Chiều nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có buổi phỏng vấn trực tuyến trên Zing.vn, chia sẻ những tác động của Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 2 ngày hiệp định thông qua. Không giấu được niềm hy vọng về những thành công mới chờ đợi nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, nhưng chuyên gia này cũng chỉ ra những thiếu sót có thể tạo nên "cửa huyệt" khi tham gia vào sân chơi lớn.
Theo bà Lan, nhìn lại con đường 8 năm tham gia WTO và thời gian dài gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam vẫn chưa đạt được những thành công như mong đợi. Nguyên nhân có thể xuất phát từ doanh nghiệp, như thiếu lao động chất lượng, giá trị hàng xuất khẩu thấp, hàm lượng công nghệ không cao, dễ bị doanh nghiệp FDI chèn lấn... Hay cũng có thể xuất phát từ mô hình tăng trưởng không hợp lý, bất ổn kinh tế, khiến kinh tế Việt Nam chưa thăng hoa như kỳ vọng.
"Là thành viên duy nhất còn ở tình trạng đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, cũng như đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu các thành viên khác của TPP chấp nhận những điều kiện hợp lý hơn cho mình. Kết quả đàm phán TPP cũng đã cho thấy, các nước thừa nhận sự chênh lệch về trình độ phát triển và có những nhân nhượng hợp lý cho chúng ta", bà Lan nhấn mạnh.
Tuy thế, dưới góc nhìn bà Lan, cơ hội của Việt Nam tại sân chơi này là không thể phủ nhận được, đặc biệt là về cải cách thể chế, hệ thống hành chính, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn.
"Thành công hay không trong công cuộc hội nhập mới này phụ thuộc trước hết vào cải cách nhanh và triệt để của chúng ta, chứ không phải vào tốc độ của các đàm phán và ký kết đó. Chúng ta không nên trông đợi ở chiếc đũa thần TPP hay bất cứ một hiệp định FTA nào khác. 'Chiếc đũa thần' nằm trong tay chính chúng ta chứ không phải ai khác... ", bà chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao tác động của TPP tới công cuộc cải cách của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Xét về cơ hội của các ngành kinh tế cụ thể, bà Lan đưa ra ví dụ trong chăn nuôi và cung ứng thịt gà. Vốn là người không thích thịt đông lạnh, bà cho rằng, người Việt Nam nhiều năm nữa sẽ vẫn giữ thói quen thích thịt tươi. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển trước sức ép hàng giá rẻ của Mỹ, của Australia sau này.
Với những kỳ vọng TPP có thể giúp chúng ta đánh lùi sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ Trung Quốc, bà Lan lại có những nhận định ngược lại. Bà cho rằng, cơn bão hàng giá rẻ, chất lượng thấp của bạn hàng này có thể áp đảm sản xuất trong nước thời gian qua, là do lỗi của chính Việt Nam, vì đã không thể tự bảo vệ được mình.
"TPP cũng như những công cuộc hội nhập khác, như FTA với EU, FTA với Hàn Quốc, AEC... mở ra cho chúng ta những cơ hội lớn để tiếp cận với các sản phẩm từ các thị trường này. Chúng ta rất cần tận dụng cơ hội đó để sắp xếp lại một cách hợp lý quan hệ thương mại với các đối tác khác, tránh làm chính mình bị tổn thương vì những luồng hàng giá rẻ như kiểu Trung Quốc", vị chuyên gia này nhắn nhủ.
Trong cuộc chơi của những nền kinh tế lớn, bà Phạm Chi Lan khẳng định, kẻ mạnh vẫn có ưu thế hơn so với những người yếu. Và Việt Nam không có cách nào khác là phải cố gắng hết mình để đạt được những lợi ích cao nhất.
"Cuộc chơi toàn cầu nhiều khi cũng cho phép những người nhỏ hơn có thể mượn thế của những kẻ lớn hơn, hoặc như người ta thường gọi là 'đứng trên vai người khổng lồ' để vượt lên. Tôi mong, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được điều đó".
Đối với những người Việt trẻ - thế hệ sẽ cảm nhận hết tác động của TPP tới kinh tế xã hội Việt Nam trong 1-2 thập kỷ tới - bà nhấn mạnh, cơ hội thành công sẽ đến với người hiểu và tận dụng được nó. Học ngoại ngữ mới bên cạnh tiếng Anh, rèn luyện chuyên môn trong lĩnh vực của mình sẽ tạo ra cơ hội để người Việt có thể xâm nhập vào hàng ngũ lao động bậc cao.
"Về ngoại ngữ, thì tùy. Xem bạn muốn làm việc với đối tượng nước ngoài nào để chọn lựa ngôn ngữ phù hợp. Tiếng Anh là thứ tiếng phổ biến nhất hiện nay, nhưng TPP cũng coi tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là có giá trị chính thức. Có nghĩa, trong TPP, khả năng sử dụng tiếng Pháp, Tây Ban Nha không hề nhỏ. Bên cạnh đó còn có Nhật Bản - là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Vì thế, nếu cố gắng học tiếng này có thể sẽ tạo thêm cơ hội lớn cho bạn".
Xem chi tiết chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại đây