻ tự thân lập nghiệp. Tôi kỳ vọng họ, bằng chính bản thân mình, những doanh nhân trẻ sẽ dùng kinh nghiệm được học hỏi và kế thừa áp dụng trong điều kiện mới cộng với những kiến thức và đòi hỏi mới để vượt lên. Tôi thực sự rất kỳ vọng vào những doanh nhân như vậy.

Nói đến đây, tôi đang nhớ đến doanh nhân trẻ như Lý Huy Sáng cùng cha mình là ông Lý Ngọc Minh, đang làm rất tốt trong việc phát triển và sáng tạo các sản phẩm mới cho thương hiệu gốm sứ cao cấp Minh Long. Những sản phẩm mới xuất khẩu ra thị trường của Minh Long đã thể hiện những thành quả và dấu ấn đáng ghi nhận bước đầu của Lý Huy Sáng.

Hay em Đỗ Duy Hiếu, con ông Đỗ Duy Thái cũng là một gương mặt doanh nhân trẻ đáng kỳ vọng cùng với nhiều doanh nhân cùng lứa khác.

Nói tới doanh nhân nữ, có thể nói tới những tên tuổi đáng quý, tạo nên cảm hứng cho nhiều người nữ bước vào con đường kinh doanh như chị Phạm Việt Nga, chị Vũ Thị Thuận, chị Nguyễn Thị Điền...

- Vào ngày doanh nhân Việt Nam, bà có chia sẻ gì với cộng đồng doanh nghiệp Việt?

- Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đi vào một thời kỳ phát triển mới. Bởi đơn giản chúng ta cũng không thể dậm chân ở mô hình cũ được nữa.

Khi chúng ta đi vào công cuộc hội nhập sâu, rộng hơn thì các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đang đi vào một chặng đường tương tự như vậy. Tôi mong các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội, thách thức mới này, coi đó là một bước ngoặt mà chính mình tạo ra cho mình để vượt lên.

Trong phát triển, tôi kỳ vọng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ dẫn dắt được công cuộc phát triển của Việt Nam chứ không chỉ chờ Nhà nước thay đổi về thể chế, môi trường kinh doanh.

Muốn được như vậy, cộng đồng doanh nhân Việt Nam cần tham gia tích cực hơn nữa, đóng góp nhiều hơn để tạo nên những thay đổi về thể chế, chính sách, tự mình cải thiện môi trường kinh doanh trong nước để đạt được thành công.

- Xin cảm ơn bà!

'Chiếc đũa thần nằm trong tay chính chúng ta'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không nên coi TPP hay bất cứ một hiệp định thương mại nào là "chiếc đũa thần", mà "Chiếc đũa thần thực sự nằm trong tay chính chúng ta".

 

 


Diệp Sa (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm