Khi Taliban giành lại quyền kiểm soát Kabul một năm trước, Yu Minghui là một trong số rất ít doanh nhân Trung Quốc quyết định ở lại.
Kể từ đó, ông Yu phải chấp nhận những thay đổi từ người cầm quyền mới của đất nước, đối phó với các quan chức không còn do Mỹ hậu thuẫn và tái đàm phán những dự án đã thực hiện trong nhiều năm.
9,5 tỷ USD tài sản của Afghanistan đã bị đóng băng như một phần biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Taliban.
Điều này khiến người dân gặp hạn chế khi muốn rút tiền qua ngân hàng. Họ chỉ được phép rút dưới 400 USD/tuần từ chính tài khoản ngân hàng của mình.
Tuy vậy, quyết định của ông Yu dường như đã được đền đáp. 4 dây chuyền chế biến thép mà nhà máy ông lắp đặt từ năm ngoái đang hoạt động. Các quan chức an ninh địa phương thỉnh thoảng đến thăm China Town, tòa nhà 10 tầng do ông điều hành để “lắng nghe nhu cầu từ các thương nhân Trung Quốc”, theo South China Morning Post.
“Taliban không chỉ nói mà còn thực sự đang hỗ trợ cho công việc của chúng tôi”, ông Yu - kinh doanh ở Afghanistan từ năm 2001 và cũng là người đứng đầu Ủy ban Xúc tiến Thương mại và Kinh tế Arab Trung Quốc - cho biết. “Không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở đây, và các quan chức này biết họ có thể đặt niềm tin vào ai”.
Sự thận trọng của Bắc Kinh
Sự tin tưởng này đã được chứng minh vào cuối tháng 4, khi sau nhiều tháng tái đàm phán, Taliban thông qua dự án chung phát triển khu công nghiệp trị giá 216 triệu USD ở ngoại ô Kabul.
Dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc - Afghanistan đầu tiên kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền dự kiến có tới 150 nhà máy.
Ông Yu cho biết ông đang đặt cược vào tương lai của Afghanistan, nơi đã bị chiến tranh tàn phá kể từ năm 1978.
“Đất nước đang tụt hậu, và những thành phố đổ nát cần được tái xây dựng”, ông nói. “Điều này đòi hỏi mọi thứ, từ kỹ sư, tiền bạc đến kỹ năng, và tôi nghĩ Trung Quốc có lợi thế”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng trong quan hệ với Taliban. Nước này nhiều lần kêu gọi lực lượng làm nhiều hơn nữa trong việc chống khủng bố, xây dựng chính phủ hòa nhập, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em.
Giống như phần còn lại của thế giới, Bắc Kinh chưa chính thức công nhận chính quyền Taliban, mặc dù các nhà ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả Đại sứ Wang Yu, thường xuyên gặp gỡ quan chức cấp cao Taliban ở Kabul.
Đại diện các công ty nhà nước cũng đến thăm cơ quan đại diện ngoại giao Taliban ở Bắc Kinh mở vào đầu năm nay để thảo luận về cơ hội đầu tư và kế hoạch tái thiết.
Đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Thiên Tân hôm 28/7/2021. Ảnh: Xinhua. |
Trung Quốc ủng hộ cách tiếp cận đa phương trong can dự với Taliban cùng các nước láng giềng của Afghanistan - như Pakistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan - cũng như Mỹ và Nga. Tuy nhiên, hồi tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không báo trước mà dừng chân tại Kabul trong chuyến công du kéo dài 4 ngày ở Nam Á.
Zhu Yongbiao - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan, Đại học Lan Châu - cho biết cách tiếp cận thận trọng phản ánh quan ngại của Bắc Kinh về bất ổn chính trị tại Afghanistan.
Một số ý kiến lo ngại liệu Taliban có thực sự theo đuổi cam kết cắt đứt liên hệ với các tổ chức khủng bố, bao gồm Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan. Trong khi đó, có những ý kiến khác cho rằng bạo lực liên quan tới căng thẳng giáo phái và sắc tộc ở Afghanistan có thể tràn sang Pakistan, đồng thời đe dọa cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ và xây dựng trong khuôn khổ dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 62 tỷ USD.
“Cách tiếp cận đa phương sẽ ổn định hơn”, ông Zhu nói. “Trong khi đó, các nước láng giềng thường chia sẻ mối quan tâm chung như an ninh và khủng bố, không giống như Mỹ và châu Âu”.
Taliban hy vọng đầu tư từ Trung Quốc có thể biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và chưa được khai thác hết tiềm năng của Afghanistan thành nguồn thu, từ đó cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ của đất nước.
Theo số liệu chính thức, Afghanistan có trữ lượng hơn 2,2 tỷ tấn quặng sắt, 30 triệu tấn đồng và 1,4 triệu tấn khoáng sản đất hiếm.
Tuy nhiên, ông Zhu nói nhu cầu của Trung Quốc với khoáng sản của Afghanistan đã bị “phóng đại”.
“Trung Quốc cảnh giác với những bài học kinh nghiệm từ Mỹ, rất thận trọng khi đánh giá những rủi ro có thể xảy ra”, ông Zhu nói, cho biết thêm điều đó cũng giải thích lý do Đại sứ quán Trung Quốc ở Kabul đã nhiều lần cảnh báo tình trạng “đầu tư mù quáng" tại đây.
Nỗi thất vọng lớn
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Afghanistan đang ngày càng mở rộng. Nước này là đối tác thương mại lớn thứ ba của Afghanistan sau Pakistan và Iran. Sau khi Mỹ rút quân, Trung Quốc đã gửi nhiều đợt hỗ trợ nhân đạo và tài chính cho Afghanistan.
Trung Quốc nối lại nhập khẩu hạt thông của Afghanistan - nguồn thu nhập chính của nông dân - vào tháng 11. Tháng trước, Bắc Kinh cho biết 98% hàng xuất khẩu của Afghanistan sang Trung Quốc sẽ được miễn thuế nhập khẩu từ tháng này.
Tại cuộc họp ở Kabul gần đây, Đại sứ Wang Yu nói với Shahabuddin Delawar, quan chức phụ trách khai thác và dầu khí của Taliban, rằng việc thăm dò và khai thác tại mỏ đồng Aynak sẽ sớm bắt đầu.
Tập đoàn luyện kim nhà nước Trung Quốc đã được phép khai thác Aynak, dự án khai thác đồng lớn nhất ở Afghanistan, từ năm 2007. Tuy vậy kể từ đó, dự án vẫn chưa có bước tiến triển nào.
Nền kinh tế Afghanistan bị cô lập sau khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021. Ảnh: Wall Street Journal. |
Theo Raffaello Pantucci, nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, đối thoại với nhóm đại diện cho Taliban chưa bao giờ là dễ dàng.
“Không rõ họ gắn kết tới mức nào, cũng như mức độ họ kiểm soát toàn bộ đất nước”, ông nói. “Kết quả là Trung Quốc đang đối phó với một đối tác nắm quyền trên danh nghĩa, nhưng giới hạn của quyền lực này rất khó đo lường. Do đó, khó mà hiểu họ có thể hoặc không thể cung cấp bao nhiêu. Tôi đoán điều này là nỗi thất vọng lớn nhất của Trung Quốc”.
Ông Pantucci cho biết Bắc Kinh có thể "hơi thất vọng" về tiến độ chậm chạp mà chính quyền Taliban đã đạt được, bao gồm cả việc lực lượng này không thành lập được một chính quyền đoàn kết. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn vài sự lựa chọn.
Ông cũng nói thêm có một niềm tin thái quá ở Trung Quốc rằng Afghanistan có thể "trở thành nơi mà các cường quốc xung đột và đụng độ với sự tham gia của Ấn Độ và Mỹ".
Kể từ khi kết thúc “sứ mệnh” quân sự, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa công bố chính sách mới về Afghanistan.
Tuy nhiên, theo Washington Post, các quan chức hiện làm việc với các tổ chức Hồi giáo và đồng minh để tận dụng một số công cụ sẵn có - bao gồm lệnh trừng phạt, lệnh cấm đi lại và lời hứa công nhận ngoại giao - nhằm khuyến khích Taliban ngăn chặn tấn công khủng bố, giúp đỡ người Afghanistan có quan hệ với Mỹ di cư và trao trả con tin người Mỹ.
Vài ngày sau khi mở lại Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Afghanistan và nước ngoài “không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan”.
Ấn Độ - quốc gia phản đối Taliban và ủng hộ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn - đã sơ tán nhân viên đại sứ quán sau khi Taliban tiến vào Kabul vào tháng 8/2021.
Phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Taliban Abdul Qahar Balkhi đã mời Ấn Độ tham gia vai trò tái thiết Afghanistan.
Doanh nhân Yu cho biết Ấn Độ là ví dụ cho thấy hệ tư tưởng không liên quan đến Taliban khi nhắc tới lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.
“Đối với chúng tôi, tất cả là về kinh doanh”, ông nói. “Và đối với chính quyền (Taliban), điều họ quan tâm là những gì chúng tôi làm tại đất nước này, bất kể là công ty Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ”.